CHƠN LÝ KHẤT SĨ- NGŨ UẨN - QUYỂN 02 - MP3 và Ebook

  1. CHƠN LÝ KHẤT SĨ- VŨ TRÕ QUAN - QUYỂN 01 - TS. MINH ĐĂNG QUANG

NGŨ UẨN - QUYỂN 02

I. NGŨ UẨN HAY NGŨ ẤM

Ngũ uẩn hay ngũ ấm là năm pháp cái trong võ trụ. Mỗi vật chi trên thế gian này, dầu có hình tướng, dầu không hình tướng, đều thuộc về những chi tiết của ngũ uẩn cả. Năm pháp cái ấy là:

1.

Sắc uẩn (hình sắc thể chất).

2.

Thọ uẩn (thọ cảm ưa chịu).

3.

Tưởng uẩn (Tư tưởng hay tưởng tượng).

4.

Hành uẩn (hành vi tức việc làm).

5.

Thức uẩn (thức trí phân biệt).

Chữ uẩn là súc tích, chứa nhóm, gom kết, khối to cả thể như kho tàng. Chữ ấm là che đậy, thể rộng lớn trùm chứa (nghĩa tương tợ với chữ uẩn).

Ngũ uẩn hay ngũ ấm có ra, là nương sanh bởi pháp này và pháp kia. Như đất, nước, lửa, gió nóng lạnh, dung hợp sanh thọ cảm. Thọ cảm là ấm của tứ đại, nên kêu là thọ ấm, còn tứ đại là sắc ấm. Thọ ấm dung hợp với sắc ấm tứ đại, mà sanh tưởng ấm. Tưởng ấm dung hợp với sắc ấm, thọ ấm, mà sanh hành ấm. Hành ấm dung hợp với sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm mà nẩy sanh thức ấm. Thế là ngũ ấm nương sanh lấy nhau, vì ấm là sự sanh nảy giữa cái này và cái kia.

Ngũ ấm là chơn lý chung của võ trụ vạn vật, là sự sanh hóa, kết quả của các pháp.

Không có cái chi ngoài ấm, vì chính nó là sự sanh nảy mọi vật, cũng như có nước, có bột, rồi làm thành bánh; ấm hay là uẩn đây là bánh, mà cũng là nước và bột, hay đúng hơn hết là “Sự sanh nảy, sự thành tựu”, nghĩa là có bột có nước thì có bánh. Nước, bột, bánh, đều ở trong sự sanh nảy, sự thành tựu. Cho nên nói rằng: ngũ uẩn hay ngũ ấm, là năm pháp cái trong thế gian võ trụ và vạn vật, vì khắp trong thế gian, võ trụ và vạn vật, đâu đâu cũng ở trong cái thể rộng lớn, súc tích, chứa nhóm, gom kết, che đậy, trùm khắp tất cả rồi.

II. NHƠN DUYÊN CỦA SẮC UẨN

Sắc uẩn tức là mọi vật có hình sắc trong thế gian, như: đất, nước, lửa, gió, quả địa cầu, vạn vật chúng sanh muôn loại… Có đất, nước, lửa, gió, mới có quả địa cầu. Vậy muốn biết quả địa cầu từ đâu mà có? Đất, nước, lửa, gió từ đâu mà sanh? Ta nên xét về nhơn duyên của sắc uẩn!

Sắc uẩn từ đâu mà có?

Sắc uẩn vốn sẵn nơi không, không là sự thay đổi không thường của quả địa cầu, khi nổi khi xẹp1. Sắc uẩn không có nhơn duyên chi cả, vì nó là cái có không đầu không đuôi, tự nhiên như vậy (cũng có thể nói: quả địa cầu trước kia là nhơn, sau đến lúc tan hoại là duyên, có nhơn duyên đó mới sanh ra sắc uẩn, là quả địa cầu hiện tại). Có sắc uẩn là có quả địa cầu, đất, nước, lửa, gió, là nguồn gốc tạo sanh vạn vật (sắc uẩn).

