CHƠN LÝ KHẤT SĨ- ĐẠO PHẬT - QUYỂN 43 - TS. MINH ĐĂNG QUANG - MP3 và Ebook

  1. CHƠN LÝ KHẤT SĨ- ĐẠO PHẬT - QUYỂN 43 - TS. MINH ĐĂNG QUANG

ĐẠO PHẬT - QUYỂN 43

Thuở xưa, bên xứ Tàu, đời vua Thái Tôn nhà Đường, sau Phật Thích-Ca 1.180 năm, bấy giờ có ngài Trần Huyền Trang, sang học đạo bên Ấn độ, Ngài thọ giáo với Đại Đức Giới Hiền Luận sư, tại xứ Nalanda năm 637 Dương Lịch.

Thế mà có kẻ lại hiểu lầm, là Trần Huyền Trang qua Tây Phương Ấn Độ thỉnh kinh, gặp Phật Thích-Ca và A Nan, theo như trong tiểu thuyết bịa đặt, bộ Tây du, của Ngô Thừa Ân, tác phẩm ví dụ. Trong ấy nói rằng: Trần Huyền Trang vì không có lễ (Lễ vật) nên A Nan phát cho kinh bạch tự, giấy trắng không có chữ; sau đó, Trần Huyền Trang dâng cái bát vàng của mình lo lót cho A Nan, nên ông A Nan mới đổi kinh có chữ lại cho.

Thế nên đời nay, mỗi mỗi sự cầu pháp, xin kinh, cúng lễ, thảy đều phải có lễ vật, và kêu gào lễ vật đem đến cúng kêu rủ khuyến mời, bày đủ các thứ lễ cúng để thâu nạp, mà gọi rằng: không có vật là chẳng có linh. Nhưng nào ai biết đâu rằng: Ông Trần Huyền Trang đi qua xứ Ấn Độ, học đạo vào tâm, tức là thỉnh kinh; gặp Giáo lý Phật Thích-Ca, tức là gặp Phật; nhờ kinh sách của ông Anan thuật lại tức là Anan phát kinh. Chớ không có Phật và Anan nào sau 1.180 năm đó cả.

Sở dĩ ông Ngô Thừa Ân nói về đoạn này, là có lẽ ý ông muốn nói: Ông Trần Huyền Trang ỷ mình Nho học xứ Tàu, nên đối với kinh sách của ông A Nan nói ra thay Phật, ông vô lễ bất kỉnh, xem thường, nên tuy xem học, mà không nhận thấy ra được nghĩa lý sâu xa, có khác nào mắt mù, hay là giấy trắng. Ông không hiểu biết cái có, có ích quý chi hết vậy. Bấy giờ ông mới đem tấm lòng cầu đạo, từ phương xa đến, ông thành kính kỉnh trọng ông A Nan, dẹp lòng ngã ái, bấy giờ ông mới được hiểu nhận ra pháp Phật diệu mầu, do nơi kinh sách của ông A Nan truyền lại. Chính ông dâng tấm lòng cầu đạo kỉnh đức A Nan, tức như dâng cái bát vàng (bát chánh đạo quý như vàng) đến đức A Nan, để tỏ lòng cung kỉnh lễ phép, thì mới học hiểu được đạo.

