CHƠN LÝ KHẤT SĨ - CHÁNH KIẾN - QUYỂN 22 - TS. MINH ĐĂNG QUANG - MP3 và Ebook

  1. CHƠN LÝ KHẤT SĨ - CHÁNH KIẾN - QUYỂN 22 - TS. MINH ĐĂNG QUANG

CHÁNH KIẾN - QUYỂN 22

Chánh kiến là sự thấy rõ lẽ chánh, để thật hành theo, khỏi phải mê tín. Vì mê tín là một việc xấu xa, bị người chê ngạo cho những cái việc làm xu hướng, mà không hiểu nghĩa lý của việc ấy, khác thể như người đau mắt, chẳng thấy đường, lần mò đi đêm vậy.

Trong một xứ mà dân tộc mê tín, thì cũng như một gia đình mắt nhặm, ai muốn dắt dẫn bảo sao nghe vậy và cứ nhắm mắt làm theo, thì còn gì là sự tự chủ và tiến hóa, láng giềng kẻ khác ai mà lại chẳng xỏ mũi cười khinh.

Thật vậy, thà là làm kẻ ngang ngạnh, còn hơn là người tà kiến.

I.- ÔNG TÁO

Cũng như thuở xưa, bên Tàu giặc mọi Mông Cổ chiếm đoạt xứ Tàu, quan Mông Cổ da đen đi cai trị khắp nơi, hà lạm khắc phạt vơ vét của tiền thiên hạ, vì vậy dân tình thán oán, kêu là ông Táo. Chữ táo là bịnh bón nhiệt, rít róng, có ăn thâu vô, mà chẳng có bố thí cho ra, bởi có bệnh táo, người ta mới nấu trái táo, lấy nước mát mà uống; trái táo là trái nấu uống mát, trừ bịnh táo. Bởi có bịnh táo nên mới đặt tên là trái táo. Nhà vua Mông Cổ thâu thập của dân, nên người Tàu hủy mạ đặt tên là Táo quân. Các quan võ của vua ấy người ta ố ngạo là Thần Táo, các quan văn của Mãn Châu, người Trung Hoa sỉ mạ là Thiên Táo. Hồi thuở Tôn Văn cách mạng, lập Trung Hoa Dân quốc, lật đổ Mãn Thanh, người Tàu phỉ báng gọi người Mãn Châu là Thổ táo; người ta gọi ba cục đất đội nồi là ông Táo, Thổ táo, Táo công, là nói sự tham lam vơ vét, đội nồi cơm, ơ cá của dân là kẻ văn võ quan vua nhà mọi, họ tham, sân si, dốt nát, ngồi trơ như cục đất, chỉ có tài hả miệng phun lửa, ăn lửa, đội chảo nồi. Trước kia xứ Tàu, dân tình rất kính trọng quan vua, vì vua phải là bậc thánh minh, và quan phải là bậc hiền sáng, chơn chánh thanh liêm, xem dân như em ruột, vì vậy mà mỗi nhà dọc hai bên đường đều có đặt bàn nghi án, gọi là bàn Thiên quan tứ phước để tiếp nghinh sự huấn dạy. Mỗi khi vua hay quan đến, người ta tiếp rước, và khi đi về thì người ta tiễn đưa, thật là long trọng. Nhiều vị quan, khi cuối năm, về triều chúc thọ vua, và đem sổ bộ về dâng nạp, bởi ở xa nên ngày 23 – 24 đã khởi hành. Dân chúng tiếc mến ơn đức khóc lóc lạy đưa, và cầu xin cho có ngày trở lại. Cũng vì thế mà đối với quan Mông Cổ họ bị ép buộc rước đưa, quan lại còn đòi ngựa ô, xe phụng lễ vật, lộ phí, đủ thứ…

Vậy nên dân chúng bất bình nổi loạn, họ cho đó là cách đưa ông Táo về Trời (Trời đây là Thiên tử, vua Mãn Thanh). Họ bày ra lễ cúng trước mặt quan, nào là cắt ngựa giấy, cắt hạc giấy để đưa ông Táo, nào là may áo, sắm mão, cắt hia giấy, đưa ông Táo, nào là chè xôi muối gạo đưa ông Táo, lo lót cầu xin, lão Táo về vua Trời đừng tâu thêm bớt, hãm hại dân lành, vì lẽ năm này họ nghèo quá, không còn tiền của chi mà hối lộ, họ lấy giấy súc phết sơn màu vàng bạc, mà đốt tống đưa đi. Việc làm ấy ai hỏi, thì họ gọi là ngày cúng đưa ông Táo, bởi ông Táo linh thiêng lắm. Họ làm như vậy, là để khêu gợi tức khí của người nghĩa hiệp có tâm huyết ra tay cứu gỡ ách nạn cho dân tình, hoặc để cho hả hơi hờn oán của họ, hơn nữa là để ghi sâu một vết tích cho dân Tàu, đừng quên mối hận thù chung, việc hồi xưa, bên Tàu, thế mà ngày nay xứ này người ta cũng cúng lạy rước đưa ông Táo.

Cho đến trong một hai nhà chùa, lại cũng đưa ông Táo hối lộ nữa, và từ ngày ấy đến tiết xuân, là không đánh chuông trống, bắt chước như các nha môn quan lại, đóng cửa bãi hầu, trong ngày quan về triều vắng mặt, tệ cho đến nỗi, tối đêm ba mươi, cư gia mời thỉnh rước ông bà cha mẹ, lên ngồi trên cao chính giữa, cho con cháu lạy chúc thọ. Trong chùa ấy các sư không biết rước thỉnh ai, thôi thì rước ông Táo, hay là rước chư Thiên, vì có lẽ người tu xuất gia, là cha mẹ đã được siêu thăng lên thiên đường rồi.

