CHƠN LÝ KHẤT SĨ - VỊ HUNG THẦN - QUYỂN 40 - TS. MINH ĐĂNG QUANG - MP3 và Ebook

  1. CHƠN LÝ KHẤT SĨ - VỊ HUNG THẦN - QUYỂN 40 - TS. MINH ĐĂNG QUANG

VỊ HUNG THẦN - QUYỂN 40

Một hôm có một vị ác thần to lớn xấu xí, hung bạo, tài hay, trí giỏi, phép lạ, mưu cao lắm, đến hỏi một vị Khất sĩ rằng:

Ông là người mê tín ngu dại, Trời Phật là gì? Ở đâu mà ông lại tu theo? tại sao ông không tranh đấu sức lực tài trí với người ta, hiện tại việc thiết thực trước mắt rõ rệt này? Tạo sao ông không giống như người ta ai nấy? Ông có thân, tại sao ông chẳng nghĩ đến thân ông, và thân ai nấy để mưu hạnh phúc cho cõi đời? Tại sao ông chẳng tự làm để ăn? Tại sao ông đi xin bằng cách đủ tay chân? Để làm nhuốc nhơ cho xã hội? Ai ai cũng khinh bỉ ố ghét ông hết, ông có biết không? Vị hung thần ấy đứng chống nạnh, bẹt hai chân, múa chỉ tay, nói một cách la lối sỉ mạ, nói một hơi dài không nghỉ thở; tỏ ra sự oán giận cực điểm, chất chứa đã từ lâu lắm vậy.

Khi ấy vị Khất sĩ rất ung dung trầm tĩnh, vui vẻ mà thốt ra lời nhỏ nhẹ êm ái, ngọt ngào, như vầy rằng Này người ôi, người có biết hiểu rõ chăng bốn pháp lý của nhân loại? Kêu là đạo lý hay nhân cách. Bốn giáo lý ấy là: ông - cha - con - cháu! Trong bốn pháp ấy, ông muốn ở vào tên gọi nào, và ông muốn cho tất cả nhân loại, ở vào những lời nói, việc làm nào?

1.- Này ông ơi, tư cách của bậc ông trên hết, là ông già; ông già: mắt chẳng phải ngó xem xa gần, lỗ tai chẳng phải nghe tiếng lớn nhỏ; mũi chẳng phải hưởi mùi thơm, thúi; lưỡi chẳng phải nếm vị ngọt, chua; thân chẳng phải còn động chạm sạch dơ; ý chẳng phải lo nhớ muốn tính. Cảnh giới của bậc ông là định, yên lặng, chơn như, tâm thật, trong sạch yên lặng, sáng suốt không không, yên nghỉ nín lặng, trang nghiêm đằm thắm, từ bi đức hạnh, hỷ xã trí huệ, hiền lành trầm tĩnh, và giác ngộ; ông ấy phải là bản dạng, dắt đường cho trẻ nhỏ đi sau, đang lạc lầm chết khổ; cùng sự chỉ bảo cho người học hỏi sưu tầm; ông ấy đã phải đến lớp tuổi, cần chỉ giác ngộ cho người, ông phải là ông thầy hướng đạo dắt nhơn loại đến chốn thảnh thơi ngơi nghỉ. Ông là ông thầy giáo đi dạy đạo khắp nơi, không nhận tiền lương bổng.

Tâm ông là phải trọn sáng trọn lành, chơn chánh ngay thật, lớn to, tròn trịa; ông chỉ phải còn tâm, có tâm không mà thôi. Người ta kêu gọi tiếng ông, là vì lớp tuổi đó, cái tâm đã hoàn toàn, cứng chắc, tốt đẹp thành tựu. Cái tâm ấy tức là chúa tể của tất cả chúng sanh, vạn vật các pháp, do chúng sanh vạn vật các pháp un đúc tạo thành, cái tâm ấy là vị quân tử, là đức tánh quý báu nhất đời. Cái tâm ấy là chủ tể sự thành công, sống đời, toàn giác, linh thiêng lắm, vì nó không còn tham sân si nhỏ hẹp vậy.

