CHƠN LÝ KHẤT SĨ- CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC - QUYỂN 09 - TS. MINH ĐĂNG QUANG - MP3 và Ebook

  1. CHƠN LÝ KHẤT SĨ- CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC - QUYỂN 09 - TS. MINH ĐĂNG QUANG

CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC - QUYỂN 09

CHÁNH nghĩa là PHẢI!

CHƠN nghĩa là THẬT không giả dối!

ĐẲNG nghĩa là thứ bực, thứ tự, bè phe, bằng nhau!

GIÁC nghĩa là tỉnh, biết, cáo phát ra, ngủ dậy!

CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC: là bậc thật phải công bình sáng suốt.

Con đường chánh đẳng chánh giác, sẽ đưa người đến kết quả yên vui, người đắc đạo quả ấy kêu là Phật. Tất cả các chi nhánh giáo lý tông môn trong thế gian, đều thảy qui về có một con đường cái đó. Chánh đẳng chánh giác là mục đích, chỗ đến của tất cả chúng sanh, không còn nẽo nào trên nữa, nên gọi là VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC. Ai mà để các sự lo lắng, nghĩ ngợi vào lẽ ấy, gọi là phát tâm VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC.

Vấn: Chánh đẳng chánh giác như thế nào?

Đáp: Chánh đẳng chánh giác, là cha lành của muôn loại, là thầy chung của thế giới, là chúa tể của võ trụ, tức là chơn lý pháp bảo.

Có thật hành Chánh đẳng, mới sanh chánh giác. Và cũng nhờ chánh giác, mới được đến nơi chánh đẳng. Chánh đẳng chánh giác tức là trung đạo Niết-bàn.

Trung đạo là con đường giữa, chánh là giữa, bên là tà, chánh giữa kêu là đường đạo, đường là giữa hai bờ lề hai bên, nên kêu là trung đạo, đạo chánh! cũng như một bên ruộng, một bên bãi, ai ở một bên nào cũng bị lún ngộp dính dơ, mà chỉ có bờ lộ nơi khoảng giữa, mới là chỗ đứng nghỉ yên, bằng thẳng, cao ráo, sạch sẽ, xa dài, do đó sẽ đi về nhà ta được, nên gọi đạo là sự yên vui, cứu khổ cho kẻ ở hai bên bờ lề, mà kêu là đạo chánh đẳng bằng thẳng cao ráo, sạch sẽ xa dài.

Cũng như một bên là núi cao, một bên là hố thấp, một người kia ở trên núi thì sợ ngộp, lâu ngày ắt té sa xuống hố, bằng ở dưới hố thì chết đói lạnh, nhưng nếu người ấy kiếm được một khoảng đất bằng để ở, thì yên vui sống đẹp biết bao nhiêu, vậy nên gọi đất bằng khoảng giữa, không cao thấp là chỗ cứu khổ chết lâu dài, mà kêu là con đường chánh đẳng trung đạo.

Cũng như một cái trái ở trên cây cao, vì lớn to sứt cuống, rụng, lún sâu ngộp dưới sình lầy, nhưng nhờ gặp được nước lớn, nổi phình trồi lên, và lần hồi trôi vào mé, tấp lên bờ, mọc sanh cây, trổ trái sống đời chuyền nẩy. Nên gọi mặt nước bằng thẳng, khoảng giữa trên cây cao và dưới lầy thấp, là con đường sống yên vui cứu khổ chết của trái kia, kêu là đạo chánh đẳng trung bình, đứng vững.

Cũng như trên mặt non thì cao chớn chở, mà lại càng cao, nơi thành thị đã thấp, mà lại càng lún thấp, kẻ ở trên non thì dư tinh thần mà thiếu vật chất, còn người tại thành thị thì dư vật chất lại thiếu tinh thần, cho nên hai hạng đều chết hết, chỉ có kẻ sớm bước lên vườn rừng hoặc mau bước xuống vườn rừng, để ở yên nơi đó khoảng giữa, rộng đường lui tới, đã dễ lại gần, thong thả mà sống cả thân tâm, tinh thần vật chất không dư không thiếu, không thái quá không bất cập, không phiền não lo âu, sợ sệt bối rối mới được yên quí, kêu là trung đạo Chánh đẳng của bậc giác ngộ, lẽ chánh giữa dung hòa, yên vui vắng lặng.