II.- TIẾT XUÂN

Tiết xuân là mùa bông hoa cây trái của thọ tình. Mùa xuân như mới sanh, mùa hạ như người nhỏ, mùa thu như người lớn, mùa đông như ông già. Mới sang xuân như sanh lại một lần, như đã trải qua một thời kỳ đau khổ. Mà lòng của người lại mong ước sự vui tươi cười đẹp như hoa mai cổ thọ. Sự chúc thọ của người tính tuổi theo cây, y như thế, mà ngày nay xứ này người ta còn gọi là Tết, chữ Tết là giọng nói trại của người Tàu, và người ta quên lửng rằng đó là tiết xuân của loài cây, cũng vì sự không chịu hiểu đó, mà các ông già xưa lại gọi ngược là ăn chết, nghĩa là ăn để chết, câu nói ấy rầy con cháu, và cũng là lời nói mỉa mai, ám chỉ sự ham ăn uống nô đùa của một hai ông già mất hạnh.

Mà thật ra đúng như vậy, ngày tiết xuân là ngày chết của nhân loại, họ chết mất trí, mất tâm, và họ chết lăn đùng ra cả vừa thân mạng. Thuở xưa xứ Tàu dân chúng phân chia ranh tộc, mỗi họ mỗi thôn trang, có cổng rào tường lũy. Và ăn cướp xứ Tàu, ở non núi muôn ngàn, thường hay bắt người ăn thịt, đốt phá thôn trang châu quận, thừa những lúc dân dã say sưa, canh phòng bỏ xuội, trong ngày xuân nhựt, mà dễ bề cướp phá, đốt pháo hiệu nổ vang trời, làm cho dân tâm tán loạn, mà thừa cơ đột nhập.

Người ta gọi chúng nó là quỉ sơn pháo! Muốn ngăn ngừa trộm cướp, các ông già bày ra mỗi nhà cắm một cây tre cao trước cửa, cột treo lồng đèn để soi rọi ánh sáng khắp nơi, vài trái cau khô, là ý nghĩa cao xa của các ông già, và một tấm giấy đỏ, vẽ tứ tung ngũ hoành, thành ra cái hàng rào, là nhắc nhở phải ngăn rào trộm cướp, trong lúc vui chơi. Người ta gọi đó là lá bùa Thái thượng Lão quân (Lão tử) vì người xứ Tàu tin sợ Lão tử lắm, họ gọi như thế là để cho trẻ nhỏ biết kính trọng việc làm ấy. Người ta còn bày đặt sự đốt pháo, mỗi nhà đều có pháo, pháo lớn, pháo nhỏ, khi thấy có trộm cướp đến, người ta đốt pháo hiệu báo tin, nối chuyền với nhau vang dậy, vừa là để cho dân chúng hết sự say mê, và là thị oai với trộm cướp. Bởi trong sự đánh nhau, hễ ai phòng thủ trước, đốt pháo ra tay trước là sẽ thắng trận, thứ pháo thăng thiên, tức là đèn rọi chỉ hướng báo tin, trong đêm trời tối rất công hiệu.

Mùa xuân trong nhà vua chúa, tối ba mươi các quan tựu hội, xem hát chờ giờ, 11 giờ khuya vào làm lễ chúc thọ vua, và nhà vua đãi tiệc khen thưởng các quan 3 bữa! Ngày mùng bốn đã tất, nghĩa là hết. Các quan tại triều thì lo làm việc xem xét sổ bộ, các quan ở xa về, thì đi về thăm bà con ba bữa; còn bá tánh thì vui chơi bảy ngày, thắp đèn chưng bông giắt lá, lập vườn huê giả nơi thành thị, che khuất cửa nhà, ban đêm ánh sáng như ban ngày, để dạo cảnh vui chơi, cho kẻ cần lao giải trí, hầu xóa quên những ngày khổ nhọc, họ vui chào mừng cỏ cây hoa trái, để ôn lại cảnh rừng xưa, dưới bầu sao trăng, của cổ nhân, sống chung cùng thú cỏ cây tinh thần tươi đượm, ấy là sự tinh khiết trong sạch, cao thượng đáng kính; mà ngày nay con cháu lặn hụp lấm lem trong trần, mảng mãi đua bơi, không thời giờ nhắc lại.

III.- TAM NGUƠN

Mãn 7 ngày, mừng xuân chấm dứt, hạ nêu bãi cuộc, phận sự bắt buộc ai nấy phải lo làm trở lại, và các quan ở xa lần hồi đi trấn nhậm, cho kịp ngày rằm nha môn mở cửa. Ngày Rằm, quan ra khách thăng đường, đọc chiếu chỉ vấn an trăm họ, và bá tánh thỉnh chúc thiên quan, tiếp nghinh sứ mạng đặt bàn hương án. Ngày Rằm tháng Giêng ấy, là ngày Thượng nguơn, Thiên quan ra mặt, dân chúng chào mừng các quan, và đi viếng thần tế miễu, nhắc nhở người quan xưa trước. Chuyện thuở hồi xưa, mà đời nay xứ này lại đi cúng lạy. Những chuyện đã khác xa, không còn dùng được cho mỗi lúc, không biết rõ đuôi đầu, mà người ta chỉ đua nhau lo cúng lạy.

Ngày Rằm tháng 7 xưa tại xứ Ấn Độ là ngày Tăng tự tứ, của các nhà sư, còn các cư gia thì lo cúng dường nghe pháp. Tại xứ Tàu ngày ấy kẻ nông dân khởi hành ra đồng ruộng, họ đãi tiệc từ giã gia đình, để đi vào rừng núi, họ cúng vái quỉ thần, tế lễ Thần nông ấy là phần việc của người làm ruộng, chớ không phải của tất cả, nên kêu gọi là ngày địa quan Trung nguơn! Ngày Rằm tháng Mười, kêu là Hạ nguơn thủy quan, thuộc về phần việc của người chài lưới, cùng kẻ buôn bán thương thuyền, đến mùa nước lớn lui ghe ra biển cả, họ đãi tiệc từ giã thân nhơn, và cúng kiến quỉ thần, để một phen ra đi, dữ nhiều lành ít. Đời sau người ta ít tu tạo nhiều nhơn nghiệp vì quả báo nạn tai hãi sợ, mà tham cầu cúng vái, sự mê tín đến đỗi mỗi ngày trùng tháng, người ta cũng cho là linh thiêng mà cúng nữa. Ngày mùng năm là ngày tiết xuân mãn, họ cũng cúng kiến rất long trọng. Người ta vì chưa hiểu đạo, chưa biết rõ công lý, luật nhơn quả của võ trụ, nên người ta rất ỷ lại thần quyền, đức tin rất mạnh, vì tin tưởng mà quên mình chết sống, vì mờ quáng mà không phân ác thiện, khó được giác ngộ. Kẻ mê tín mà được thiện là rất ít dầu họ có thiện đi nữa, thì đời nay, không thể giác ngộ thành Phật được, vì kẻ mê tín thì hay chấp khư một việc, không thể đắc trí phương tiện của nhơn duyên, và không tự chủ.