Tiếng ông ấy, tức là Phật cao trên hơn hết, giáo lý con đường ấy, tức là khác xa hẳn, hạng cha, con, cháu; cũng như lớp nhứt, chăûng giống lớp nhì ba, tư; thì lẽ tất nhiên là các hạng dưới số đông nhiều, chẳng ai biết hiểu được. Ông ấy phải khác với tất cả người ta; phải không dùng sức tài hay, trí giỏi; ông phải không cần lo nghĩ đến xác thân, ở ăn mặc bịnh cho mình nữa; cũng như cái trái đã chín khô, chỉ còn cái hột trơ trơ; vỏ thân ruột trí đã tóp teo khô xác mất hình, đâu còn phải lúc nhọc công vô ích, lo chi cho vỏ thân ruột trí ấy nữa được. Cảnh ngộ này ông không muốn có tâm hột, mà tâm hột nó vẫn sẵn có, dầu ông muốn bỏ, muốn phá nó, nó cũng vẫn tự nhiên, trơ trơ, ông muốn vọng động, cũng không còn phương chi vọng động được, ông không thế nào diệt bỏ cái tâm trơ yên lặng, như hột giống cứng đầy của ông ấy được, và hoàn cảnh đâu có cho ông như thế nữa.

Kìa một ông già đi xem hát, bị người xô té; một ông già đi kéo xe, người ta cho là không phải việc làm; một ông già cười nói giỡn la, ăn mặc như trẻ nhỏ bị người ta ố ngạo, và thân trí giỡn còn đâu, mà ông hòng đi nói làm việc ấy. Như thế là cái danh từ ông, tức như một đạo luật từ trong cho đến ngoài, cảnh ngộ thời duyên tất cả, và cái lặng trơ ấy, trói buộc siết cứng ông. Thế mới biết rằng đạo lý của bậc ông là như thế, và tự ông đến lớp bậc tuổi ấy, là ông mới tự hiểu ra. Khó mà ai dạy trước ông tin và nghe theo được.

Mà trong đời, kẻ nào đã sớm có cái tâm hột ông già ấy, là ông ấy chỉ còn có sự lặng trơ thôi, đâu còn phân biệt cái khen chê, lợi hại, khổ vui, làm nói, đến đi, có không, còn mất, chết sống! Nghĩa là đâu có cái chi xen vào đựng chứa, ở trong cái tâm ông cứng đặc ấy được, thì trách sao lời nói việc làm của ông, chẳng phải là chỉ đem lại cho cái mục đích chánh định, chơn như, trơ lặng; của người quân tử, Phật, sống trong cái thật, không không, làm giác ngộ, giải thoát những sở chấp, vượt ra ngoài cái có có. Do đó mới có tiếng ông, người ta gọi đặt ra, tên ông này, lớp này sẵn vốn có mãi nơi đời, nào ai há lấy bỏ chi được sao?

2.- Lại vầy nữa, tiếng cha nghĩa là gì? Cha là đạo lý của kẻ hy sinh, lợi tha xá kỷ, cha là tên gọi của kẻ không ta không mình, là sự san sẻ thịt máu, xương da, tô đắp cho các chúng sanh vạn vật, cha là kẻ sanh con, là người lớn, cái lớn của thanh cao quảng đại, không không, trùm chứa trọn lành, trong sạch lớp trên. Cha tức là Trời, là thức trí, trí huệ, sống cho mình bằng trí, trí là ta, thân là người; vật chất của cải cái có, cái tốt cái vui hay khéo lạ, nơi sự vật, là của người, chớ không phải ở nơi mình nữa, cái tiếng cha, đạo làm cha, giáo lý bậc cha, tư cách người cha, bổn phận cha, tên cha là phải sống cho kẻ khác, làm nói cho người, nhớ tính lo nghĩ cho người, phải không còn tư riêng nhỏ hẹp, cũng như xác thân của cha, là không còn nẩy nở tốt đẹp nữa, mà đến lúc nó phải chịu sự tóp teo rút rỉa, ốm xấu teo nhăn, mặt đất đã kêu lần không cho cố cượng; sự hiểu nhoáng đã bắt đầu ẩn khuất, con đường đi ra đã đến lúc hết trớn, sắp phải quay về, cũng như cái máy bắt đầu sét rã; người không còn trông gì tương lai của xác thân, cõi đời đối với mình nữa, chơn lý chỉ phải như vậy. Bậc cha này nào còn vui chơi cười giỡn, ngộ nghĩnh trẻ con, óng ẻo lã lơi, tranh đua vật chất nữa được sao? Với cái vỏ thân chai cứng ấy, nào còn làm được việc dịu dàng như trẻ nhỏ. Cái trí nó đâu có cho người làm việc ác, việc cháu con, vật chất. Trí là ruột cơm của trái, ruột trí ấy để nuôi hột tâm, chớ phải đâu tạo sanh vỏ thân trở ngược, và trong đời ai mà không phỉ ố kẻ làm cha mà còn sự tham dơ như con cháu, ai mà không cho rằng cái ác, cái tư kỷ của tiếng cha là quấy tội, sự chấp có, có của tên cha là sái trật. Thế thì vật chất xác thân, là không phải của người cha; người không dùng cái có nữa được, đạo lý tiếng cha là thiện lành, là thức trí, là không cái ta, của ta nữa. Trong tiếng cha có đến hai bổn phận: vừa là phải nói làm nuôi mục đích của tên ông, vừa là phải tế độ cho tiếng con lớp dưới. Nghĩa là cái thiện phải nuôi giữ đạo đức chơn như, phải đến với đạo đức chơn như, cũng như cái ruột trí phải nuôi tâm hột, người lớn phải nuôi ông già, để mình tập lần theo cái dấu chơn ông già ấy. Và còn phải thương xót lại cái  ác quấy trẻ con dại dột, mà cất nhắc chúng nó đem lên, để khi mình bước đến lên ông già, thì tiếng con kia sẽ trở thành cha, noi gương kia ủng hộ lại; như thế tức là sự kéo níu, dắt nương lẫn nhau, để đi lên tới hết. Cũng như cái trí ruột cũng phải xót thương cái vỏ thân, để cho vỏ thân tiến lần lên trí ruột, thì trí ruột mới bước tới hột tâm. Cha là lý trí, chư thiên lớp Trời trên, giáo lý sống y như vậy.