Đó là bày lời ví dụ, thế mà đời sau có kẻ hiểu lầm, bày ra lắm sự tham lam vụ lợi, bán Phật, bán Pháp, bán Tăng, để đặng lót lo cho thân mạng. Ấy cũng bởi chưa thông rành giới luật. Trong giới luật, Phật cấm không cho Tăng sư vị tình thuyết pháp cho kẻ vô lễ, không cung kỉnh, mà lật áo, quấn áo lên cổ, che đầu khỏa đầu, đi guốc, đi dép, mũ, dù, khăn, gậy, cầm gươm đao v.v… Đối với những kẻ vô lễ phép, ngang ác, chớ không phải thiếu lễ vật xôi chè. Sở dĩ Phật cấm sự nói pháp cho kẻ vô lễ phép như thế là vì đạo Phật là Khất sĩ, Tăng chúng xin ăn y theo chơn lý trong sạch, nên đối với kẻ ác tham, thì không bao giờ thấu hiểu, họ đã quen nhận sự quấy làm phải, lấy ác làm thiện, nên họ có biết đạo đức gì đâu? Họ mà không kỉnh trọng, tức đã là trọng tội khinh khi Tam Bảo rồi, nếu ta lại đem pháp bán rẻ nài họ, họ ắt cũng chẳng thèm nghe, mà lại sanh lòng ố chọi, để bảo vệ cái ác, giữ chắc cái cao, thêm nghiệp hại cho họ nữa, chi bằng đối với kẻ ấy, thà ta đừng nói chi hết, họ khỏi phải chống cự, lỡ lời với ta, thì về sau khi khổ nạn, họ còn đường bước tới đạo đức theo ta được.

Vả lại người có lễ phép biết đạo, thì ta nói một, họ hiểu biết đến năm ba; còn kẻ vô lễ ngạo mạn, thì dầu ta có nài nỉ họ mãi đi nữa, ta nói mười, họ cũng chưa nghe được một. Điều ấy khác nào người biết quý trọng chữ, thì dốt cũng trở nên hay. Còn kẻ hay mà khinh chê chữ, ắt có ngày dốt học. Cũng vì thế, mà Đức Phật cho ra điều giới luật ấy: là để tránh phiền não cho Tăng sư, và khỏi gây nghiệp tội cho kẻ ác; chớ không phải Phật Tăng vọng tham ích kỷ, gọi đòi lễ vật bạc tiền mới dạy đạo.

Ấy cũng bởi đạo Phật quý trọng sự thật hành, chỉ có kẻ đủ trí thức thiện căn phước đức nhân duyên, mới là sẽ biết quý trọng đạo bảo, họ mới là kẻ biết lễ phép, quên mình tự cao, để trau giồi đức hạnh tốt đẹp về sau. Nhờ biết lễ bái cầu đạo, nên đạo mới sẽ đến cho họ, bằng sự cố gắng thật hành được. Bởi thế ấy, mà trong nhà Phật, đối với kẻ mới bước vào, phải là cửa lễ, nhà hạnh, người trí thức; nghĩa là phải khom lưng cúi đầu khiêm nhượng, giữ hạnh, và có sẵn thức trí thiện căn mới được. Đời cũng vậy, mà đạo cũng vậy, cái chi ta quý thích, ta mới cố gắng thật hành; cái nào ta không ưa, thì ta có hạp chịu cho ai nài rẻ, mà ta dùng đâu; và ai mà không phản đối, gây tội, đối với việc mà mình chưa am hiểu.

Cũng vì lắm kẻ chưa hiểu biết đến lễ phép của sự cầu đạo, trong giới luật, mà ngỡ tưởng rằng: ai học đạo, thì phải có lễ vật bạc tiền mua bán. Và có người lại so sánh với nhà nho, dạy học trò, học trò phải nuôi thầy, phải đồ vật đem tới nuôi thầy; tiền bạc, gạo nếp, bánh trái chè xôi, đem đến lễ thầy và dâng nạp. Vì không lẽ bỏ ông thầy nhịn đói, mà chỉ lạy suông đền ơn; thế nên khi xưa trò nho đối với thầy, thì lễ và vật phải đi đôi, mới trọn đạo con trò. Mảng tưởng tượng thế, mà người ta quên rằng: đạo Phật là Khất sĩ, Tăng sư đều biết đi xin, khỏi phải nhờ ai hối lót cả. Và cũng khỏi phải bắt học trò nuôi.

Thế nhưng trong đời có kẻ lại còn gọi rằng: vô tửu bất thành lễ, mà người ta quên rằng: là con rể nịnh hót, phục rượu cho ông già say, để đặng được việc nên cho nó, còn ông già thì tửu nhập tâm, thì ... thì cha cũng như chàng rể.