IV.- CÚNG TẾ

Đành rằng sự tế lễ là tốt lắm, nhưng vì lòng tham, tập tánh tham cầu vái riêng mình, là tập tâm ích kỷ, điều ấy đâu phải thiện thì phước báo đâu có nơi sự làm ác. Cúng tế thánh hiền, là sự biết kỉnh đạo, kỉnh bậc tiền bối, trọng kỉnh trí đức là phép để trau tâm, phước quý lắm, nhắc nhở tiền nhân để đem lại hậu sự của mình, là tốt quý vô cùng, còn hiền thánh thì lại vô tư, ta cầu vái buộc tội cho các Ngài làm chi.

Cúng tế để biết khiêm nhường kẻ chết, đặng không ngang bạo giết hại người sống, mang ơn mến đức mà thờ, nghe dạy là lạy, biết kỷ niệm lịch sử mà giữ mình, có như thế mới tập tánh nên người minh đức. Vậy nên sự cúng tế là tốt cho tâm tu, trí học, mà nên cúng tế thánh hiền, chớ đừng vái cầu ma quỷ, và phải hiểu kỹ lịch sử, lý nghĩa, sẽ nên thờ, còn việc nào nhảm nhí không rành, thì cũng nên bỏ luôn đi cho rảnh nhẹ.

Ví như ngày mùng 1 tháng Giêng, người ta nói là ngày kỷ niệm đức Di Lạc, mà đức Di Lạc thì chưa thành Phật, chưa ra đời, không ai biết lịch sử ngày giờ chỗ ở, thế mà lòng vọng tưởng trông mong của người tin tưởng, là để dành ngày mùng một đầu năm cho Ngài, vì Ngài sẽ thành Phật sau Phật Thích Ca, mà không biết sẽ ở về thế giới nào sau này, thế mà ráp nhau cúng vái, cầu xin phò hộ, nếu thử có ai hỏi lịch sử, kỷ niệm chi của ông ấy để lại cho người tôn kính đó, chắc là không có.

Cũng như nghe nói 9 phương Trời, 10 phương Phật thế là ngày mùng 9 tháng Giêng là vía đức Ngọc Hoàng, và ngày mùng 10 là ngày vía chư Phật chung, thật vô lý quá, không có dấu vết kỷ niệm gì cả. Người ta cầu vái rồi ngồi ngó mặt nhau xẻn lẻn lặng thinh, nếu thử ai hỏi lịch sử, thì nói không biết, thật lếu cho người làm cái việc mà mình không biết, thì có ích lợi gì cho ai.

Cũng như ngày Trung thu thưởng nguyệt, mà người ta cũng cúng tế vua Đường Minh Hoàng, là ông vua dâm dục nữa. Nói gì đến những ngày vía. Vía nghĩa là gì? Vía là phách, phách là tình, là cái ý tưởng mê muội theo 7 tình: buồn, vui, mừng, giận, thương, ghét, muốn, mà các vị Phật Thánh, lại còn có vía dại là ý tưởng phách tình hay sao, mà cầu vái? Nào là giáo lý chi, các vị ấy để lại có ích sáng cho đời, và ai đời nay mà biết được việc trên trời chức phận danh từ ngày tháng của các vị ấy, và các vị ấy hằng ở một bực không có biến đổi sao?

Bộ truyện Phong thần của ngài Bạch Vân Hòa thượng. Bộ sách Tây du của Ngô Thừa Ân, hai Ngài bịa đặt thêm vào việc Thần Tiên Phật Thánh, trong khoản lịch sử của Thương Châu, và lúc Trần Huyền Trang đi du học, cùng với các bộ tiểu thuyết thần tiên, lấy pháp lý diễn ra sự việc vui chơi, thế mà có kẻ bịa ra sự thật mê lòng chúng, lại lấy ngày tháng của mỗi Phật Tiên gì đó, đi đâu ở đâu, mà biên làm Phật lịch, cho người cúng vái, cúng vái cái tên ông trong tiểu thuyết vọng ngôn, không hình bịa đặt. Cùng là ai sanh ra, đúng ngày giờ ông bà nào trong sách truyện đó, là con của ông bà đó, phải lo cúng vái. Ai chết, hoặc bệnh đau, hay tai nạn chi do nghiệp báo, đúng ngày giờ ai trong sách ắt là phải mau lo cầu xin, dầu người của trăm ngàn năm ở xứ nào cũng lo khấn nguyện. Người ta biên ra tên người, của trong những quyển sách, rồi kêu gọi ó réo, không biết bao nhiêu những ông với bà, ma tà, Thần Thánh Phật Tiên, để làm cho người bịnh ghê sợ mà hết bịnh, để làm cho con ma quỉ mê muội kia, tưởng đâu có thật mà bỏ chạy đi. Họ kêu réo mãi làm cho quỉ thần ở xung quanh, thấy rõ lâu ngày không có ai hết, nên bèn nhập bướng lên đùa, xưng Tiêân Phật cho họ.

