CHƠN LÝ KHẤT SĨ- KHỔ VÀ VUI - QUYỂN 59 - TS. MINH ĐĂNG QUANG - MP3 và Ebook

  1. CHƠN LÝ KHẤT SĨ- KHỔ VÀ VUI - QUYỂN 59 - TS. MINH ĐĂNG QUANG

KHỔ VÀ VUI - QUYỂN 59

Thuở xưa có bốn vị Tỳ khưu, ngồi bàn luận với nhau về sự khổ ở thế gian.

Thầy thứ nhất thì nói rằng sự dâm dục là khổ hơn hết; thầy thứ nhì lại cho sự đói khát là khổ hơn hết; thầy thứ ba thì nói sự giận hờn là khổ hơn hết; thầy thứ tư thì nói sự sợ hãi là khổ hơn hết.

Bốn thầy cứ cãi lẫn nhau hoài, ai cũng cãi rằng: ý mình là phải cả. Trong lúc ấy gặp Phật đi ngang qua, Phật thấy bốn thầy cãi nhau. Phật bèn hỏi rằng: Các ngươi bàn luận về việc gì đó?

Bốn thầy Tỳ khưu đều bày tỏ tư tưởng của mình cho Phật biết.

Phật bèn dạy rằng: Các ngươi luận cũng phải cả, song các ngươi chỉ biết những ngọn ngành, chớ chưa hiểu rõ cội rễ của sự khổ; trong thế gian không cái khổ nào hơn cái sắc thân, vì có thân nên bao nhiêu những sự đói khát, nóng lạnh, hờn giận, sắc dục, tai họa đều do nơi đó mà sanh ra, nếu không có thân thì đâu có mấy món khổ đó. Thân là gốc khổ, và nguồn tai họa; trăm sự khổ, ngàn sự phiền đều chứa vào cái thân. Nếu muốn tránh khỏi mọi sự khổ báo trong thế gian, thì phải tu tập theo pháp tịch diệt, vô úy, quyết chí đoạn trừ mọi cái duyên do, trong lòng gìn giữ mọi mối chánh đạo chớ vướng dính cảnh trần, đừng ham nhiễm sự tục, thân tâm thanh tịnh, thì chứng được quả Niết Bàn thật là sung sướng.

Nay ta thuật lại một chuyện quá khứ cho các ngươi nghe: Thuở trước có một vị Tỳ khưu vào trong núi tu hành, có con chim bồ câu, con quạ, con rắn, và con hươu cùng ở với nhau, ban ngày thì đi kiếm ăn, ban đêm thì về nơi đó mà ngủ. Có một đêm bốn con thú ấy hỏi nhau những sự khổ trong thế gian, con chim bồ câu bắt đầu nói rằng: “Sự dâm dục là khổ thứ nhất, vì lòng dâm dục nồng nàn, thì nó khiến cho mơ tưởng những sự bậy bạ, không nghĩ đến những sự phải trái, chỉ ham mãi về sự tình ái, sắc dục, làm cho phải hư thân mất mạng”.

Con quạ nói rằng: “Sự đói khát là khổ thứ nhất, vì nếu gặp lúc đói khát thì thân thể gầy mòn, thần thức mê mệt, gieo mình vào lưới rập, thì thân mạng tan tành”

Con rắn lại nói rằng: “Sự hờn giận là khổ thứ nhất, vì nếu lòng ấy khởi lên thì bất luận là hạng thân sơ, đều làm cho phải thiệt hại, mà rồi lại làm cho khốn khổ cả thân mình nữa”. Còn con hươu nói theo ý nó, thì sự sợ hãi là khổ hơn hết, vì nó thường sợ bọn săn bắn cùng loài hùm sói, nếu nghe tiếng tăm của loài ấy la hét, thì nó phải chạy trốn, không kể nổi nhảy suối vượt hầm, gãy chơn lở móng. Ông Tỳ kheo nghe bốn con thú ấy bàn luận như vậy, thì than rằng: “Trong thiên hạ chỉ có cái thân là khổ thứ nhất”.

Và như khi xưa Phật ở nhà tịnh xá tại nước Xá Vệ có bốn vị Tỳ khưu mới nhập đạo, dạo chơi xung quanh gốc cây, khi trông thấy cành lá sum suê, hoa màu tươi tốt, sắc đã đẹp, mùi lại thơm, thì hỏi nhau rằng: “Tất cả mọi sự trong thế gian cái gì là sướng hơn cả?”.