III. SẮC UẨN ĐẾN THỌ UẨN

Đất nước vốn sẵn có mầm sống. Lâu ngày đất sanh nhựa chỉ mồ hôi, lâu biến sanh rễ cây, cỏ (và thú). Nước sanh bèo, rong, đặc lền, lâu cũng biến sanh rễ cây cỏ (và thú). Cỏ cây đã có sự biết sống khá trỗi, cái biết sống này kêu là thọ cảm (nghĩa chữ thọ cảm là lần lần tự cảm ứng hay bị cảm hóa, lãnh nạp niệm cảm của giống khác). Cây nhỏ thì thọ cảm rất yếu ớt, những cây to lớn sống nhiều năm, thọ cảm được già, như ta thấy các cây to hay có thọ thần, lắm kẻ ngỡ là ma quỷ hoặc thần thánh; chính là cái thọ cảm đã già. Do sự sống lâu ngày súc tích (thọ uẩn).

IV. THỌ UẨN ĐẾN TƯỞNG UẨN

Cây sống nhiều năm thọ cảm đã già mà tập lần tưởng tượng. Khối tưởng tượng làm cho linh hồn yếu ớt kia (thọ cảm) càng cứng vững. Linh hồn đã có nên nhập thai bằng tư tưởng rất mạnh mà tượng hình động vật[1] thành con thú. Thú có tư tưởng hay tưởng tượng và mạng kiếp kéo dài, tư tưởng ấy càng già cứng, sức khôn ngoan đựng chứa càng lúc càng nhiều. Nó đã có một linh hồn chắc thiệt. Đến đây tư tưởng đã già nhờ lâu ngày chứa nhóm (tưởng uẩn).

V. TƯỞNG UẨN ĐẾN HÀNH UẨN

Thú sống nhiều năm tư tưởng đã già, mà tập lần hành vi. Sự hành vi làm cho linh hồn khờ dại yếu ớt kia (tưởng tượng), lần lần khôn ngoan cứng vững, linh hồn đã khôn ngoan cứng vững, nên nhập thai bằng hành uẩn, tập hình người[1]. Người sống chung chạ trong thế gian, nhờ hành vi mà khéo xảo khôn ngoan, lần lần tấn hóa vượt trỗi. Tuổi sống kéo dài, hành vi nhờ kinh nghiệm càng vững chải, linh hồn càng khôn ngoan. Ấy là hành vi đã đến mức tối cao tột điểm, nhờ lâu ngày nhiều kiếp gom kết đủ đầy (hành uẩn).

VI. HÀNH UẨN ĐẾN THỨC UẨN

Người sống nhiều năm tuổi, sự hành vi đã già kinh nghiệm mà lần sanh thức trí. Khiếu thức trí, là cái biết già giặn kia, làm cho linh hồn càng tiến hóa đến bậc Siêu nhơn loại (người vượt trỗi hơn chủng loại người), cũng gọi là Trời. Từ kiếp thường nhơn đến lớp Siêu nhơn, là trải qua một quãng đường dài của thức trí, tức là cái biết phân biệt, cái biết phân biệt chẳng phải chỉ trong một kiếp một đời mà có được. Nhờ trải qua ngàn vạn ức kiếp, cái biết ấy mới càng già giặn, vững chải kết gom thành khối to cả thể như kho tàng (thức uẩn).

VII. THỨC UẨN ĐẾN GIÁC CHƠN

Trời sống rất lâu, thức trí thông minh sáng suốt, lần đến giác chơn là tỏ ngộ chỗ thoát trần; tâm chơn chẳng vọng, tánh giác không mê thường gọi là Phật.

Phật là đấng Toàn giác, Toàn chơn, Toàn thiện, Toàn mỹ, Toàn năng, Toàn trí, Toàn đức, Toàn nhân, sau khi đã làm xong phận sự giáo hóa (qua khỏi lớp Trời) đến lúc nghỉ ngơi, công viên quả mãn.

VIII. NGŨ UẨN HAY NGŨ ĐẠO

Thân hình đứa trẻ mới tượng trong thai là sắc.

Lúc sanh ra là thọ.

Đến sáu tuổi là tưởng.

Khi mười hai tuổi là hành.

Chừng ba mươi tuổi là thức.

(Bốn mươi tám tuổi là giác).

Địa ngục là tứ đại, hay thân hình trong thai, có sắc.

Ngạ quỉ là cây cỏ, hay đứa trẻ mới sanh, có thọ.

Súc sanh là con thú, hay em nhỏ sáu tuổi, có tưởng.

Nhơn là người, hay người nhỏ, có hành.

Thiên là trời, hay người lớn, có thức.