Người trong đạo Phật ít ai nhận hiểu rằng: Tăng sư là người không còn có ham mộ nghi lễ cúng kiến nữa. Chính Phật Tăng xưa kia, không có thờ cúng lễ bái thần quyền, tham vọng. Mà đúng chơn lý, thì tất cả chúng sanh hay Phật, là bình đẳng như nhau, há có ai lại đi bắt buộc thờ cúng lễ bái ai sao? Hoặc may ra, những kẻ sanh sau tội lỗi, nên tự họ lễ bái kính trọng bậc Phật Thánh, là để noi gương, cùng tự họ cung dưỡng ông thầy, là để giữ cất sự học dạy, tự ý nơi kẻ đi sau, chớ nào phải ai ép buộc. Từ xưa kia Phật Tăng nào có bày ra sự cúng kiến tế lễ, mời thỉnh rủ ren, để cho người ta dâng cúng cho mình đâu. Các Ngài nào có buộc bắt ai phải lạy bái. Các Ngài nào có bảo ép, phải có dâng lễ vật mới là dạy đạo. Các Ngài đâu có đi bày sự cúng kiến để đi mời thỉnh đặng tính lỗ lời… Các Ngài nào có đọc kinh, thuyết pháp ăn tiền, cùng làm đám vái nguyện ra giá cả. Nào ai biết đâu rằng: Phật Tăng không có đến hai cái bụng, nên chi miễn là mỗi ngày có ai cung dưỡng cho một ngọ cơm, là các Ngài có hơi sức, thì sẽ nói pháp cho được vậy. Đời nay người ta quên rằng: bậc A-la-hán có là do mười pháp:

1.

Không mê lầm bổn ngã.

2.

Không nghi não.

3.

Không ham mộ nghi lễ cúng kiến.

4.

Không tham dục

5.

Không tham sắc

6.

Không tham vô sắc

7.

Không sân giận

8.

Không tự cao

9.

Không xao động

10.

Không vô minh si mê.

Thật vậy Phật Tăng khi xưa, không thế chịu được sự xao động ồn ào. Các Ngài không bao giờ sợ ai hơn là sợ tội lỗi của mình; các Ngài không còn vái nguyện ai hết, các Ngài không tham phước hữu lậu, cũng không tham sống sợ chết, các Ngài không còn mong cầu, thì đâu còn cúng kiến lễ bái, và các Ngài thường tu thiền định, đâu có thích hạp sự ồn ào. Các Ngài đối với nhà thế, không thể bước chân đến ở quá hai giờ đồng hồ, huống chi là bày ra đám hội. Thử ngay như chúng ta, có ai hai ba ngày ở quen chỗ vắng lặng, sau đó đi ra chợ giây lát, chịu còn không thế nổi; huống chi các bậc nhập định, là đã khắc kỵ với cõi đời, thì có đâu đi bày xúi sự đông đảo. Chư A-la-hán xưa, khi đi khất thực quá lâu trong xóm, các Ngài còn phải bay về, xa tránh cho mau thay. Đối với các Ngài, nhờ cảnh tịnh mà tập tâm tịnh, và khi tâm đã tịnh rồi, thì tâm mới tạo cảnh, nghĩa là tâm người đã tịnh, khi đến xóm động, thì dạy khuyên họ sửa chữa lo tu, đổi động làm tịnh, chớ nào phải nói khoác rằng: uống rượu mà không say, gần sắc mà không đắm, gần tiền mà không tham, ở chỗ động mà tâm được tịnh; cũng như kẻ mắc giữa vòng vây, không mau chạy thoát, ở đó giỏi lắm là lo đỡ gạt tên đạn, cho khỏi bị thương chết là may, chớ nói khoe mình ngủ nghỉ ngồi yên là vô lý.