Cho đến họ thờ cả quỉ La sát Dạ xoa, quỉ vương, tinh yêu, hồi đời nào trong truyện bịa thuyết, họ đóng trang tạo tượng, xây cốt, lập đền thờ mãi, kêu hoài cho ma quỉ nhập vô, bữa nào quên cúng, thì chúng nó bắt bớ quở phạt, cũng như sự rước kẻ du côn làm thực khách, nuôi ở trong nhà, bữa nào ăn cơm quên mời, là bị nó đánh đập. Mà người ta quên rằng sự kính thờ Phật Thánh, là mến đức trau tâm, dầu không đốt nhang, bỏ lâu quên lạy, các Ngài cũng không quở rầy chi cả. Người ta mãi tưởng quỉ thần, còn cứ ở một chỗ, một lớp đó hoài, và để đi chứng kiến cho bao nhiêu kẻ thiên hạ khắp xứ, vái cầu kêu réo làm tội họ mãi. Người ta quên rằng quỉ thần tuy vẫn có xung quanh ta, cũng như tướng tá quân binh kia, họ nay mai dời đổi, chớ đâu phải đứng hoài một chỗ, làm mãi một việc; cũng như ta hãy hỏi lại tâm ý ta, coi ta có chịu làm quỉ thần mãi được không? Mà sự thật, là người ta thờ vái ngòi viết của tác giả, chớ không có cõi này ông bà kia chi cả. Nhưng mà có ai tin tưởng cầu vái mãi, thì quỉ thần xung quanh đó, cũng sẽ ứng thinh một lúc cho họ vậy.

V.- QUAN VÂN TRƯỜNG

Cũng như Quan Vân Trường, ngòi viết đời sau phong cho ông làm chức Hồng diện Đế quân, vì ông là một vị tước vương mặt đỏ, em vua Lưu Bị, và vì cũng có chùa muốn cho các quan kính nể đạo, nên đem cốt tượng ông vào chùa, phong làm chức Hộ pháp Già lam Thánh chúng Bồ Tát, và tín đồ đạo Phật, thì gọi ông đã tu lâu đời, chắc thành Phật rồi, nên ráp nhau lo cúng lạy. Có nhà sư cũng lạy nữa, rồi thì cũng có bộ kinh của ông ấy, do các vị võ quan chép lại lịch sử, vì mến trọng đồng tâm, mà bảo ai nấy phải đọc tụng, đặng tập gương nghĩa dõng, xúi sự đua tranh ở nơi cửa thiền, theo như kẻ thế. Thậm chí đến đỗi, có người quá tin tưởng, nghe nói thờ ông cữ ăn thịt trâu, ban ngày lỡ ăn, tối về lo sợ, chiêm bao thấy anh đồ tể, xách dao rượt chạy, họ cho là Châu Thương hiển hích. Người ta thờ bằng đức tin, chớ ít ai thờ giáo lý. Cho đến bà Nữ Oa, bà Cửu Thiên, bà Lê Sơn, các bà của pháp lý ngòi viết hồi ngàn xưa, đời nay ở xứ nào đâu, người ta cũng thờ lạy nữa.

VI.- ĐÌNH THẦN

Trong xứ ta mỗi làng đều có đình thờ thần, thần đây là quần thần, quan võ tử trận. Quan võ là A tu la ác thần, thấp hơn nhơn loại. Nhơn loại là kẻ bình dân sống trong gia đình, có lòng nhơn, có thể giữ được một giới không sát hại còn quan tướng dữ hung không thua beo cọp, bênh vực phò tá cho một người vua riêng, mà nỡ lòng sát hại sanh linh, không có chữ nhơn, người, chút nào cả. Bởi đời không có đạo đức, lấy sức mạnh quyền thế xưng hùng, nuôi kẻ dữ bảo hộ quanh mình, nên đem danh lợi cám dỗ phong thần khuyến khích. Thần là kẻ nô lệ trung tín theo vua, là những kẻ ăn thịt tươi, uống máu sống, không hôi tanh, chưa phải đến lớp người, được cần nấu luộc, thế mà người ta lại thờ cái quái ác ấy, lạy bái noi gương, để bỏ đường nhân loại chăng? Đã vậy nào thôi, khi cúng tế mỗi năm, người ta lại đem chuyện giết người khen hay mà nói, và tôn trọng cái chức tước giựt giành, xưng danh, vật lộn, người ta lại giết trâu heo, để nguyên còn sống, dâng cúng trước bàn thờ, rồi xúm nhau lạy trước xác chết trâu heo mà xin tội, vì người ta sợ nếu không cúng là thần quở phạt. Ngày xưa người ta cúng bằng cách buộc lòng, thế mà ngày nay cũng có kẻ lại vì muốn ăn, mà bày ra cúng kiến.

Người ta để thây ma từ sáng tới chiều cho hôi hám, rồi mới đem ra chặt xé phân chia, gọi là bắt chước cái ăn miếng thịt của thần, thì thần nhìn nhận làm con cháu, ủng hộ cho xác thân. Tệ đến nỗi, người ta lại còn chìu chuộng lo lót với tà thần, là lén lén lấy chén hứng lấy máu trâu heo, đuôi móng, và cạo gọt một ít sợi lông đất, ngoài da con thú, để vào trong chén, đậy kín bịt miệng, che mắt người ngoài, rồi đem để ngay giữa kế lư hương trên bàn thờ, mà khấn vái, người ta cho việc làm như vậy, là vừa ý ác thần, vì thần quỉ thì hay ăn lông uống huyết thiên hạ, ai xu hướng theo thần quỉ làm việc ấy, ắt được ban khen, thương mến.