(Phật hay người già, bốn mươi tám tuổi, có giác).

a.- Địa Ngục

Cảnh của một đứa trẻ, ngồi trong bụng mẹ, bọc thai như bao vỏ của hột giống, da bụng mẹ như đất. Ở trong ấy nhờ cái ấm mà tượng hình. Lúc ban đầu mê như người ngủ, vốn chưa có cái biết, về sau bởi có sự xao động bên ngoài là pháp hành, mới sanh thức biết lần lần. Cái thức mới ấy là thọ cảm, có thọ cảm mới chun ra; cũng như kẻ ngộp nhô tìm ánh sáng, vượt bỏ chốn vô minh si mê (địa ngục).

b.- Ngạ quỉ

Đứa trẻ sanh ra chỉ biết đòi ăn, đòi bú, cũng như cỏ mọc ra, là chỉ biết sự đói khát, đòi ăn phân, uống nước, gốc tham lam (ngạ quỉ).

c.- Súc Sanh

Trẻ con sáu tuổi vọc đất chơi bùn, ưa lùm thích bụi khác nào con vật; lại thêm nghịch ngợm phá phách, hung dữ, ham gây, gốc sân giận (súc sanh).

Ba hạng này ở trong cái ác mà không tự biết, sống bằng cách hại kẻ khác, chung quanh, mà vẫn không hay. Như cây cỏ sanh ra bởi đất nước, rồi lại ăn đất nước mà sống, khác nào như đứa con sống bằng thân mẹ, ăn máu thịt mẹ? Đứa trẻ lấy máu thịt mẹ làm thân (địa ngục) sanh ra rồi lại còn bú là ăn máu thịt mẹ nữa, thêm sự thèm đòi như ma đói (ngạ quỉ).

Lớn lên sáu tuổi hết giết mẹ, lại đến tuổi đùa nghịch, phá phách, gây gổ khổ hại ông cha (súc sanh).

Ấy bởi chỉ có sắc thân như địa ngục, thọ cảm như ngạ quỉ, tư tưởng như súc sanh thôi! Nào ta có nên chấp trách kẻ chưa có cái biết đầy đủ ấy, vì theo từng lớp tiến hóa, ai ai cũng vậy. Chính ta, chúng ta mỗi người đã phải trải qua ba lớp ác ấy rồi: ta đã ở trong cảnh mê ngộp của địa ngục thai bào (sắc) mà tiến đến cõi đói khát tìm đòi của ngạ quỉ (thọ), rồi vượt lên đến lớp nghịch ngợm phá phách của súc sanh (tưởng). Nhưng lần lượt ta sẽ đến với cái thiện của lớp người (hành). Trời (thức) mà tha thứ cùng giúp đỡ cho bao kẻ khác. Người giúp ta, ta giúp lại kẻ khác, ai cũng sanh nơi cha mẹ gốc vốn, và phải nương theo chỗ sanh gốc vốn ấy một lúc đầu. Về sau ta mới biết tự lo cho ta và đền ơn cha mẹ, là ta giúp đỡ nuôi dạy lại kẻ khác.

d.- Nhơn, Người

Khi tuổi mười hai, không làm ác, tha thứ cha mẹ, không giết hại, lòng nhơn nhỏ hẹp, tự làm nuôi sống, có hành vi phụ giúp gia đình, lần lần biết thương quyến thuộc. Tập ăn chay, giảm tha mạng thú vật, bắt đầu ham sống vật chất, chú trọng cho mình nhiều, gọi là người nhỏ (nhơn).

đ.- Thiên, Trời

Chừng tuổi ba mươi, lòng nhơn to rộng, gọi là người lớn, giao du cùng xứ, sống trong xã hội, biết thương chủng tộc người. Nói việc lớn, làm việc lớn, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, đều hạp theo lẽ lớn, sự lành. Quên mình mà lo cho thiên hạ, giúp đỡ kẻ dưới mình, gần là con vợ, xa là một xứ. Thanh cao quảng đại, gác mình bực bề trên, kêu gọi là Trời. Sống với tinh thần, chồng vợ lâu ngày xem ra như bạn, giúp nương coi là bổn phận. Hiểu lẽ trắng, biết điều thiện, có thức trí, ăn chay, phóng sanh, trọng mạng sống của thú người, lòng nhơn đã rộng lớn (thiên).