Thầy Tỳ khưu thứ nhất nói rằng: “Cảnh trời phong quang, mưa gió điều hòa, cây cỏ tốt tươi, trăm hoa đua nở, muôn vật thỏa lòng, cảnh trí thiên nhiên, ấy là sự vui sướng thứ nhất”.

Thầy Tỳ khưu thứ nhì nói rằng: “Gặp ngày lành tốt bà con hội họp, tiệc mở trong hoa, chén say dưới nguyệt, khúc đàn thảnh thót, điệu hát êm đềm, ấy là sự vui sướng nhất”.

Thầy Tỳ khưu thứ ba lại nói rằng: “Ruộng nhiều đất rộng, nhà đẹp lầu cao, châu báo đầy rương, ngựa xe như nước, miếng ăn đủ món, sơn hào hải vị, đồ mặc có đủ thứ gấm vóc lụa là, mặc sức tiêu dùng muốn gì được nấy, cái bộ dạng của người giàu sang, coi có nhiều phần khác người thường nhiều lắm, khi đi ra ngoài thì cả ngàn con mắt đều trông nom ngó vào, và đi đến đâu, thì người ta cũng sẵn lòng hoan nghênh cả, ấy là sự sướng nhất”.

Thầy Tỳ khưu thứ tư thì nói rằng: “Vợ hầu xinh đẹp, mắt phượng mày ngài, da tuyết tóc mây, môi son má phấn, xông hương ướp xạ, áo lượt quần là, khi cười cợt trăng, lúc trêu ghẹo bướm, trong lòng ôn nhu, thỏa tình thích ý, ấy là sự sướng nhất”.

Phật biết rằng bốn vị Tỳ khưu ấy còn muốn những sự dật lạc trong đời, nên Ngài đi đến mà bảo rằng: “Những sự vui mà các ngươi mới bàn luận đó, đều là cái nghiệp xấu xa, nó làm cho thân tâm phải chịu những sự nguy hiểm ưu phiền, từ xưa đến nay, chưa phải là đạo an lạc đâu. Nay ta giảng cho các ngươi nghe: Cảnh vật tuy là tươi tốt, mà khi sanh khi diệt vốn thật là vô thường; kẻ thân thuộc vẫn đoàn viên, mà rày hiệp mai tan cũng phải ly biệt, sự giàu sang có chắc chi đâu, thấy có đó rồi lại cũng không, thấm thoát tựa đám mây tan hợp; còn cái sắc đẹp thật là nguy hiểm, nó làm cho hư thân hại mạng, gớm ghê như con rắn độc, do sự vui thích mà sanh ra sự buồn rầu, do sự  tham lam mà sanh ra sự phiền não, hễ xa điều dục lạc, thì khỏi sự ưu phiền. Kẻ phàm phu ở trong thế gian này, do mọi sự nói trên ấy mà cam chịu mọi sự tai nạn khốn khổ vô cùng đó”. Bốn vị Tỳ khưu nghe Phật giảng nói rõ ràng như vậy, đều xin sám hối lỗi mình, chẳng tham muốn sự dục lạc nữa, dốc lòng học đạo quyết chí tu hành, lần lần trí huệ mở mang, căn thân thanh tịnh, sau đều chứng qủa A-la-hán cả.

Quả A-la-hán là quả vô sanh, tâm không còn sanh vọng, là bậc đã giải thoát tự do, từ bi bác ái, và bình đẳng giác ngộ.

A-la-hán là bậc mà không còn sự vui khổ của bên ngoài trần thế, là bậc mà tâm sống với cái thật, cái không vọng động, vô vi của bề trong. Cái sống ấy mới thật gọi là bền vui và có được.

Ấy vậy chúng sanh chấp lầm vui khổ bên ngoài, là bởi hiểu lầm cái thân, cho thân là ta, hay như của ta, thường bền vĩnh viễn. Mà nào có hay đâu rằng: thân là miếng đất tạm, thân là ổ vi trùng tạm, thân là cái máy tạm, nó như bộ áo, cái nhà bề ngoài để che đậy tạm, cho người chủ ở bên trong đang tu học, đang sống có.

Bởi chấp thân, tưởng lầm thân, là có mãi, sống mãi nên mới quên lẽ vô thường tương đối, của bánh xe giả dối tứ đại, mà nhận cho là có vui, để rồi phải khổ, khiến cho cái thân như kho tàng chứa đựng cái của cải khổ vui chen lộn, đời này và kiếp khác thay đổi mãi, luân hồi hoài, chỉ có bấy nhiêu việc, không rồi rảnh nghỉ yên, ấy cũng bởi nơi cái vô minh si mê làm cho ám muội.