Ở trong một xứ dân tộc văn minh, đầu óc của nhân đạo, người ta đã mặc áo quần tốt đẹp, người ta muốn tiến hóa cao siêu, mà còn làm được những việc của lớp cổ nhân xưa, thật là đáng tiếc. Cũng vì vậy mới có đồng bóng pháp phù, làm Tiên Phật ợ ngáp, kêu đòi vịt ngỗng đầu heo. Sự thật thì Phật Tiên thần quỉ, có đòi hay không có hưởng hay nhịn, nào có nề hà gì, miễn là bà con, kẻ tay sai còn sống đây, có thịt rượu ngon miệng, thế mới a tòng cổ võ hoan hô, xúi mấy chị đàn bà khấn vái nguyện cầu, để cho họ được dựa phần toại hưởng. Bởi vậy mới có kẻ nói rằng Thần Tiên Trời Phật tuy không ăn thịt, nhưng đòi thịt của chúng sanh cúng kiến, là để cho binh gia tướng tá bộ hạ của các Ngài (chớ nếu không có kẻ tay chơn của các Ngài, thì các Ngài đâu có ra mặt mày tên tuổi được! Vì không có rượu thịt, thì ai công đâu đi tán tụng các Ngài làm chi cho mỏi miệng).

Thuở xưa kia, nơi xứ Tàu giặc giã. Từ Mậu Công giả làm thầy bói, Miêu Quang Nghĩa giả làm thầy coi tướng, nữ tướng giả làm bóng chàng, quan văn giả làm thầy thuốc, tướng võ giả làm thấy pháp, hoặc hát sơn đông, họ trà trộn binh gia, chen lộn vào dinh thành giặc nghịch, để làm nội ứng, để thám thính tin tức, để trộm cắp giấy tờ, hành thích tướng quan, thật là ích lợi, họ bày cớ sự để qui tụ nhóm đông, chiêu binh mãi mã, tích thảo đồn lương, quến dụ tâm người, cướp tù phá ngục!

Đó là việc hành binh thuở trước, phương chước kế mưu, thế mà sự di truyền đến đời nay, đã thành ra đạo lệ, làm cho dân chúng mãi si mê, khuấy rối tinh thần, đảo điên phong hóa, trách gì xứ khác chẳng chê cười, mà dễ bề lôi cuốn rủ ren bày đặt.

VII.- BÀN THIÊN THẦN

Lại như cái bàn chư Thiên ngoài sân ngay trước cửa, vốn khi xưa xứ Lỗ bên Tàu theo Nho giáo, dân dã trọng đạo vua quan, ấy là bàn thiên quan tứ phước. Thiên là vua, Thiên tử, quan là bá quan văn võ, tứ phước là cho phước thái bình, tức là bàn hương án dọc hai bên đường, để tiếp rước vua quan mỗi ngày qua lại, ở tại kinh đô, vì nhọc công đem ra dọn vô, nên họ để cắm luôn nơi đó mãi! Đó là bàn nghi án, chỗ thắp hương chưng hoa, khi lễ cuộc, chớ không phải trời thần nào. Theo như đời nay người ta nói là bàn Thiên thần, mà lại có cúng âm binh muối gạo nữa, và luôn sẵn dịp thêm vị chè xôi. Người ta có biết đâu âm binh là binh trong rừng mai phục, một khi tôi loạn soán ngôi, nhà vua mất nước, chạy trốn trong rừng núi, chiêu binh mãi mã, tích thảo đồn lương, âm thầm mưu dựng công cuộc ngày mai chinh phục, những nhà đồng chí ở trong thành thị, là những cơ quan chấp chứa, dấu hiệu riêng của người ta là: gạo muối lương mễ có sẵn nơi đây, chén chung nước là chung lo việc nước, cái bông vạn thọ là lịnh Thiên tử, muôn năm vải đỏ lá huyết kỳ là nơi hội họp khởi nghĩa, đem thân huyết chiến vấy máu nhuộm sơn hà, nhà có dấu hiệu riêng ấy tức là chỗ động dụng của binh gia mai phục vậy.

Những việc làm ấy, rất đúng theo trong những trường hợp chớ không phải là cúng vái bên ngoài, nhưng đối với đàn bà, thì đâu có ai chỉ bảo, tội nghiệp cho những người tu, cứ chín phương trời vái cầu lạy mãi, mà cái ông cữu ngũ ngôi vua kia, lại chẳng biết, và nào có hay gì đâu. Lại thêm có vị chè xôi hối lộ cho ông Táo tham quan cũng chung lộn trong đó nữa. Mãi nói làm những việc không hiểu nghĩa lý, thật là có hại biết bao nhiêu.

VIII.- QUAN HÔN TANG TẾ

Người ta không hiểu được lý nghĩa quan hôn tang tế, của nhân đạo Khổng Tử. Quan là lễ phép kính nhường để đừng sát hại lẫn nhau, hôn là sự gả cưới phân biệt, để đừng hỗn loạn giết nhau, tang là sự tang thương ly biệt sanh tử hai đường, kẻ sống tỏ lòng thương người chết để cho biết trọng kẻ chết, mà đừng giết hại người sống, tế là cúng tế thánh hiền, Trời Phật, để cho có sự cung kỉnh đấng bề trên, mà biết vâng lời dạy bảo, đừng cho giết hại lẫn nhau, ấy là bốn phép trong nhân đạo. Bốn phép ấy phải có cho người, phải là việc làm, lời nói, do sự hiểu lý nghĩa ích lợi, chớ không có sự cầu vái tham lam, mê tín theo tà kiến. Bốn phép ấy cũng là bốn phép trau tâm vậy. Về quan niệm lễ giáo, đức Khổng Tử dạy người ta biết phân biệt tôn ti thượng hạ, lấy lễ phép cư xử với nhau, như vậy con người mới có oai nghi tư cách. Con cá kia nó còn có lễ phép, mỗi khi gặp cá quen thời nó xuôi đờ đứng lặng, bày giáp trụ nơi mình. Con lợn kia còn có lễ giáo, mỗi khi gặp nhau, nó lấy mũi hít hửi hôn nhau. Con mèo kia còn có lễ giáo, khi gặp đồng loại, thì lấy tay rờ vớ. Con chim kia khi gặp nhau thì líu lo miệng hỏi kêu chào…

Lễ giáo là phép thân thiện, thương yêu kính nể. Sự tốt đẹp hơn hết là lễ phép, loài thú đã có, huống chi nơi loài người mà lại không có lễ giáo phép tắc hay sao?