Cũng như kẻ ác xem mình ở trên mây, xưng trời tự ý, mục hạ vô nhơn, dưới mắt không người, có ngày mây tan, đoàn rã, mất thế lực té xuống, bị chết tan xương. Còn người thiện như con sùng chun sâu trong đống rác, như con trùng rút lủi dưới đất sâu, một khi bị mưa già nước ngập, cùng là voi đạp, hay bị cuốc đào, thì thân hình đứt đoạn, uổng mạng chết oan, sao cho bằng không thiện, không ác, không cao, không thấp, không nhỏ, không to, làm người vững vàng nơi mặt đất, chẳng là được tự do sống vững, bởi lìa thiện ác, không ở bên nào, tức là chánh giữa trung đạo, chánh đẳng chánh giác của người trí huệ, nên mới được yên vui.

Cũng như người đi xe máy, ngó ngay đường chánh giữa trước mắt, thì chạy lẹ buông tay, cũng không sợ té, nhược bằng dòm qua bên kia bên nọ, thì phải lủi sụp leo lề, sa nhào dưới nước, gãy xe lọi cẳng, không chết cũng là may. Ấy vậy không bỏ hai bên lề, mà mình thì đi theo chánh giữa, mới gọi là đạo của mình.

Cũng như trẻ nhỏ thì xác thân, vật chất, sức lực dại khờ, nên nhiều khi tai nạn. Còn người lớn thì lý trí, tinh thần, mưu hay, khôn quỉ, nên lắm lúc khổn nguy. Sao cho bằng ông già, già kinh nghiệm trí huệ từ bi, trang nghiêm đằm thắm, êm ái nhẹ nhàng, khoan thai chậm rãi, thong thả rảnh rang, mà lại được giải thoát tự do, an nhàn khoái lạc, nghỉ ngơi khỏe khoắn, và rồi sẽ đi du lịch sang qua xứ khác, khắp cõi ta bà, không đâu trở ngại, cũng chẳng ghét thương, sống chung tất cả, không lớn nhỏ, chẳng hơn thua, trong tâm bằng thẳng, không khiêm nhượng, chẳng tự cao, đi xin ăn, không thiện ác, không vua quan giàu sang cũng chẳng tội dân nghèo khó, chẳng giai cấp phái môn, không chia rẽ chủ nghĩa gia đình xã hội, không tự lập mình, cũng chẳng giúp ai, mực giữa của tất cả chúng sanh, hạnh phúc sẽ trên người cùng tột, mà được người thì tiếp rước, kẻ lại thỉnh cầu, như Phật Thích-ca Mâu-ni Như Lai, thì còn ai hơn nữa, nên gọi là Vô thượng Chánh đẳng chánh giác, trung đạo, mới là ta, là đáng tôn trọng hơn hết. Ai mà hành vi, giáo lý, tâm niệm như vậy, thì đắc quả thành đạo, gọi là Phật, Niết-bàn.

Cũng như kẻ ác đi trên trời đói khát, mà té chết; người thiện đứng trên ngọn cây có ăn, thì rớt gãy tay chân; người huệ ngồi gốc cây, bị cảm gió; kẻ chơn như nằm nghỉ, nơi chỗ kín mới yên thân; còn ma đói thì thả rong đi kiếm phẩn; kẻ địa ngục đang bị hành hà; loài súc vật thì đang cắn lộn. Trong bảy hạng chỉ có kẻ chơn như nơi chánh giữa, nhờ giác ngộ thấy rõ sáu đường kia và nơi khoảng giữa, mới nằm nghỉ nơi chỗ phẳng bằng, nên được tự nhiên vắng lặng, tịch tịnh chơn như, yên vui sống mãi, nên gọi là trung đạo chánh đẳng chánh giác, đã vô thượng mà lại trường sanh cực lạc, an dưỡng lâu đời, hơi thở điều hòa, không hay dỡ mau chậm, mới gọi là chơn chánh đạo.

Trung đạo chánh đẳng, chánh giác, cũng như sự sống của trái tim điều hòa, không mau chậm, như hơi thở, có ra vào, như chiếc xe có máy chạy đằm đằm, là sự không thái quá bất cập của tương đối.

Trung đạo, không bỏ bên này, mà không lấy bên kia, cũng không lấy hết, cũng không bỏ hết, trung đạo là chỉ giữ thường nơi mực giữa, như chiếc xe hơi chạy, có qua một chút, có lại một chút, chỉ giữ mực giữa mà đi, thì mới được bền dài, thẳng tới khỏi sụp lề.