Khi xưa Phật Tăng gìn giữ chơn tâm ở nơi vườn rừng cảnh tịnh, tâm chơn chủ, chẳng vọng động làm khách căn, chẳng chuyền níu theo bụi trần xao xuyến, thế mới gọi là tu. Đối với các Ngài, trần là để nuôi căn, căn là để nuôi chơn, cũng như vỏ trái nuôi thịt cơm ruột, thịt cơm ruột nuôi hột giống tâm chơn, thế mà còn khó đắc đạo quả thay, huống sao đời nay, người tu lại bày đủ âm nhạc, trống, kèn, chuông, mõ, đẩu, sanh, mão áo, vớ giày, dù mũ, lọng khăn, quần áo, bỏ chơn tìm vọng, lấy chủ làm khách, vui say nơi bụi đất vô thường, lại bày thêm lắm sự ngâm nga hát bộ, tiệc đám, bỏ đói chơn tâm, không cho ăn bằng chơn như nhập định, thì làm sao nuôi nó sống dài lớn đặng.

Đạo Phật Thích-Ca khi xưa phải nào như thế. Kìa một vị A-la-hán, nhờ nhập định mà chứng đắc lục thông, lục căn thanh tịnh mới thành A-la-hán. Thế nên vị ấy, đi ngang cửa nhà, hoặc gặp bà con, thì không còn nhận biết tư riêng; tâm các Ngài đã bình đẳng trong sạch không không. Như thế, mới gọi là A-la-hán; và nếu đắc thần thông mà còn có một niệm biết rằng: này gia đình, này xã hội, này màu da, này bà con quyến thuộc, thì tức là không còn nhập định trở lại nữa đặng, phép thần thông sẽ bị tan mất, vì lục căn xao động. Thà là chẳng theo đạo Phật Thích-Ca. Chúng ta có thể là theo ông Phật tiên thánh thần nào cũng được, chớ nếu gọi mình là đệ tử Phật Thích-Ca, tu chưa đắc quả, mà lại còn tìm thêm vọng động, ngoại đạo, xa lánh đạo pháp của Phật Thích-Ca hay sao? Sự nhập định rèn tập rất khó khăn lâu nhọc, vô ý một chút làm hư hoại hết, huống chi là mảng mãi chạy nhảy bên ngoài.

Đã vậy nào thôi, có lắm nơi lại bày ra hội kỳ truyền giới, nào đạo Phật khi xưa chư Tăng thọ giới có lượt kỳ, và phải cầu mời thỉnh cư gia cúng kiến chứng dự, thì chư sư thọ giới mới được? Hoặc mỗi khi Tăng chúng có điều chi nhóm họp, thì cũng phải cho hay bảo rủ cư sĩ tới nơi dâng nạp của cải, cùng là bày ra đủ các thứ lễ cuộc liền liền, ép buộc cư gia, đặng đưa bạc tiền lễ vật; thêm sự tấn chức lên quyền, giai cấp, cấp bằng chức phận, bà con, chú bác, cha con, nam nữ như nhau, chung lộn theo thế tục, bắt người nuôi lo ủng hộ, ấy bởi sợ cực nhọc xin ăn xấu hỗ. Cũng vì trốn tránh sự xin ăn, mà phải bày ra lắm chuyện cúng kiến, mê hoặc kẻ tối tăm, phạm giới giữ chấp bạc tiền tham lợi, để phải vì thân tội lỗi, mà phiền não vọng ma, suốt đời không còn đường giải thoát.

Nào ai đã biết đâu rằng: Tăng già là Khất sĩ, bởi Khất sĩ, mới gọi Tăng già. Xứ Ấn độ xưa gọi Khất sĩ là Tăng già, còn người tu đời nay ngồi một chỗ, bắt người đem dâng hộ, sang trọng như thế, chẳng biết, đối với xưa kia tiếng Ấn Độ kêu gọi là chi chi đó. Đời nay ít ai hiểu được ba lẽ xin này:

1.