e.- Phật

Trên bốn mươi tám tuổi, tuổi đã giác ngộ, trong sạch sáu căn, từ bi, trí huệ, sống nơi thanh tịnh, biết kinh nghiệm chơn lý thấy rõ vô thường, khổ não, không cái ta. Chuyên dạy lành cho trẻ nhỏ, nết hạnh trang nghiêm, giác ngộ hoàn toàn; không giống như người lớn cùng trẻ nhỏ; qua khỏi sự làm ác và làm thiện bằng vật chất; chỉ nói chút lẽ đạo, no đói không cần, có chi ăn nấy. Ngày ăn một bữa để nuôi tâm chơn như, rảnh rang không bạc tiền. Ai chôn giết chừng nào cũng được. Thương tất cả chúng sanh. Bình đẳng cỏ, thú, người, thuận theo lẽ một[1], thế gian người nuôi để xin lời vàng ngọc. Không sống cho mình, sanh, già, bịnh, chết, rõ biết, vui khổ, hết ham.

Trên sáu mươi tuổi, không còn đi đây đó, ở trụ một chỗ hưu trí, thôi dạy, nín nghỉ chơn như. Trí đầy tâm đủ, gọi Niết bàn sáng lặng. Như hột giống sen khô cứng, cất để đời đời, trường sanh bất diệt.

IX. TỪ NGŨ UẨN ĐẾN GIÁC CHƠN

Sắc là thân phàm (địa ngục).

Thọ (ngạ quỉ)

Tưởng (súc sanh)      Là tâm phàm vọng

Hành (nhơn loại)

Thức là trí phàm (thiên đường)

Chót hết là giác, giác là tánh, hay tâm chơn, của chư Phật. Trong giác có chứa sẵn rồi năm ấm. Trong mỗi một ấm đều có chứa ảnh hưởng của bốn cái kia và cái giác. Cũng như trái dừa non có vỏ (vật, thân), lớn có thịt cơm (trí) già có (mộng) hột, thì vỏ thịt cơm đều tiêu lần (tâm).

Như vậy là trong vỏ đương ngầm tựu hợp (mộng) và thịt cơm, trong thịt cơm có hột (mộng); hột (mộng) ấy sẽ nảy tượng. Trong hột (mộng) chứa thể chắt của thịt cơm, nước, vỏ, cho nên nói rằng: chúng sanh có Phật tánh, có ảnh hưởng Phật sẽ thành tựu quả Phật, và cũng có thể nói rằng: trong Phật có chúng sanh, nhưng bởi hột giống không gieo trồng thì không lên, bằng ương xuống ắt cũng mọc liền.

Phân chia ra ngũ uẩn, chỉ rõ từng giới hạn ấy để cho dễ phân biệt, cái giác có từ đâu? Giác là gì? Tại sao mà có? Có để chi? Sự thật nơi năm pháp cái này ta thấy thân sanh tâm trước, trí sanh tánh trước. Khi có tánh rồi, tánh sanh trí sau. Có tâm rồi, tâm sanh thân sau. Như vậy là từ thân đến tánh, từ địa ngục đến Niết bàn, là con đường tiến hóa, hay lớp học của chúng sanh cũnh kêu là đạo. Từ đầu vô minh đến cuối chót giác ngộ là đắc đạo. Nơi đó chỉ có cái biết. Từ không biết đến biết hoàn toàn. Từ vô động sanh ra động, và đến nghỉ ngơi, còn tồn lại hột giống, hay cái ta chắc thiệt.

X. NGŨ UẨN QUÁ THẠNH CHÚNG SANH KHỔ

Sống trong cõi đời hiện tại chung quanh ta, mọi vật dường như quyến rũ ta, sa vào vòng ham muốn mãi mãi không thôi. Kìa như dinh thự lầu đài nguy nga tráng lệ, gấm vóc tố sa đẹp tốt mịn màng, cao lương mỹ vị bỉ bàng ngon quí… tất cả ngần ấy như thúc dục, như cuốn lôi con người vào vòng bận rộn, vì thức ăn, sự mặc cùng chỗ ở, mà thiết tưởng mỗi người trong thế gian, khó bề tránh cưỡng được ba điều ấy, một khi đã có sắc thân. Huống chi với kết quả của văn minh vật chất, cơ khí đã rực rỡ kỳ công khiến cho ngày nay, khắp nơi dẫy đầy vật chất, cung phụng cho lòng khao khát, muốn ham, không hạn lượng của loài người.