Vậy muốn dứt trừ vô thường khổ não vô ngã của hữu vi giả dối, thì chúng ta phải dứt sở chấp thân, hễ không thân tức là vô vi chân thật, ấy mới sẽ đắc cái hữu thường, an lạc hữu ngã được. Và từ cảnh ấy mới nhận ra được cái chơn như, cái vô sanh, cái tự nhiên, là cái sướng vui chơn thật của bậc A-la-hán.

Như thế nghĩa là: trước nhứt hãy lấy cái vô thường trừ vô thường, lấy khổ não trừ khổ não, lấy vô ngã trừ vô ngã, thì mới phát sanh cái hữu thường, an lạc và hữu ngã. Cũng như người té xuống nước phải lấy nước lội vào bờ, té xuống đất phải chỏi đất đứng dậy, có bệnh vi trùng lấy vi trùng chữa trị, phương pháp lấy chấp trừ chấp, để phát sanh vô chấp là như thế. Vì có vô chấp mơí phải là bậc A-la-hán vô lậu vô vi chơn như, là cái thật sống, cái chủ tể, chơn thường cực lạc, của kết quả, của mục đích, của đạo lý chơn lý sanh từ trong tứ đại, vượt qua khỏi tứ đại, đúng nghĩa lý, ý nghĩa của cuộc đời, là cái sống của tu học, để mà tu học, làm người tu học, “vì cái biết là học, cái khổ là tu, cái sống là sống mãi”.

Vấn:   Sao gọi là lấy vô thường trừ vô thường?

Đáp: Lấy vô thường trừ vô thường, nghĩa là: Chấp cái thay đổi, thật hành cái thay đổi, quen với sự thay đổi, thì khi gặp cái thay đổi, đổi dời, sẽ coi là sự thường tự nhiên, không kinh ngạc hoảng hốt chi cả. Cũng như người muốn chết, mạo hiểm tìm chết, thì khi gặp cái chết sẽ coi là thường vậy. Cũng giống như kẻ kia biết rằng: Đời này và kiếp khác, xác thân phải thay đổi, nay mai xác thân phải khác nhau, cha mẹ, anh em con cháu phải đổi đời, nhà cửa, áo quần, ruộng đất, phải thay biến, bởi biết lẽ đời như thế nên người thấy ra chơn lý: là sống để học tu thay đổi, tiến tới giải thoát bình đẳng, từ bi, sống chung, người thay đổi trước sự thay đổi bất ngờ kinh ngạc, là như mỗi tháng người đổi một ông cha để mà tu học, vừa là đúng theo lẽ sống chung bình đẳng, giải thoát, tiến hóa, từ bi, vừa là để có được mãi mãi cái tiếng cha, không phải bị mất đi do sự thay đổi, bởi lẽ nếu chấp nuôi một ông cha tư vị, thì có ngày ông cha ấy chết đi, là không còn có được, mà lại còn thêm gây tai nạn, bởi cha ta cha người tranh nhau mãi mãi.

Cũng như mỗi tháng đổi một người bạn để học tu, mỗi tháng đổi một đứa con để tập dạy, có như thế mới mau trở nên toàn năng toàn giác, trọn sáng trọn lành, trong kiếp một tiến tới hơn người. Kìa như mỗi tháng ta đổi một ngôi nhà qua một xứ khác, trọn đời chỉ cất tạo có một lần thôi, mỗi ngày ta đổi một bộ áo chăn, trọn đời ta chỉ may một bộ một thôi, thế là cái hư rách sẽ bỏ theo với người chết, cái mới thêm sẽ có ra nơi người mới sanh, ta thật hành như thế, thì tham sân si không bao giờ có được, và là thuận xuôi theo lẽ không không dời đổi mà ta sẽ coi đó là sự thường, ta thay đổi trước sự thay đổi bất ngờ kinh ngạc, thì đâu có chi khổ sở của luyến ái vọng tham tai nạn. Đó tức là cái thường ở nơi vô thường, như người tu xuất gia trải qua một giấc ngủ, hay một hơi thở ra, là xem mình như đã chết qua một kiếp, mỗi khi thức giấc hay mỗi hơi thở vào, là xem mình như mới sanh lại mỗi kiếp, nhờ thế nên trong tâm của các Ngài mới thanh tịnh, dứt trừ tam nghiệp được. Ấy là phép lấy vô thường trừ vô thường, khác nào người kia hóa gió bay mau hơn gió, thì đâu còn bị gió xô té ngả. Bởi đó nên các nhà hiền triết mới gọi rằng: Vô thường ấy là đạo.