Xin bằng giành giựt lấy ngang của họ (như trộm cắp).

2.

Xin bắt buộc người đem đến tại chỗ cho mình.

3.

Tự mình đi xin, đến nhà người, tự người vui lòng cho.

Chính cách xin thứ ba đây, mới được tinh tấn trong sạch, gọi là Tăng già Khất sĩ, của đạo Phật Thích-Ca, thế mà đời nay lắm người chưa phải Khất sĩ, lại dám xưng gọi mình là Thích Tử, chẳng biết sợ tội và chưa rõ hay những lời bày chỉ sự quấy của mình.

Sự thật vậy, nào ai đã chắc mình là hoàn toàn đúng giới luật? Vì hễ đúng giới luật, thì tất nhiên đắc quả, vậy ai là người đã đắc quả? Và tự chắc mình không còn khuyết điểm? Dám đứng ra cho người chỉ nạn? Đời nay ai là người đã dám tự xưng mình là Tăng già, là Thích Tử, trong lúc vắng chủ nhà lâu xa, đuôi tôm ló mọc đuôi gà.

Đời nay người ta rất thái quá! Khi xưa đức Phật nào có bày ra lễ, hội, như xã hội quan vua; nào Ngài có ngồi trên chiếc ngai vàng cao, để người ta xưng tôn Ngài là giáo chủ, của một nhóm khối riêng đâu? Xưa Phật có đâu nương dựa thế quyền danh lợi, để cho người nuôi dưỡng. Phật Tăng xưa nào có cộng sự chung với cư gia kẻ thế. Phật Tăng xưa há có tôn vương bằng mão cao, áo rộng, giày trơn. Nào Phật Tăng khi xưa lại ở một chỗ, trong lâu đài tường ngói; giữa trong thành thị, mà gọi là tu giới định huệ ở nơi chùa cao cột lớn thâu tiền? Phật khi xưa nói pháp bình đẳng, nơi gốc cây lều lá, nào phải bắt buộc xây cất nhà to đền lớn, để dạy đạo riêng cho bậc vương tôn mới được? Đặng bày sự tốn hao, khổ nàn thiên hạ?

Hồi nghĩ nhớ lại ngày xưa, Phật dạy chơn lý, triết lý, Pháp bảo cho Tăng chúng Khất sĩ lo tu, mà nào có cho sự bày ra văn tự, và chữ tiếng nước ngoài, ở trong Giáo hội, để phải xao lãng tâm chơn vô ích, cùng là bùa chú pháp ấn, bói khoa, chữa bịnh, thờ phượng v.v… như người cư sĩ.

Ngày xưa Tăng sư chơn chánh chẳng đốt đèn, thắp hương, chưng hoa như thế, huống hồ có đâu lại mang đi giày guốc sang trọng, Phật xưa đâu có guốc giày?

Khi xưa Phật Tăng tu là để cầu đạo quả, ngày nay chúng ta tu há cũng chẳng phải để cầu đạo quả cho ta, mà lại riêng cầu thế lực hay sao? Thật vậy, đời nay ít ai thấy mình là tập tu, và đang tập tu tới mãi, để cho tinh tấn mà không tranh cạnh. Và ít ai nhận thấy mình còn chỗ kém khuyết mãi, để được sửa chữa từ lần! Đời nay lắm kẻ xuất gia, mà cứ mãi gọi là quyền, quyền mãi theo đời ác tội; cái tệ kém của cõi đời, cứ sao là để vậy, như đống rác kia, thì phải chịu cho nó là rác mãi vậy thôi; chớ không ai chịu vui lòng quét hốt cho sạch. Cũng như Phật Thích-Ca xưa kia, phục thâu ngoại đạo, cải sửa xã hội gia đình, có đốn, có tiệm, có quyền, chớ không phải tự cao ém lỗi, mà gọi là quyền mãi, để cho u tệ thêm, bởi lẽ sợ mất nồi cơm, vì mình đi xin không được. Thế mới biết rằng: chỉ vì có một sự đi xin không được, mà người tu gây sanh ra đủ các nghiệp tội, lại càng bào chữa mà gây thêm mãi những việc không hay phiền não, thì còn đâu chánh pháp của Phật Thích-Ca sống đời được nữa, cho mỗi người tôn gọi.