3.- Tiếng con cũng là một đạo luật, tên con là chỉ rõ danh từ của pháp nhỏ nhít cỏn con, cái thiện cái trí nhỏ hẹp, của hạng người tự độ, tự kỷ, cái thiện, cái ác, bằng nhau, cảnh giới của kẻ lo cho thân vỏ, như trái non, chưa có hột ruột tâm trí, bên trong còn trống phỗng, thiếu thốn tham lam, đói khát, cái thân là cái vỏ trước mặt bên ngoài, chẳng phải như tâm trí cha ông, ẩn kín bên trong, thế nên tâm của con là dục vọng, trí của con là trống lưng thiếu thốn, vỏ thân của con phải là bóng láng đẹp xinh. Con là phải lo cho thân, phải biết những cái thấy có bên ngoài trước mặt, các việc của con phải là việc lo vật chất cho thân, đi theo đường lối ích lợi cho thân, bên ngoài cái vỏ, để cho cái vỏ dầy, cái thân to lớn đúng sức, mới tượng thành cái trí ruột đặng. Sự học hành của con, việc làm lời nói ý muốn của con, phải theo duy vật, phải ác, phải tư kỷ, lo cho xác thân, thân sống là quan trọng, món ăn mặc ở bịnh là cần yếu, sắp đặt cho thân, giữ gìn thân là hơn, phải tranh đấu, phải ác, phải được cho thân mình, từ gia đình đến xã hội, phải chia rẽ; từ loại thú cỏ cây phải phân biệt; phải chen lấn đàn áp vật lộn, phải xấu xa dơ dáy thúi hôi, để đặng tô đắp cho thân. Ngoài thân vỏ ra, là chưa có ruột tâm, ngoài ác ra, là chưa có thiện chơn, chưa đến được. Giáo lý của con cũng là cái tâm hột mới tượng, còn nhỏ non, trí ruột còn mỏng yếu, hột tâm cỏn con ấy, gọi là tiểu nhơn, hột giống nhỏ non vậy.