Vấn:  Sao gọi lấy vô ngã trừ vô ngã?

Đáp: Lấy vô ngã trừ vô ngã, nghĩa là: Có quên mình và của mình, mà biết cho người và của người, thì người mới sẽ biết lại cho mình và của mình, do đó mà tránh được cái tai hại thất bại bởi lòng vị kỷ. Việc ấy giống như một kẻ kia, muốn mình được hơn trên người, tham lam vơ vét của người, để cho được giàu sang, dùng oai quyền dọa nạt người, để cho người sợ sệt mình, do đó gây thù hiềm với thiên hạ, để phải bị người hại thân và phá của, không còn có cái ta, và của ta nữa, chớ chi mà người ấy đừng vị kỷ, biết xá kỷ lợi nhân, biết quên mình của mình đem ra bố thí và giúp công cho người, để nuôi tạo lòng nhơn ái, để sống trên lòng thương của thiên hạ, có như thế thiên hạ mới sẽ nuôi cơm cho mình, mình tránh được sự bận rộn. Nhờ tâm của mình càng trau giồi tốt đẹp, nên ý muốn lời nói việc làm không sái quấy, thì của cải và thiên hạ, ai mà chẳng giúp nương theo mình. Như thế tức là mình sẽ giàu, giàu như cả thế giới, của cải là của mình, nên không màng tích trữ như người nghèo. Cái ta mình sẽ có, sẽ cao là bởi người ta gìn giữ cho mình, quý trọng thương yêu mình, như vậy mới gọi là: Có ta mình hữu ngã. Tránh được cái vô ngã của tai nạn, và không khổ sở bởi những cái bất ngờ của chết, thất bại, cái nghèo, cái không kia vậy. Điều ấy có khác hơn là hai hạng người trong đời, một hạng tự cao xài phí buông lung để cho ngày sau tai nạn, và một hạng nữa tích trữ tiện tặn của cải, cùng hạ mình thái quá để đặng ngày mai phá phách ăn xài, cho quen tật chướng để rồi khi hết của, phải chịu khổ đau, cùng sanh ác tâm gian xảo. Lấy vô ngã trừ vô ngã thật là đúng lý lắm. Kìa như người tu kẻ trí xem mình như hư vô chơn thật, vì biết rằng: cái ta, cái thân tâm trí là duyên pháp dối tạm, thế nên các vị ấy hằng nhập định được để mà thoát trần, để sống bằng chơn như vĩnh viễn, vừa là để lìa xa phiền não, và cũng là để thấy đặng cái ta chơn thật! Chính ở trong cái tâm không, không sở chấp, trong ấy mới thấy rõ cái bản tánh, là cái ta chơn thật.

Vấn:  Sao gọi lấy khổ não trừ khổ não?