Phép con, sáng chiều phải lạy cha mẹ, đi thưa, về trình, xá chào anh chị, vì nếu không lạy, thì cha mẹ không nuôi, không dạy, lạy ấy là để tỏ sự biết nhớ công ơn, kỉnh trọng, lạy là để xin nghe lời dạy dỗ; có cung kỉnh mới có vâng lời, có quí trọng mới có hành theo. Có lạy bái thì không còn dám sự mong giết hại, lạy để trừ kiêu mạn, con chẳng lạy là con ngỗ nghịch, phi ơn tà ác, cha mẹ nuôi là có tội với xã hội và nó sẽ giết hại mình. Con lạy thì con nên, mà kẻ làm cha mẹ chịu lạy, thì phải giữ tư cách mình cho đúng đắn để dạy bảo con. Con lạy có khác nào con đem cái gương tốt đẹp hiền hiếu của con, làm vui lòng cha mẹ trả ơn, bởi tiếng chào cao hơn cỗ, và như thế là nhắc nhở luôn cho cha mẹ hiền lành nữa, vì không lẽ cha mẹ lại xấu nết hơn con. Còn cha mẹ không dám cho con lạy, là bởi mình ác quấy, chớ sự lạy là bổn phận của con, và là sự nên cho cả mình và con nữa; phép lạy là lạy kẻ sống, chớ không phải lạy bàn thờ người chết. Nhưng nếu vì không có kẻ sống nên phải lạy tạm người chết đó thôi, hoặc giả bởi trẻ con hay bướng bỉnh, nên bắt tập lạy người chết cho quen, là cốt yếu để sau này lạy người sống cho được. Vì khi sống chẳng lạy đền ơn, chẳng nuôi dưỡng, chẳng biết nghe lời cung kỉnh, để đợi chết rồi đâu còn có đó mà cúng lạy làm chi! Trong đời mà có một người biết lạy kẻ sống thì người ấy không bao giờ ác, không bị ai giết, và sẽ được đức tính giỏi hay, cao hơn thiên hạ. Phép lạy không phải ích lợi cho người kia, không phải ai ép buộc, mà người hiểu được phép trau tâm mình, thì không bao giờ dám vô lễ, cũng như người không dám làm ác. Kẻ ác là kẻ không lễ phép, dầu cao lớn bực gì cũng không bằng trẻ nhỏ bởi người ta ghét sợ, chớ chẳng ai thương mến. Lễ phép là phép dạy trẻ nhỏ ra người lớn, kẻ ác trở nên người thiện, con thú trở nên người ta, cũng là phép dạy gia đình hay lắm. Nhờ lễ giáo mà tâm người trở nên Trời Phật, và đến bậc Phật rồi, thì không còn lạy ai nữa. Chính sự lạy là để biết tự bỏ cái ác, cái dốt của mình, và nâng cao cái hiền, cái học, đặng cho mình nên. Vậy nên khi xưa dầu là đứa con nhỏ của mình, hay là trẻ con khác, mà đứa ấy thật là hoàn toàn về trí đức như Phật Trời thì người cha mẹ, hay là người lớn kia đang còn tội lỗi mê muội, cũng phải lạy trở lại cái trí đức của Trời Phật, mà kẻ đó là Phật Trời, chớ không dám gọi là con nhỏ. Không ai dám tự cao cái ác si mê, giữ hoài địa ngục, mà chính tự mình phải kính trọng đạo đức, để tập lần bước tới, bấy giờ người cha mẹ lớn kia, thấy mình như một tín đồ, nuôi dưỡng cúng dường ông thầy nhỏ ấy, mấy chục năm; đổi công ơn nuôi một chúng sanh, thành ra phước cúng dường một vị Phật, vì không ai là kẻ còn tội lỗi, mà dám xưng cha mẹ; trên quyền vị Phật tái hiện ấy được. Đó là chỗ tinh thần siêu việt của lễ giáo vậy. Khi làm người thì mình phải lạy, khi làm Trời thì mình thôi không lạy ai nữa, mà khi thành Phật rồi thì kẻ khác lạy lại mình, cái lạy ấy vần công là pháp tu tâm khi mình tự cao ác quấy, trái lại kẻ nào không có cái lạy ấy, thì không bao giờ được đến với đức tánh của lớp Trời Phật bình đẳng không lạy được.

Một gia đình kia, dầu người cha có tu cao bậc gì mà không dạy lễ giáo cho con, con không biết mọp sợ, thì con sẽ phá nhà, hỗn ẩu hoang đàng, ông cha dạy nó chẳng biết nghe, và nó sẽ giết hại cả cha mẹ nữa, thế là ông cha cũng không tu hành chi được, tâm ông cũng giãi đãi buông trôi, vì không có gương con hiền lạy bái nhắc chừng cho ông. Thật vậy, không có lễ giáo thì không ai dạy con cháu được. Và con cháu thì hay noi gương của cha mẹ, ông bà. Hổ phụ sanh hổ tử, hiếu phụ sanh hiếu tử, điều ấy vốn không sai chạy.

Xưa kia một người nọ đóng xe chở cha mẹ lên rừng cho cọp ăn. Con người ấy hỏi ra, và xin để dành chiếc xe đó lại về sau, đặng khi cha mẹ tuổi già, thì nó cũng chở lên rừng cho cọp ăn, y như việc làm của cha nó đối với ông bà nội nó, vì có sẵn xe đó, nó khỏi phải đóng thêm cái khác. Cũng bởi thế mà các nhà nho sợ con cháu làm hại mình lắm; và cũng sợ cho nó ác hung nữa, nên khi cha mẹ chết đi thì che lều giữ mộ, ba năm không uống rượu, vui cười, lại lập bàn thờ cúng lạy, giữ đất tổ tiên, có kẻ để nguyên cái giường nằm của cha mẹ mà thờ, và cũng quạt nồng ấp lạnh, cùng khi cha mẹ già yếu, tự tay thuốc men cơm cháo, không sai bảo tôi tớ vợ con, vừa là để trả hiếu cha mẹ ba năm, lao nhọc, tự tay cha mẹ nuôi con. Việc làm ấy cũng là phép trau tâm, và để trả lời cho con cháu, đặng chúng nó xem gương hiếu đạo. Có kẻ trước bữa ăn kỉnh trước rồi ăn sau xem như cha mẹ còn sống, để cho con cháu trong nhà hòa thuận, không sanh tâm bội nghĩa. Có như vậy chúng nó mới chịu hiểu rằng Kẻ chết còn phải nhớ kỉnh, huống hồ người sống mà lại bất hiếu hay sao?