Đạo lý của con là ác, hạnh phúc của cải của con, phải là món ăn, sự mặc, chỗ ở, vật chất đua tranh, mạnh được yếu thua, chết rồi là hết, vỏ trái thúi rồi là tiêu, thân mất đi không còn tâm trí, không có cái chi về sau cả thảy vậy. Đời của con phải là vô ích, liều mạng, nhắm mắt bước càn, tới đâu hay đó, chỉ cần biết vui sướng toại hưởng bây giờ. Thân vỏ của con, là không bao giờ ngờ tưởng, là mình sẽ tượng sanh trí tâm, ruột hột về sau. Con thì chưa bao giờ rảnh rang, dòm ngó, kinh nghiệm, thấy xa, sự bền dài tuổi ấy ai cũng háo thắng thèm thuồng, khoe hay, thích khen, bên ngoài trước mặt tìm kiếm những cái lạ, mới, cái tham nhiều. Con đường của con là không mục đích, cái sanh của con phải là một sự vô lý. Con thì chẳng bao giờ chịu hiểu bổn phận phải bước lên cha, tập lần cái cha, và dắt dìu cái cháu. Cũng như em bé mới đi học, nó chẳng hề biết, nó sẽ lên lớp nào, và nó có ích lợi cho ai đàng sau, nhưng dầu nó thiếu trí đến đâu, chớ con đường của nó, cũng ích lợi cho kẻ sau, và nó sẽ tiến lên bước trước. Cũng như cái trái non, nó không bao giờ cố cượng sức lớn già của nó được, nếu nó không phải thúi rụng. Đạo lý của con rất phải cho nó, kìa một em bé kia mà ít ăn như một ông già, thì tại sao chúng ta cho là bịnh, nó ít ngủ là người ta khuyên dỗ, tại sao nó chẳng giống ông già, người lớn, và tại sao nó không làm việc nặng nề sức lực được? Thế mới biết: tên con là hột giống yếu nhỏ còn non, tiểu nhơn chẳng sánh được đại nhân quân tử. Đúng như thế, con nhỏ, ai chẳng lo ăn là cần, và nào ai nhận được rằng có sống mới có ăn, có thiện có chơn, có sống có vui thì ăn mới được. Và ở trong đời, ta nhịn đói một buổi không sao, chớ tham ác, thì trong một giờ, phải chết khổ sớm vậy.

4.- Còn như kìa là một đứa cháu, tiếng cháu là sự nhỏ nhít lệu ệu, để chỉ những đứa bé mới sanh, chỉ biết uống ăn cười khóc co ngoe ỏng ẻo. Tên cháu là chỉ rõ sự nhu nhuyễn lỏng bỏng như một cái nụ trái, mới mọc vượt giữa bông hoa, nó chưa có thành nên hình tượng cái chi rõ rệt. Cháu chắt chít, là sự thun co, ngo ngoe, nó cũng chưa biết thân của nó là ra sao nữa; nó chỉ biết ăn chơi ngủ thức bấy nhiêu thôi, cháu chắt chít là sự vô dụng, vì tất cả đều lo cho nó, bố thí cho nó, mà nó chẳng biết chi cả, chết sống tự nơi người khác do nhơn duyên cảnh ngộ, chớ nó không có chủ tể chi hết. Đời của nó chỉ như cây non cỏ nhỏ, không còn ai biết nó ra gì, ai cũng lo cho nó, nó báo hại người ta, lại còn thêm sự nhõng nhẽo làm nư hờn giận, điệu bộ ẻo lã, khó cho người ta dỗ ngọt.

Giáo lý của nó là con sâu con của trong nhơn loại; đạo lý của nó là ác quấy, giận hờn, ganh ghét, ố kỵ. Nó mê hoặc cả người ta, mà không tự hiểu biết ra chi cả, nó là một con vật rất nhỏ nhít được người ta tha thứ, mà nuôi sống mỗi ngày. Nó làm cho người ta vì xót thương cái khờ dại, mà tưng tiu săn sóc. Bổn phận của cháu phải là nhỏ nhít hơn hết. Và như thế là cẩu thả hơn hết, tệ mạt hơn hết, ở trong đời người ta gọi tiếng cháu là một con vật, chớ chưa phải người, vì chưa phải là có được hột giống nhơn người chi nữa.

Vậy thì loài người có bốn bậc, bốn giáo lý, bốn đạo, bốn tên gọi: Từ ông, đến cha, đến con, đến cháu! cũng là một con đường có bốn chặng, từ thấp tiến lên cao, từ thú, đến người, đến trời, đến Phật! Hay cũng là từ ác đến thiện, đến huệ, đến chơn, Phật thì chơn như và trí huệ. Trời thì trí huệ, và thiện lành; người là thiện lành và ác quấy, thú là ác quấy và khờ dại. Phật, trời, người, thú, là ông, cha, con, cháu, và món ăn là “chơn như trí huệ, thiện lành ác dữ, trong bốn lớp ấy chia ra làm hai hạng là quân tử và tiểu nhơn.