Ấy vậy sự chỉnh đốn đạo Phật, là phải chỉnh đốn hoàn toàn, trong sạch, để tránh những sự mang tiếng chỉnh đốn, mà thật ra là không có chấn chỉnh, đốn dẹp chi hết, chỉ có cái danh từ chỉnh đốn suông thôi, mà trong ấy lại là danh quyền thế lực, chứa chấp tư riêng, lố bịch; để phải cho ngoại đạo chê cười đến Phật Thích-Ca, rõ khổ. Như thế là bắt Phật Thích-Ca đỡ đạn làm bia, cho người mạnh giỏi an ngồi, mặc cho Ngài đớn đau trối kệ, thì là tội nghiệp cho Ngài lắm, mà nào thấy ai có tu hành đúng y như Ngài. Bởi lẽ ấy, nên đời nay người ta nói là đạo của Phật Thích-Ca, mà hành vi thì sửa đổi khác xưa, tức là mâu thuẫn lắm vậy.

Đành rằng: Đạo Phật là con đường giác ngộ của người giác ngộ, của chúng sanh chung, nhưng Phật Thích-Ca đã không khác chư Phật quá khứ sự tu hành, thì đời nay ai tài gì sửa đổi thiết lập, mà đắc quả như Ngài, hay hơn Ngài được. Nào ai đã thành Phật như Phật xưa rồi đâu? Và thế nào là Giáo hội Tăng già Khất sĩ khi xưa ra làm sao? Vì sao đạo Phật xưa gọi là đạo, chớ không phải gọi là tông giáo, hay học Phật? Nếu chúng ta chịu cố sức sưu tầm, thực hiện, thì chắc cũng không có chi là khó hiểu, miễn chúng ta có óc giải thoát như Phật là được. Chúng ta sẽ tin chắc như thế, trong đời sẽ không còn có gì mà chúng ta không thể hiểu biết được, nếu một khi chúng ta muốn chịu hiểu. Và chúng ta nên phải nhớ mà đừng làm thêm ra, những việc không lịch sử, không đúng chơn lý, chánh lý, lý nghĩa, để phải khi có ai hỏi, thì ta chỉ còn cách trả lời là không biết, không biết mà cứ xúi bảo nhau làm, noi gương mà làm, làm để mưu danh vụ lợi, ép buộc, rủ ren, xu hướng.

Thật vậy, đạo Phật Thích-Ca xưa và giáo pháp của tượng cốt ngày nay, đã khác xa nhau lắm. Chúng ta ai cũng hết sức bối rối, mà phăng tìm nguồn gốc cho rõ rệt, vẫn mãi mà chưa ra, nên ai ai cũng phải bị tà pháp nghi hoặc phủ che, mà chưa biết ra sao sự thật. Vì thế mà chưa biết phải tin theo ai, lời nói, chữ viết, cốt tượng, đồ vật chi được? Và nào biết đâu, ai là bậc sẽ chỉ rõ được sự thật, của chơn lý ngày xưa, cho chúng ta ngày nay tỏ ngộ?

Sự rối nhứt cho chúng ta ngày nay, là tại xứ Ấn Độ, hiện nay đang có đến hằng mấy chục phái Tăng sư đạo Phật khác nhau, chọi nhau, và phần đông người ta không còn mấy gì tin phục các sư hiện tại ấy nữa. Do đó mà các đạo giáo khác lại nổi lên thêm, và mạnh mẽ lấn đông hơn đạo Phật.