Thật vậy, đời không lễ giáo là đám rừng hoang, của sự ăn tươi nuốt sống lẫn nhau, chớ đâu còn nhân đạo. Chiến tranh đời nay có là bởi không lễ giáo, đành rằng lẽ thật ai cũng như ai, nào ai phải lạy bái ai. Nhưng nếu không tạm dùng phương thuốc ấy, thì không ai trị bịnh lếu quấy của mình cho được. Và khi hết tội rồi thì đâu còn cần sự lễ bái. Đức quý hơn tài.

Hồi xưa, cổ nhân ăn thịt sống lẫn nhau, không có cất, chôn chi cả, thịt kẻ chết chôn vào bụng người sống, nên người ta mới bày gạt nói rằng thây chết để lâu ba bữa ăn ngon, đặng cho thúi sình ăn không được. Lại bảo cất chôn dưới đất trăm ngày ăn bổ, để cho rã thịt không ăn được, người ta lại bảo kẻ chết lớn hơn người sống vì đã trọn đạo rồi.

Ấy là để cho biết kỉnh trọng người chết, thì không nên ăn thịt kẻ sống lẫn nhau, do đó người ta dạy việc cúng tế tiền hiền để tập biết cung kỉnh vâng nghe lời dạy phải, xưa kia người ta dạy cho đám cưới biết cười, đám chết biết khóc, chết là sự tan rã của khối tình thương. Người ta tập biết khóc, biết buồn, biết nhớ thương người chết. Nhà có tang, không uống rượu thịt ca hát nói cười, đóng cửa bỏ việc làm ăn ngày đó, ngày kỷ niệm giỗ quảy cũng vậy, họ xúm nhau lại nhắc lịch sử, điều hay của người quá vãng, họ thắp nén hương lòng khen ngợi, cắm nhánh hoa chào mừng, tặng cho nhau quả tốt của việc làm. Ngày giờ ấy, họ hiệp khối lại những tâm hồn thân mật. Đến bữa ăn, họ kỉnh trước rồi ăn sau, có chi ăn nấy vì họ ăn mà kỉnh, chớ không phải mượn cớ cúng mà ăn. Bởi phép ăn thì không cúng thí, còn cúng thí thì chẳng tự ăn vậy. Ngày xưa tang gia không đãi khách, và khách thì chẳng bao giờ dám ăn uống phiền nhọc thêm cho kẻ tang gia, là người đã đang bị tai nạn khổ sở.

Sự cưới gả hồi xưa là kế mỹ nhân, kẻ ác có vợ con thì sẽ hiền lương, thương một người là để thương yêu lần tất cả, cưới gả là sự kết giao trăm họ, buộc chặt lòng nhân, để lập gia đình, xã hội sống chung thế giới, hôn nhơn là phép cầu hòa ngăn giặc, hôn nhân là nhân đạo lòng nhơn không sát hại, chồng vợ phải tuổi bằng nhau, trao đổi cùng nhau sợi dây dẻo dai với cây cao cứng, để một chồng một vợ, có kỷ luật ngăn phân, không cho sự tuôn rào lướt bụi, đối với lớp nhân người mới tạo.

Có quan hôn tang tế mới có phân biệt được người thú vì thú người mang thân giống nhau chung lộn. Cho nên việc quan hôn tang tế là rất chơn chánh, có lý nghĩa hay cao, mới lập thành nhân đạo. Kìa như bậc Trời Phật hay như kẻ tu xuất gia, người ta đã qua khỏi nhân đạo rồi đâu còn làm chi những việc ấy nữa. Người ta cũng đâu có giữ cúng ông bà nhân loại, hay lạy bái chi đâu, thế mới biết rằng: được lành sáng như Trời Phật, mới là vui sướng, còn mình còn tội lỗi ở nhân đạo, cực nhọc quá, mà nếu việc làm thiếu sót thả trôi, là tức thì tai nạn, vì cõi người là cõi dẫy đầy tội lỗi tai nạn, kẻ làm người như bị trận mắc giữa đám giặc vậy. Có rảnh khỏe gì đâu, mà chúng ta ham ở mãi.

IX.- TỤC MỞ CỬA MẢ

Còn như tục mở cửa mả sau ngày chôn ba bữa, việc ấy có bởi nơi người quyến thuộc, ở xa đi đến đưa chôn, sau khi chôn xong, thì còn ở lại một hai ngày, để dọn dẹp cất trả đồ đạc, và cảm tạ người khách điếu. Ngày thứ ba trước khi đi về nhà ở xa tỉnh khác, họ đến viếng mã từ giã lần sau. Kẻ con cháu vì nhớ thương người tử biệt, và một khi đi, lâu ngày trở lại nên họ khóc than thảm thiết. Họ nhắc kể công lao từ ái trưởng dưỡng thân mẹ ốm gầy, hôm nay mẹ đi con ở, như gà con chiu chít lạc mẹ bơ vơ, họ khấn vái hồn linh, họ cầm cây mía lau, buộc dắt con gà đi cùng bốn phía như thân ốm gầy của mẹ bấy lâu dắt dẫn con khờ, mà hôm nay là mẹ ở lại chôn đây, còn con thì cắt đứt tình nghĩa mà đi lạc loài nơi khác, cũng như sự trồng cây mía dưới chân mộ và thả cho gà con chạy lạc, họ khấn vái linh hồn ở dưới huỳnh tuyền đâu đó được nhẹ bước thang mây, để cho có ngày gặp lại, họ lấy dây mây mà làm cây thang, để ở dưới chân mồ, rồi sau đó họ giã từ lần chót, mà ai đi về xứ nấy! Ở xứ ta hay làm những việc theo tục lệ.