Đáp: Lấy khổ não trừ khổ não, cũng như chai nước đầy rồi, thì không còn chế thêm nước vào nữa được; cũng như kẻ phơi nắng tối ngày đã quen, mà ngày nay chịu nắng có một giờ, thì không khổ não chi cả. Cũng như người trong cơn khổ não, mà nghĩ rằng: có khổ não mới có nghỉ ngơi, khổ não là mùi vị sướng vui, là giác ngộ kinh nghiệm, khổ não là nhẹ tội bớt nghiệp, như được trả nợ, như sự cho vay, bởi nghĩ thế nên người rất vui sướng bằng công lý, người vui chịu với mọi khổ não và muốn khổ não mãi, nên người xem như không có khổ não là chi cả. Cũng giống như ngưòi tu, không dám ăn đồ ngon, mặc đồ tốt, ở chổ sang, là bởi sợ ăn quen nhịn chẳng quen, tốt quen xấu chẳng quen, sang quen hèn chẳng quen, ắt là khổ não và sanh tội lỗi. Bởi thế nên các Ngài vui mà chiụ buồn cảnh vắng, xa lánh chỗ đông, các Ngài sợ cho ngày mai sau khi chết, tâm hồn sẽ ở vào cảnh thật không không, vắng lặng tối đen tự nhiên, nếu chịu không quen là phải khổ địa ngục, hoặc ý nghiệp sẽ lôi kéo luân hồi tai nạn. Bởi các Ngài muốn giải thoát, muốn nghỉ yên, nên các Ngài tập buồn im, tập khổ cực, và như khi đã quen rồi là sẽ thấy mình vui sướng, vui sướng trong cái thật, cảnh thật, vĩnh viển thanh cao trong sạch, cái ấy mới thật vui kêu là Cực Lạc vậy. Người tu không dám hưởng phước là như thế. Các Ngài nhường và bố thí lại cho chúng sanh, để cho thêm đức, các Ngài cho rằng: có hưởng là sẽ có hết, chi bằng chịu tội cực mãi là yên ổn vững chắc lâu dài. Cho đến các Ngài cũng chẳng chịu ngồi cao, các Ngài rất thấy xa dè dặt nhờ thế nên mới đắc được Niết Bàn Cực Lạc của trí tâm tịnh định. Đúng lý như thế, nguồn gốc của sự ưa vui bên ngoài là sự khổ bề trong và không bền tương đối, càng cố chấp là càng tai họa, chớ có ích gì đâu! Cái món phô bày như bông hoa đẹp, bởi hoa trổ đẹp nên mới phải sắp tàn, và nào riêng ta ngó thấy, mà kẻ khác ai lại không thấy như ta, thì có đâu ta giữ được cái vui cho mình. Vậy sao chúng ta chẳng chịu nhìn vào cái đẹp kín đáo bên trong, của bông hoa búp ẩn lâu dài, vì chính cái đẹp vui không không của bên trong cái vỏ xấu xí khổ cực, cái ấy mới thật làø vui đẹp, cái vui đẹp, mà ta hưởng riêng được, bởi không ai giành choán chi nơi ai cả vậy.

Như thế tức là lấy khổ não trừ khổ não mà sanh ra được cái vui đó.

Thế thì vui và khổ có ra là tại nơi ý muốn sở chấp của con người thôi, chớ vui khổ bên ngoài là không có. Kìa như lúc ta thương ai, là ta dám hy sinh liều mạng, cực khổ mà vui lòng, còn khi ta ghét ai, thì việc nhỏ nhặt chi cũng cho là khổ não; thế là cái khổ vui của ý chớ chẳng phải tại thân, vậy sao chúng ta lại đi tìm vui sướng của thân chi cho thêm khổ nhọc, để phải muôn kiếp ngàn đời khổ não mãi. Con người mà khổ não, là bởi tại cái ý sở chấp riêng tư, bất công tội lỗi. Vậy nên chúng ta muốn cho được ý định công bằng, sướng vui chơn thật, tự nhiên không vọng, là trước phải dứt bỏ sự ham vui bên ngoài, hãy vui chịu với điều khổ nhọc cho quen, thì sau đó trí tâm mới sẽ định yên trong sạch, thì ngàn đời muôn kiếp cái khổ của sanh già bịnh chết, cầu muốn, thương yêu, ghét giận, nơi ngũ uẩn mới sẽ mong dứt được.

NÓI TÓM LẠI: Cái khổ vui vốn không chơn lý, nó không có với trung đạo tự nhiên, chính nó là sự thái quá và bất cập, sái với lẽ bình thường, khác nào như người trèo núi ham vui đi quá mau nên phải bị vấp té khổ đau, cái khổ đau là sự ngưng nghỉ, nghỉ khỏe, an dưỡng, để hết mệt đặng mà đi nữa, cái khổ ấy rất hay, rất vui sướng, khi mình biết mình được yên nghỉ. Vậy nên kẻ trí thức nhận ra rằng: không có chi là khổ cả, cũng như cái đi mau thái quá kia là cực nhọc, chớ không có chi là sướng vui cả, vui khổ ấy là giác ngộ cho chúng ta về lẽ trung đạo, bình thường, chậm rãi đi hoài mới thật yên vui hơn vậy. Thế mà trong đời lắm người say mê cái vui bên ngoài, để rồi phải chấp khổ, người ta lại sợ cái khổ hơn cả cái chết, vì chết thì còn sanh lại, chớ cái khổ thì mãi mãi vẫn ôm đeo luân hồi quẫn lộn. Thế thì cái sở chấp khổ ấy có là bởi tại vô minh, chớ trí huệ thì thường an vui mãi mãi, vì nó là công lý tương đối của thái quá bất cập chớ không có chi lạ, vậy nên biết rằng:

Dứt trí say mê thì vui khổ sẽ hết.

Ấy mới gọi là Phật.”