Với bao vật SẮC hữu hình ấy, một khi nó đã quá thạnh hành, ta phát sanh ý muốn thích ưa, THỌ cảm vui chịu, TƯỞNG tượng tư lương, tính sao chiếm lấy cho kỳ được, sanh ra HÀNH vi, bởi nơi vọng THỨC. Thế rồi quanh quẩn bao nhiêu đó mãi, khi chưa được cũng khổ, khi đang có cũng khổ, và khi đã mất lại càng khổ.

Ngũ uẩn này là nguồn gốc phát sanh ra sự khổ, lại có hai pháp: Khách quan và chủ quan. Như đoạn trên, chỉ về ngũ uẩn làm khách quan bên ngoài, xâm nhập vào ta, mà sanh rối khổ, nhưng bên trong cũng có chủ quan tiếp nhận khách quan kia. Bởi ta có sắc thân, mới có thọ cảm, tư tưởng hành vi và thức trí (vọng) mà tiếp nhận hình sắc thể chất bên ngoài, rồi mới sanh ra thọ cảm, tư tưởng, hành vi và thức trí (vọng). Lại cũng vì vọng thức ta mới có hành vi, bởi có hành vi mới có tư tưởng, bởi có tư tưởng mới có thọ cảm, bởi có thọ cảm mới có sắc thân. Như thế là ta đã mắc vào trong guồng máy của ngũ uẩn, đang lăn xoay quay cuồng rối rít, mà chịu khổ. Muốn diệt khổ ta phải diệt ngũ uẩn, tức là không còn ngũ uẩn, ngũ uẩn đều không, không ngũ uẩn gọi là giác chơn, vì có ngũ uẩn vốn là mê vọng[1].

XI. PHÁP DIỆT NGŨ UẨN

Bởi có sắc thân, lâu ngày mới sanh thọ cảm.

Bởi có thọ cảm, lâu ngày mới sanh tư tưởng.

Bởi có tư tưởng, lâu ngày mới sanh hành vi.

Bởi có hành vi, lâu ngày mới sanh thức trí.

Bởi có thức trí, lâu ngày mới sanh giác chơn.

Hễ giác chơn thì không còn thức trí, hành vi, tư tưởng, thọ cảm, sắc thân nữa.

Không sắc thân có đâu thọ cảm.

Không thọ cảm có đâu tư tưởng.

Không tư tưởng  có đâu hành vi.

Không hành vi có đâu thức trí.

Không thức trí có đâu giác chơn!

Giác chơn tức là lý không, hay cũng nói được là: không thức trí mới gọi là giác chơn. Đến đây không còn mê lầm trong vọng cảnh nữa, thì ý chí, khổ tình, đâu có ở tại chổ nào?

Muốn giác chơn thì phải diệt trừ thức trí.

Muốn không thức trí phải bỏ hành vi.

Muốn không hành vi phải đừng tư tưởng.

Muốn không tư tưởng phải dứt thọ cảm.

Muốn không thọ cảm phải không sắc thân.

Nghĩa là hãy coi sắc thân như không có, hay là chết rồi, hết mê tríu, dứt luân hồi, không còn nhập thai trở lại. Giác chơn là trọn yên vui, không khổ não, cảnh cao viễn nhứt của chúng sanh, cũng là bậc không còn trở lại.

Ngũ uẩn cũng là nấc thang hay trình độ, lớp học tiến hóa của chúng sanh, mà trong ấy cái khổ là gió làm duyên để đưa lên. Lên đến cái tột vui là Phật, Niết-bàn, hay mục đích của chúng sanh. Thế nên khổ là tiến hóa, là bài học đưa từ vật chất lên đến tinh thần.

 

XII. NGŨ UẨN NẾU MẤT CHÚNG SANH ĐIÊN

Ngũ uẩn là duyên tiến hóa của chúng sanh, từ đất, nước, lửa, gió đến lớp cỏ cây, con thú, loài người, bậc Trời và rốt ráo là vị Phật. Cho nên nói: Ngũ uẩn ví như một thân hình: Thức là đầu, hành là tay, tưởng là ngực, thọ là bụng, sắc là chân, gồm cả năm thể thành một thân hình. Có ba thứ thân hình:

1.