Như thế thì người tu ở xứ Việt nơi đây, còn trông gì hiểu ra đạo Phật cho nổi được? Mà chẳng phải là tập bắt chước lần lần từ chút kinh nghiệm, miễn so sánh sao cho giống y theo lịch sử, tránh ác, theo lành, giữ lòng trong sạch từ lần, mà chẳng dám lộng khơi, buông xa quá bực.

Như vậy cũng tức là: chẳng thà cam chịu thấp dốt, học chút ít chậm lụt, do nơi sự thật hành kinh nghiệm, vừa làm vừa ăn, vừa đi vừa tới từng bước một, mà được yên vui trong tâm mỗi lúc.

Đành rằng: đạo Phật chẳng phải riêng của một đức Phật Thích-Ca, nhưng đời nay, ai mà lại không muốn gọi mình là Thích Tử danh vọng; và cho rằng: Phật Thích-Ca là giống y các chư Phật khác. Cũng vì thế mà đạo Phật từ nay, đối với chúng ta thật rất khó khăn lắm. Nghĩa là: phải tu hành thế nào cho thích hợp với người nay, và chư Phật xưa kia, nhưng tuy nói vậy, chớ chúng ta chỉ cứ phải theo y như chư Phật xưa, thì ắt chúng ta sẽ nên hay nhiều ít được, mà cũng khỏi phải cần, để cho người đời nay vừa lòng hạp miệng, để họ kêu cho là đạo Thích-Ca, với theo ý kiến của người người. Ấy bởi lẽ phải, không bao giờ có đến hai, vậy thì chúng ta nên cần phải hiểu sự thật, là qui y Phật, y như thế, là đúng lý hơn hết.

Bởi lý do đó, mà có người hỏi một Khất sĩ rằng:

V:

 Tại sao ông đi xin khất thực?

Đ:

Tôi đi xin khất thực, là bởi chư Phật Pháp Tăng đều là Khất thực. Và bởi là tại ai nấy không đi khất thực!

V:

Tại sao ông ăn mặc ở chẳng giống người ta?

Đ:

Tại vì người ta ăn mặc ở chẳng giống Phật!

V:

Tại sao ông không có chức phận danh quyền?

Đ:

Là tại giáo pháp Phật giác ngộ vốn bình đẳng.

V:

Tại sao ông đi tu mà không thờ cúng bày việc hữu vi?

Đ:

Vì xuất gia phải là người giải thoát chơn như vậy.

V:

Tại sao ông không có làm gì hết?

Đ:

Bởi tại tôi không tham muốn gì hết.

V:

Tại sao ông không nhập chúng với người ta?

Đ:

Phật xưa bảo tu, chớ nào có dạy ly hay hiệp, và đời nay đâu có Tăng như xưa mà nhập chúng.

V:

Tại sao ông và người lại tu khác nhau?

Đ:

Ấy bởi tại người xa Phật, là khác với kẻ ở gần. Chớ cả thảy đều đứng gần Phật một chỗ, thì đâu có khác.

V:

Tại sao ông ở lều tranh chỗ vắng?

Đ:

Vì bởi giới định huệ không có ở nơi trường học, ngoài chợ.

V:

Phải chăng Phật Pháp bất ly thế gian Pháp?

Đ:

Ai dám nói Phật là con ma đó!

V:

Phải chăng pháp có hai?

Đ:

Pháp còn không có đến một, ai dám bảo là hai!

V:

Tại sao ông không giúp đỡ thiên hạ?

Đ:

Ấy vì tôi không muốn thọ hưởng cái chi hết.

V:

Tại sao ông mặc áo vải vá?

Đ:

Vì Phật Tăng vốn chẳng bao giờ mặc áo quần tốt đẹp.

V:

Tại sao ông không giao thiệp với ai?

Đ:

Bởi tôi mắc lo việc đạo, việc tâm, chưa có rảnh.

V:

Tại sao ông không ưa chỗ danh lợi?

Đ:

Vì đạo không có nơi các chỗ ấy.

V:

Đạo của ông có chánh không?

Đ:

Đạo thì chánh cho người giác ngộ.