Vậy thì chẳng hay, ông muốn đứng vào phương diện tiểu nhơn hay quân tử, và ông muốn để bàn luận với tôi, về pháp quân tử hay tiểu nhơn? Ông muốn nghe pháp nào, tôi xin hết lòng hoan hỷ giải tỏ vậy! Sau khi nghe xong mấy lời của vị Khất sĩ nói, vị hung thần lặng thinh quày quả bỏ đi một nước, lại lộ vẻ sắc mặt buồn rầu. Cách một ngày sau, ông ấy lại đến xin nghe vị sư dạy đạo cho tu, mà không dám nhắc đi nhắc lại câu hỏi ấy nữa. Sau sự giác ngộ đó, vị hung thần lần lần được nghe thêm đạo lý, giác ngộ giải thoát lớp hung thần, được trở nên một vị trời, tươi tốt đẹp đẽ, đắc được nhiều phép thần thông, và quyến thuộc chư thiên rất đông toàn thảy hưởng sự yên vui không còn khổ nạn, vị ấy sau này hằng nhớ ơn đạo đức mãi, nên hết lòng thành kính lễ Phật, nghe Pháp cúng dường Tăng, nhờ vậy mà đạo quả càng cao, và về sau, được tu hạnh giải thoát, đắc quả A La Hán, không còn sanh tử luân hồi trọn vẹn.

Vị hung thần ấy tức là tiền thân Phật Thích Ca, còn vị Khất sĩ kia là đức Phật Ca-diếp.

Thế là đức Phật khi xưa, cũng tội lỗi mê muội như chúng ta, nhưng nhờ Ngài sớm nghe qua tỉnh ngộ, không vì nghe lời thẳng mà giận, biết nín lặng mà nghe, biết dằn lòng mà sửa, do đó mà được chỗ hơn người.

Chúng ta đáng nên kính phục lắm.

Thật vậy, ở đời ai mà chẳng quý trọng mình, chấp cho mình là phải, và cố sức bào chữa mãi. Nào ta có tha thứ cho ai, nếu họ nói đến sự thiếu kém của ta đâu! Nào ta vỗ ngực xưng ta là ác là tà, mà nào ta có chịu nhận xét lại lời nói, việc làm, của ta ra sao? Ta càng làm càng say, càng nói càng mê, chúng ta mãi quen theo sự thái quá bất cập, mà ít hay giữ thái độ ôn hòa nhã nhặn, ta luôn luôn hay quên rằng nói là thiệt, làm thinh được lời, làm là thất công, ngồi không là đắc lợi; lo tính là thất bại, yên nghỉ tất thành công, ta ít thấy ra điều ấy, do đó mà chúng ta khổ và chết mãi, không bì như Phật đặng.

Theo đây, ta thấy vị hung thần, sau khi nghe nói xong, lại lặng thinh bỏ ra đi, nghĩa là: vị hung thần dầu hung dữ đến dâu, cũng không có đủ can đảm mà thốt ra rằng tôi là tiểu nhơn, tôi là ác, là trẻ nhỏ, là con, là con vật, tôi muốn nghe, muốn nói như vậy! Thế mới biết rằng thiện ác là cần hơn sanh tử, trong đời ta không ăn mười bữa chưa chết, chớ ai nói rằng ta ác, ta là con trẻ, chắc ta phải chết ngay.