Sắc ác, thọ ác, tưởng ác, hành ác, thức ác, là thân hình đen (địa ngục).

2.

Sắc thiện, thọ thiện, tưởng thiện, hành thiện, thức thiện, là thân hình trắng (thiên đường).

3.

Sắc trong sạch, thọ trong sạch, tưởng trong sạch, hành trong sạch, thức trong sạch, là thân hình trong sạch (Niết-bàn).

Trong sạch là thanh tịnh xuất gia giải thoát giác ngộ chơn như, khỏi bụi trần ô nhiễm.

Lại nữa ngũ ấm cũng ví như một cái nhà: Thức là nóc nhà, hành là bốn vách, tưởng là đồ vật, thọ là kho lẫm, sắc là nền nhà, còn giác là người chủ nhà, tự do an lạc; hay mê là kẻ tội tù, bị nhốt để chịu khổ phạt. Mê thì ở thế quanh quẩn trong cõi địa ngục, thiên đường, khổ não. Giác thì ra khỏi nhà ngũ uẩn, được an vui Niết-bàn. Niết-bàn là kẻ ra khỏi trường, sau khi thi đậu, hết học. Luân hồi là kẻ còn đang học sau, còn mệt nhọc, mới vào trường, mới lên lớp. (Ta chỉ hiểu để rõ thông đường lối vậy thôi, chớ Niết-bàn không phải nhảy một cái mà đến. Nếu ta còn ở lớp thấp, thì hiểu để cố gắng và yên lòng, lâu hay mau, mà ta quyết định, thì có ngày đến được).

Con đường chúng ta còn dài, ấm tứ đại sanh ra, nào có ai muốn bảo, nhưng khi đã có cái sống, cái biết rồi, thì vui hơn là khổ. Vui đạo lý vĩnh viễn hơn vui thiện. Vui thiện nhẹ cao hơn vui ác. Vui ác, vui vật chất là gốc khổ sầu tai họa. Vậy ta nên đạp ác là đất, đội thiện là trời mà đi trên đường chơn lý của Phật thánh, mới chắc đến Niết-bàn vĩnh viễn được.

Trái lại địa ngục vô gián là nơi tiêu diệt, là cảnh giới của kẻ quá khổ mà điên. Cái khổ sẽ diệt mất thức trí, khổ nữa diệt mất luôn thọ cảm.

Như một kẻ quá điên kia, ban đầu mất thức trí, như trẻ nhỏ chơi với trẻ nhỏ. Kế nữa mất hành vi như con thú chơi với thú, lần đến mất tư tưởng, như cây cỏ, ở nơi lùm bụi. Sau rốt thọ cảm dứt, thì còn sắc thân trơ như chết, và khi sắc thân chết là đất nước rã luôn. Đó là vì mất ngũ uẩn, mà người ta tiêu diệt. Sự tiêu diệt bởi cái khổ, khổ phát sanh tại gốc ác. Ác là trứng sâu, khổ là con sâu, ăn mòn chết cái biết, cái sống là cành cây ngũ uẩn.

Chúng ta hình như ai cũng có con vi trùng khổ, vậy phải bắt lần, sửa chữa, nuôi cây lấy giống để đời. Khổ là chết luôn, vui là sống mãi, ác là bịnh độc, thiện ấy thuốc hay.

Muốn cho sắc thân thiện, thì phải coi như là  không.

Sắc thân không, thì thọ cảm được yên vui.

Thọ cảm được yên vui, thì tư tưởng được huyền bí.

Tư tưởng được huyền bí, thì hành vi được thần thông.

Hành vi được thần thông, thì thức trí được huệ sáng.

Thức trí được huệ sáng, thì chơn như được giác ngộ.

Sắc thân ác, là bởi coi như có.

Sắc thân có, thì thọ cảm rối khổ.

Thọ cảm rối khổ, thì tư tưởng không linh nghiệm.

Tư tưởng không linh nghiệm, thì hành vi theo vật chất.

Hành vi theo vật chất, thì thức trí phải lu mờ.