V:

Đạo có ở nơi tam tạng pháp bảo hay không?

Đ:

Không! Đạo chỉ ở nơi tâm chơn chủ nhơn thôi.

V:

Có phải nên học hết đại tạng không?

Đ:

Không! Cũng không bao giờ ai học hết được, mà là điên rối vô ích, chẳng bằng tự giác lấy mình mỗi lúc mà dùng lấy Pháp bảo sẵn của kho mình.

V:

Phải chăng đạo Phật có nhiều Pháp, nhiều thừa?

Đ:

Một thừa một Pháp, trong tự nhiên còn chẳng có, huống hồ dốt nát gì, mà tìm đặt tên lộn xộn.

V:

Cái gì mới thật gọi là đạo Phật?

Đ:

Tu chơn là đạo của chư Phật!

V:

Tại sao ông không có gì hết?

Đ:

Vì chơn lý thì không có chi hết!

V:

Thế nào mới được học?

Đ:

Tu là được học.

V:

Tại sao ông không đi qua Ấn Độ học đạo?

Đ:

Vì xứ Ấn Độ cũng như xứ Việt Nam.

V:

Người tu có cần phải học nhiều thứ chữ tiếng không? Có cần phải khảo cứu sách kinh các nước không?

Đ:

Đối với Phật Tăng xưa, chơn lý còn không có một nước, một chữ tiếng thay, thì sao lại có đến việc ngoài. Người ta ai có đã làm xong một việc đâu, mà thêm tìm ra việc khác.

V:

Ông tu như vậy để chi?

Đ:

Vì không để chi mới tu như vậy.

V:

Có phải ông muốn cho người ta tu theo ông hết không?

Đ:

Tôi tu là bởi tại người ta không ai tu theo tôi hết.

V:

Những việc mà nhiều người tu khác làm, sao ông không làm theo y như người ta?

Đ:

Tôi chưa làm được những việc ấy theo như người, là bởi những việc mà của người làm, tôi hỏi trả lời không rốt ráo, nghĩa là chưa phải đúng chơn lý, không hiểu lý nghĩa, nên đối với tôi, thì chẳng thấy có sự quý báu ích lợi.

Nói tóm lại: Quyển đạo Phật này có ra, là bởi sự kêu gọi của tiếng chấn hưng đạo Phật, chỉnh đốn Tăng già, do nơi toàn thể ước mong hiện tại.

Quyển đạo Phật có ra, là để chỉ rõ con đường giác ngộ, bởi giác ngộ mới gọi là đạo Phật.

Quyển đạo Phật này ra với tánh cách siêu nhiên, không cần dư luận, không thiên tư, không chỉ trích. Mà là chơn lý, công lý, chỉnh đốn, chấn hưng, giác ngộ, khuyến khích, theo ý muốn của khắp người người. Ấy cũng bởi đạo Phật suy đồi đã lâu, nên lắm kẻ cũng dùng danh từ Phật, mà bày ra đủ cách ngụy tạo vô lý, khiến cho nên kẻ thật muốn tu, không còn ai biết phải sao là đạo Phật. Bởi cớ ấy, nhơn duyên hoàn cảnh ép buộc, là phải viết ra, chớ không thể nói riêng tư với ai.

Vậy thì sẵn dịp hôm nay, khắp thế giới đạo Phật chấn hưng, đạo Phật Việt Nam cũng đang chỉnh đốn, thế nên quyển đạo Phật này viết ra, là để tỏ lòng cầu đạo, muốn mong tìm học đạo.

Có lẽ nhờ đó, mà sau này, xứ Việt nơi đây, sẽ trở nên đạo tràng tốt đẹp, ai ai cũng trở nên trang hiền đức đúng đắn, khắp nơi người người sẽ hưởng  nhờ, được nương theo tu học hết.

Đó là điều rất quý báu.

Vì trong đời, chỉ có đạo Phật là quý báu hơn hết.