Đôi nét về Đức Tổ sư Minh Đăng Quang
Đức Tổ sư Minh Đăng Quang lập chí nguyện "Nối truyền Thích Ca chánh pháp" khai mở ra hệ phái Phật giáo biệt truyền, thành lập "Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam".
- Đạo Phật sau khi du nhập vào Việt Nam, đến gần giữa thế kỷ XX (năm 1944) tại miền Nam Việt Nam, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang lập chí nguyện “Nối truyền Thích Ca chánh pháp” khai mở ra hệ phái Phật giáo biệt truyền, thành lập “Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam”. Ngài có thế danh là Nguyễn Thành Đạt, tự Lý Hườn, ra đời lúc 22 giờ ngày Tân Tỵ 26 tháng 9 năm Quý Hợi 1923 tại làng Phú Hậu, tổng Bình Phú, quận Tam Bình, tỉnh Cửu Long, Việt Nam (nay là tỉnh Vĩnh Long). Khác với anh chị của mình, mẹ Ngài là cụ bà Phạm Thị Nhàn phải mang thai đến 12 tháng mới sinh ra ra Tổ sư. Mười tháng sau, cụ bà bệnh nặng và qua đời, hưởng dương 32 tuổi. Từ đó về sau Ngài được thân phụ là Nguyễn Tồn Hiếu và bà kế mẫu Hà Thị Song nuôi dưỡng đến ngày trưởng thành. Thuở nhỏ Ngài có trí thông minh khác hơn những trẻ cùng thời, phong cách đi, đứng, ăn, mặc, nói, làm… đều thể hiện đức tính trang nghiêm điềm đạm. Ngài thường tới lui các nhà đạo đức trưởng thượng đương thời để tham vấn đạo lý. Đồng thời Ngài hay ra cái thất nhỏ sau nhà hằng ngày tu tập tham thiền. Có những buổi chiều Ngài thường hướng mắt về chân trời bao la với vẻ mặt đăm chiêu như đang suy nghĩ điều gì mà chưa giải quyết được. Với tinh thần hướng thượng, nhiều lần Ngài xin phép với thân phụ được xuất gia đi tầm chân lý. Thân phụ vì quá thương con nên nhất định ngăn cản. Tuy nhiên, khi 15 tuổi, Ngài vẫn quyết định rời Việt Nam đến Campuchia để cầu đạo. Ngài gặp một vị thầy Việt lai Miên nổi tiếng đạo pháp cao siêu liền cầu xin thọ giáo làm cư sĩ học đạo. Trải qua những cuộc trắc nghiệm cam go, rốt cuộc vị Thầy hoan hỷ tỏ lời khen ngợi và cho ở lại học đạo. Học đạo được bốn năm tại Campuchia, Ngài vừa làm trọn bổn phận với thầy, vừa nghiên cứu Kinh Tạng và đường lối Y Bát chơn truyền của Phật Tăng xưa. Sau đó, Ngài xin phép với Thầy được trở về Việt Nam. “Về nước, nhiều lần Ngài vào hang núi ẩn tu, đồng thời nghiên cứu về đường lối Nam, Bắc Tông Phật giáo. Không chỉ thế, Ngài còn tìm đến những bậc ẩn tu ở những nơi núi non huyền bí, hang động sâu thẳm để tham vấn.
Ngài ở vùng Thất Sơn ít lâu thì xuống núi qua đất Hà Tiên định lần ra Phú Quốc, rồi sau đó sẽ tìm sang các nước học đạo truyền giáo. Nhưng khi vừa đến nơi thì đã trễ tàu. Ngài ở lại ra đầu gành bãi biển Mũi Nai ngồi tham thiền bảy ngày bảy đêm quán xét nhân duyên”.
Trước cảnh thiên nhiên trời nước bao la, những chiếc thuyền nhấp nhô, bọt nước tụ tán vào một buổi chiều Ngài ngộ nhập Phật pháp chứng đạt lý vô thường, vô ngã, cảnh khổ trầm luân, đầy vơi, có không, còn mất, sống chết, khổ vui của cuộc đời. Chính nơi đây Ngài tỏ sáng lý pháp “Thuyền bát nhã” ngược dòng đời cứu độ chúng sanh. Năm đó Đức Ngài tròn 22 tuổi. Sau đó ngài trở về làng Phú Mỹ, tỉnh Mỹ Tho, thành lập Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam, nối truyền Thích Ca chánh Pháp. Chư Tăng, Ni xuất gia theo Ngài học đạo thời bấy giờ có trên trăm vị, còn Phật tử theo quy y thọ giới tại gia cũng hơn cả vạn người. Tịnh xá được thành lập hơn 20 ngôi tại các tỉnh miền Đông và đồng bằng sông Cửu Long. Ngài hành đạo thuyết pháp độ sanh được khoảng 10 năm thì thọ nạn và vắng bóng. Từ đó, hằng năm ngày mùng 1 tháng 2 âm lịch, hàng môn đồ đệ tử Tăng ni xuất gia và thiện nam tín nữ Phật tử tại gia đồng nhất tâm thành kính thắp nén tâm hương tưởng niệm cuộc đời giáo hóa và ân đức khai sơn sáng lập của Tổ sư.