Thức trí lu mờ, thì mê lầm vọng động, không còn biết đầu đuôi thiệt giả, xưa nay, trên dưới chi hết… Chỉ sống bằng cách nhắm mắt đưa chơn, đánh liều mặc cho cái ý dục lôi kéo trối kệ theo trước mặt, do đó mà nhục vinh lợi hại, khổ vui làm gió, xô đẩy ngửa nghiêng đầu óc đảo lộn. Rồi thì sống chết, đến đi, còn mất, có không, mặc sức cho vô thường hãm hại, phạt mãi một chỗ, luân hồi mãi một nơi, ấy là chưa kể sự đi lui, trăm kiếp, ngàn đời không trông gì tiến hóa!

XIII. PHÁP NUÔI NGŨ UẨN

Từ khi một quả địa cầu nổ xẹp tắt lửa, chỉ còn là một lớp dày lợn cợn. Lâu về sau chất nặng lóng xuống là đất, trên là nước , trên nữa là hơi. Đất nặng dẽ, đặc dày; lâu ngày hầm nóng phát lửa, lửa cháy thổi mạnh lên, nước đất cuốn tròn lại làm bọt, gọi quả thủy tinh. Sau có đất nổi lên, kêu là địa cầu.

Võ trụ có vô số địa cầu không thể đếm, vì cái nổi, cái tan, dồn qua tẻ lại. Võ trụ là vô minh hay cái không, không biết; là cảnh giới bao la, tối đen và im lặng. Bởi có địa cầu mới có nhựt nguyệt, bằng không thì âm thầm không không.

Đất nước lửa gió ở trong cái không, thành ra chơn lý tương đối, thế nên lẽ có, lẽ không, luận mãi không rồi, nhơn duyên sanh hóa là sau này; còn đầu tiên ta chỉ nói là tự nhiên, trong tự nhiên sẵn chứa CÁI KHÔNG, CÁI CÓ vậy thôi.

Ngũ uẩn có từ nơi quả địa cầu tứ đại, chỉ rõ trước mặt sự thật. Còn trước tứ đại, quá xa vời, dầu có nói luận, e thêm khó hiểu.

Ta chỉ biết rằng: Sự sống trong võ trụ, quả địa cầu là ngũ uẩn, thì thân ta đây, một thể sống trong võ trụ, cũng có đủ ngũ uẩn không sai. Ta có sắc thân, thọ cảm, tư tưởng, hành vi, thức trí. Vậy ta hãy xét đến điều ác, điều thiện, của ngũ uẩn:

Sắc thân ác sanh sát sanh.

Thọ cảm ác sanh trộm cắp.

Tư tưởng ác sanh tà dâm.

Hành vi ác sanh vọng ngữ.

Thức trí ác sanh uống rượu.

Đó là năm điều hại phải răn ngừa, vì ác ví như con sâu, sanh nơi cây và trở lại ăn hại chết cây. Nó sanh tại nhánh nào thì nhánh đó phải chết trước, và lần hồi sẽ chết hết cây.

Sát sanh thì sắc thân phải chết.

Trộm cắp thì thọ cảm phải chết.

Tà dâm thì tư tưởng phải chết.

Vọng ngữ thì hành vi phải chết.

Uống rượu thì thức trí phải chết.

Vậy những ai muốn nuôi cái sống, thì phải nuôi ngũ uẩn để sanh giác chơn, như trồng cây lấy trái vậy.

Sắc thân thiện sanh nhơn ái.

Thọ cảm thiện sanh nghĩa ân.

Tư tưởng thiện sanh lễ phép.

Hành vi thiện sanh tín thiệt.

Thức trí thiện sanh trí huệ.

Trí huệ mới kết quả chơn, thiện là sống, ác là chết.

Nhơn ái nuôi sắc thân.

Nghĩa ân nuôi thọ cảm.

Lễ phép nuôi tư tưởng.

Tín thiệt nuôi hành vi.

Trí huệ nuôi thức trí.

Có thức trí mới được giác chơn. Giác ngộ rồi mới biết chơn như. Muốn chơn như phải thường giác ngộ. Ấy là pháp tu vắn tắt, nếu ai hành như thế, cũng thấy rõ sự giải thoát, vì hết tham sân, si là hết khổ, không khổ tức là đạo.