X.- GIÁC NGỘ

Đời này người ta bày ra cái nhà giàn là ý nghĩa long xa của vua ngự, xưa bên Tàu, vua thì đi long xa, quan thì đi phụng tán, dân thì đi kiệu ngựa. Khi quan chết đi, vua ân tặng cho quan lần chót đem xác đi chôn bằng long xa giả. Chỉ có một lần như vậy, chớ quan còn sống mà đi long xa là bị chết chém. Đời sau người ta muốn bày đủ các thứ sang trọng tốn hao, nhà giàn là sự giàn giá lập ra giàn trò nhà giả, để che mưa. Người ta lại thay cho tiếng nhà vàng, là sự đúc nhà vàng cưới vợ, hay cất nhà vàng nuôi cha mẹ, lúc sống không được toại nguyện thì khi chết họ làm cho thỏa mãn, bằng sự sơn phết màu vàng, cho là sang trọng.

Kìa như sự cúng vía, thay cho nhắc kỷ niệm lịch sử giáo lý gương lành, người ta chỉ lo cầu vái lấy lệ mà thôi; cũng như lời dạy khéo cho kẻ mới sanh ra, trùng ngày giờ của vị Phật Thánh nào, trong kinh sách, người ta khuyến khích, nói kẻ ấy là đệ tử, hay con của vị ấy, tức là phải noi y theo gương lành, nết tốt, tài đức của vị ấy mà sống đời. Người ta ví kẻ tài danh trí giỏi đem sự ích lợi nêu gương sáng cho đời soi học, là những ngôi sao, và tên của ngôi sao ấy, là do đức hạnh của vị ấy, cõi đời vô minh dốt nát mê muội như đêm hôm, thì những ngôi sao ấy, là các bậc danh nhơn tên tuổi tiếng tăm lành sáng… chớ không phải là đốm sáng trên không trung kia.

Cõi trời cõi đất, là bậc trí, bậc mê, chớ không phải ở đâu cả. Tên của Phật, Tiên, Thần, Thánh là pháp lý, chỉ nói làm người chớ không hay có thật. Bằng người nào mà có đức hạnh đó tức là có được tên đó, ai ai cũng được y nhau. Như vậy thì đời là trường học, ngoài vạn vật ra là chúng sanh, cách sống của chúng sanh đối với vạn vật, là pháp lý, sự học. Vậy thì chúng ta phải học, nếu không học hỏi việc xưa nay, nhắm mắt đi theo người làm mà không biết, thì có hại, đã chán nản mà lại bị chúng chê cười. Nhất là người tu Phật phải còn giác ngộ chánh kiến. Muốn có chánh kiến, thì phải khai vẹt sự tầm sát của trí huệ ra, mà nhìn xem khắp cùng thiên hạ, nhờ vậy mới không còn lầm lạc. Người tu phải biết phân biệt lựa chọn việc ích lợi mà làm, chớ đừng xu hướng, bắt chước. Một xứ nào được như vậy, thì miếng đất ấy sạch sẽ quá, cũng như được ở dưới ánh sáng của mặt nhựt giữa ban ngày.

Tóm lại, bổn ý của bài này là khuyên can sự giết vật giỗ quảy, cúng kiến, tế nạp, vì là việc làm ác mà cầu thiện là sái phép. Chỉ vì người ta muốn ăn thịt, mà đốc xúi, đổ lỗi, cho người chết thêm tội thật là bất hiếu, bởi nào có ai cúng thí, mà bỏ cho luôn không có ăn đâu, như vậy là mình thèm ăn, chớ sao lại nói cúng. Công lý nhơn quả, quả báo, ấy là sự giặc giã trong đời, và cái gương ác hại ấy, để cho con cháu giết hại lại, thật là tội lỗi cho người thế gian hay tìm tai nạn.

Trong đời mà dứt được lẽ ấy, thì không còn việc chi đáng mừng hơn cho nhân loại. Và như thế nghĩa là sự giết người, giết thú, để cầu cho mình trường thọ sống dai, là phi lý. Phải vậy thì chúng ta chớ khá giết hại, vì giết người là xúi người giết mình, tức là mình giết mình (tự vận), mà không lẽ mình lại đi tự vận không muốn sống? Và nên phải biết rằng: việc làm của ta chỉ có hai tay, chớ kẻ kia thù oán, và nuôi những người khác chứng kiến, trả lại, là có đến muôn ngàn cánh tay khác. Trong đời không có chi là khuất lấp được; nếu được mỗi người trong đời đều biết như vậy là không còn nỗi vui mừng nào cho chúng ta hơn nữa.

Vậy chúng ta nên nhớ rằng: Vì ăn mới cúng chớ không phải vì cúng mà ăn. Nghĩa là vì lòng nhắc nhở, mình đang có món ăn chi, thì cúng nấy, chớ không nên tìm món cúng để mà ăn.

Và tốt hơn là ngày cúng tế, chúng ta hãy thành tâm yên lặng đủ, hoặc nhắc nhở lịch sử, hay rộn lắm hãy là nhang bông đèn, cũng sự sạch sẽ lắm rồi. Vì lòng nhắc nhở noi gương dễ dạy, là linh hồn no mập, chớ đâu có ăn uống chi được. Còn như sự thờ cúng thì thờ cốt tượng đâu bằng thờ kinh sách học hành, dầu thờ kinh sách cũng chẳng bằng thờ ông thầy dạy đạo cho mình hiện tại đang sống. Nhưng thờ ông thầy kia sao bằng thờ bản tâm của mình trong sạch.

Bởi cung kính là để vâng lời, vâng lời là để thật hành, thật hành là kết quả, quả ấy là bản tâm.

Vậy nên chúng ta phải thờ cúng lễ bái bản tâm là điều cần trước hơn hết.