Lẽ ra vị hung thần phải tức giận vị sư lắm, nhưng không! Đàng này vị hung thần lại chỉ hỗ thẹn chút ít thôi: Vì người cũng có lương trí, nhận chịu, biết nghe lẽ phải, biết tự nhận chỗ mình lầm. Người khá hơn chúng ta ở chỗ, là không sừng sộ nói trả lại, mà là chỉ nhột nhạt đi êm; và bởi người cũng có đạo căn, nên ngày sau trở lại, cầu xin nghe pháp. Vị hung thần ấy, không phải là thiếu học thiếu trí, về các phương diện khác, nhưng sau khi nghe qua vài lời nói đầu của vị sư, tuy chưa trả lời mà đã quy phục, là bởi như đá nọ thử vàng, cọ sơ qua cũng đủ biết là bảo vật. Lời vị sư nói rất tầm thường, nhưng rất đúng vào chỗ hiểm huyệt, mà vị hung thần để lòi ra hở sót, lại không hay, vâïy nên chỉ một ngón tay cù lét, rờ chạm, là vị hung thần phải té ngã, chết trân như cứng miệng. Vì trong đời ai mà không muốn mình cao, mà cái quý cao, là đạo đức, tiếng ông mới là cao thật. Vị hung thần không thể mở miệng thốt ra rằng tôi muốn nghe đạo đức, tôi muốn nói chuyện với tánh cách của bậc ông, là do bởi lời nói hỏi, với cử chỉ quá miệt thị sỗ sàng của mình; nếu trả lời như vậy, thì vị sư giảng thêm về đạo lý, trái ngược với hành vi lời lẽ của mình thì chắc là nghe mỗi lời nói ấy, như mỗi mũi tên đâm, chịu đớn đau sao cho thấu nổi; bởi đã biết tự nhận ra sự sỗ sàng, càn, lếu của mình rồi. Còn như nếu nói: tôi muốn bàn luận việc tiểu nhơn, thì lòng tự ái, đâu có cho nói như vậy được. Vị hung thần ấy, ngày sau mà đến lại qui y, là đã sau một đêm suy nghĩ, thấy rõ cái thiện lành đạo đức, là bao trùm tất cả, không ai trốn chạy được, chỉ tại người mê cùng kẻ ngộ, nơi hành vi cố chấp, chớ không ai dám tự nói ra: tôi là ác, là con vật, là quỷ ma, yêu tinh đâu. Thế là vị hung thần ấy bắn vị sư, mà mình bị tổn thương, thất bại, và lại biết hối quá, sợ sệt, biết được cái thiện, đạo đức, là mạnh hơn hết, thắng hơn hết. Và vị ấy được biết thêm rằng: Vị sư kia bằng thốt ra được lời như thế, thì tâm trí của ông ấy, dễ bậc người trời có được đâu. Bởi càng nghĩ vậy, nên vị hung thần càng thấy mình lầm, càng sợ tới mãi, mà không có chỗ chi oán giận, ố ghét vị sư đặng; bởi vị sư chẳng có tự kiêu, hay sẳn lòng ố chọi chi cả. Lời lẽ của vị sư rất cứng thẳng, mà lại hiền lành, từ bi, chơn thật, như có một sức mạnh, của tấm lòng xót thương cho người mê muội, như mở rộng cửa giải thoát rước độ người, chớ không giống như lời đối chọi; chính đức tánh ấy, mới phải là bậc siêu nhân quân tử, đúng đắn lắm mới được như thế! Kẻ mà biết thành thật thứ tha, thương xót lỗi lầm cho kẻ trước mặt, phải là bậc ít có lắm vậy, dễ gì mà kiếm gặp được kẻ thật trau tâm. Vị hung thần ấy đã tự nhận ra rằng tài trí thì dễ tìm, nhưng đức hạnh thì khó kiếm. Đức thắng tài vi quân tử, tài thắng đức vi tiểu nhơn, là nhờ vậy. Đối chọi với đức, thì tài trí của vị hung thần trở nên vô dụng, thế mới biết rằng đạo đức là cần yếu hơn hết, có đạo đức sẽ thành công, đạo đức mới bền dài yên vui vĩnh viễn. Trong đời chỉ có đạo đức là quý báu hơn hết, đạo đức phải là con đường cái to lớn chứa gồm tất cả, quan trọng hơn hết, con đường nào ngánh nào, cũng do đạo đức vĩ đại mà ra, và khi nếu ai lạc lìa đạo đức, là phải bị bơ vơ tai hại.

Vậy đối với tất cả, chúng ta nên phải lấy đạo đức làm gốc, giữ đạo đức làm đường, bằng chưa được như thế chúng ta đang ở nơi ngành ngọn nào, môn nghệ lề lối nào, xa gần chi, cũng cần nên phải nhớ giữ gốc chân đạo đức, tập lần bước tới, chớ khá nên tự phụ, chớ mê sa đắm đuối thì nạn khổ chết mới mong đặng dứt tuyệt trừ tiêu.

Và nên nhớ ra rằng tất cả chúng sanh, ai ai cũng đang ở trong sức mạnh của danh từ đạo lý cả. Cũng như tiếng ông cha con cháu là đang ở nơi tất cả mỗi hạng người, tùy theo ý chí, hành vi, lời  lẽ của ai, có tên nào; là tất cả sẽ kêu gọi, và thấy ngay rõ rệt! vậy thì chúng ta, nên phải cả thảy, tập làm ông, vì trước sau, rồi đây ai ai cũng đến với tên ông hết.