XIV. NGŨ UẨN CỦA THỜI CUỘC

Cõi đời ngày nay có bởi do ngũ uẩn. Như một người kia, từ nơi xứ sở yên vui tĩnh mịch của mình, đi qua một xứ văn minh khác, thấy mọi vật máy móc tối tân tinh xảo, sáng chế lạ lùng, như nhà cất cao ngất ngưỡng chọc trời, xe không đẩy mà chạy, thuyền không chèo mà vượt biển khơi. Người có thể bay trên hư không hay lặn dưới đáy nước, bằng máy bay, tàu lặn v.v… mỗi mỗi vật SẮC, đều lạ lùng kỳ diệu, khiến người sanh THỌ cảm thích ưa. Khi về xứ hằng lo nhớ TƯỞNG tượng, mới khởi sự thi HÀNH tạo sắm. Càng kinh nghiệm, khéo léo, mở mang THỨC trí càng phân biệt. Bởi có thức trí phân biệt mới cố chấp say mê, sanh tình vọng ý chí, cho đến đỗi lãng quên đường đạo đức; lạm dụng cơ khí, để làm cho thỏa lòng tham vọng bất công, gây ra sự oán cừu sân giận, hai khối chạm nhau, chiến tranh bùng nổ, cảnh khổ diễn khắp nơi. Sau chiến tranh khổ, con người mới giác ngộ, bỏ cái trí, là chơn như không mê vọng nữa, cũng gọi là nín nghỉ hết mê lầm. Tức là chừng nào con người được học, được kinh nghiệm, mới nhận ra cái vô ích, vô lý của mình. Mới thấy điều thiện là cần, và trau dồi cái giác chơn là quí báu nhứt. Chừng đó sự tu tự nhiên đến mới hay vậy.

XV. CHƠN LÝ CỦA NGŨ UẨN

Về thuyết ngũ uẩn, rất cần cho sự hiểu biết của chúng ta, vì sau khi hiểu biết, ta mới có sự tu tập đúng theo chơn lý, lối tu rất tự nhiên, có thể cải thiện cho đời sống của chúng ta nếu chúng ta nhận ra đời sống còn có ít nhiều khuyết điểm. Ta có tìm hiểu tất sẽ thấy ngũ uẩn có nhiều pháp khác nhau, hầu như tương phản như thuyết ngũ uẩn của võ trụ vạn vật, kể từ quả địa cầu mới nổi đất, nước, cỏ, cây, thú vật sinh ra, và tiến hóa cho đến lớp người, Trời, Phật… Thuyết ngũ uẩn của một đời người, từ lúc ở trong thai bào, đến khi sanh ra, tuần tự theo lớp tuổi của sắc thân tiến hóa… Thuyết ngũ uẩn của con người, từ khởi điểm của vọng thức cho đến lúc có sắc thân, hay từ lúc có thân hình lần lần đến thức trí... Thuyết ngũ uẩn bởi vọng pháp, chấp nhận sắc, thọ, tưởng, hành, thức bằng lối mê tríu mà khổ... Thuyết ngũ uẩn chia hai pháp: Có và không, thiện và ác, giác và mê, lớn và nhỏ, thân và tâm, chủ và khách... Thuyết lý vốn không cùng, cho nên ngũ uẩn phải bị phân tách ra từng loại pháp môn, nhưng tóm lại cũng không ngoài chơn lý: “Làm cho con người mau giác ngộ”. Để khi giác ngộ rồi, con người tìm ra lẽ sống an vui, không còn khổ não với sự vọng lầm, chấp lấy cõi đời là thật, cái thân ta là thật.

Chính nghĩa hai chữ chơn lý, chơn là không vọng tự nhiên, lý là lẽ, lẽ thật tự nhiên. Chơn như tự nhiên là gốc vốn nguyên xưa. Nếu ta đang rối khổ, mà hiểu được lẽ tự nhiên chơn như, là sẽ hết khổ.

Có thiện có chánh cũng đến tự nhiên chơn như, không ác không tà cũng đến tự nhiên chơn như. Kẻ tối trong Niết bàn cũng yên vui, người sáng trong luân hồi cũng yên vui. Thế là sao cũng được, cũng xong; chỉ cần nên biết cái tự nhiên chơn như là đủ.

TÓM LẠI: Chúng sanh, sanh ra là bởi ấm, do nhơn duyên chuyền nảy, cái này cái kia sanh cái nọ. Cái có sanh cái có mà thôi, có hiệp có tan. Tứ đại càng lăn, thì vạn vật càng hóa, lâu lắm mới được thân người, khó lắm mới có thân người; ai mà sống đúng chơn lý, thì sẽ trọn vui trọn sống, đến Niết bàn một kiếp một chẳng sai ngoa.