Chánh đẳng chánh giác cũng là tự nhiên chơn như, không vọng động rối loạn, bởi sự chánh đẳng là từ bi, sống chung, hòa hiệp, và chánh giác là trí huệ, dứt bỏ điều sái quấy, nên mới được ngủ yên nghỉ khỏe, không điều xao xuyến bận lòng.

Chánh đẳng chánh giác là mặt đất bằng sạch sẽ, mênh mông bao la và sáng rỡ, là chỗ ở của thánh nhơn. Chánh đẳng ví như mặt đất lưu ly, pha lê, vàng, bạc, mà chánh giác là cây Bồ-đề to lớn, giáo lý của chánh giác như cành nhánh, chúng sanh do đó sanh ra, và nương theo như lá trái hột hoa. Gốc chân chánh giác, bao giờ cũng đứng vững mãi mãi trong đời, người mà tìm đạo, gặp đến ắt sẽ nghỉ yên, nương dựa ngồi yên nơi đó, thì chẳng bao lâu sẽ thành đạo, che chở cho muôn loài nhờ cậy, cũng như cây Bồ đề vậy.

Chánh đẳng chánh giác, cũng là giai cấp của giới luật đem lại sự yên vui, để tránh khổ cho người thiện, kẻ ác tập lần trèo lên, hay bước xuống, để dưỡng nhàn ngơi nghỉ, cũng tức là sự thiền định, yên lặng, đứng vững lâu đời. Người phát tâm Chánh đẳng, mới được chung sống khắp nơi, nhờ sự thương yêu tất cả, nên mau được học đầy, giác ngộ; và khi đã giác ngộ rồi, thì không còn sự chen đua vầy khác, của vô thường, mới được dứt khổ, và cái ta đã định.

Đời sống của bậc Chánh đẳng chánh giác trung đạo, thật là vô thượng tối cao, cái cao của người già kinh nghiệm, cái cao không tự đắc, tự tôn, tự đại, tự cao, tự ái, tự kỷ, cái cao không giỏi hay tài sức khôn lanh. Ta có thể nói đó là kẻ mà bao giờ cũng biết mình có hơn người, mà cũng có thua người. Vì vậy mà họ chẫm rãi, khoan thai, trang nghiêm, êm ái, đằm thắm nhẹ nhàng, khéo léo chơn thật, ôn hòa hiền hậu, dịu dàng tốt đẹp, giải thoát tự do, thanh tịnh vắng lặng, đứng vững sống mãi trên đời, và được thành công trong mọi việc, điều chi cũng được như ý, mà khỏi phải lo âu, cố chấp giữ gìn.

Cái sức mạnh của bậc Chánh đẳng chánh giác là không bao giờ khoe khoang hay khiêm nhượng, chẳng muốn hơn ai và chẳng hề sợ ai, nhứt là sự không mê lầm sa ngã, xu hướng theo một lề lối, nẻo quanh co nào. Cho nên khi xưa ma vương không hại Phật nổi, mà Phật thì chẳng bao giờ nỡ hại ma vương, nên được thế tôn là toàn đức. Giáo lý của trung đạo, cốt yếu để đem lại chữ hòa cho tất cả, tức là chơn lý của võ trụ. Cũng như gò đất cao thì chan sớt vào trũng thấp, cao phải thấp bớt, thấp phải đầy lên, để cho được bằng nhau, mới là yên tịnh. Cũng như khóc rồi cười, cười rồi khóc, sống rồi chết, chết rồi sống, khổ rồi vui, vui rồi khổ; vua làm tôi, tôi làm vua, dân làm quan, quan làm dân, nghèo làm giàu, giàu làm nghèo v.v… Sự tương đối ấy là giác ngộ, để mở trí dạy học, cho thấy rõ đạo Chánh đẳng trung đạo là công bằng đứng vững. Chơn lý ấy dạy rõ sự thật trước mắt của chúng ta, nơi chúng sanh, vạn vật và các pháp đang sẵn có trong đời. Cho nên ai ai cũng đều thấy đạo, được học và hiểu biết rằng: Chơn lý tức là công lý, hay là trung đạo Chánh đẳng chánh giác vậy.

Xưa kia nhằm năm đói hạn, gia đình một kẻ nọ sắp chết, nó đi lấy cắp của người dư, để phải cùng nhau đi tới quan; quan xét ra nó là người lương thiện gặp cảnh bần cùng vì mẹ cha chết đói mà sanh ra lòng trộm đạo, nên quan không đành làm tội nó, mà nghĩ rằng: Nó cũng chúng sanh mạng sống như ta, sao lại ta dư nó thiếu, hay là cái dư của người thiếu, tại nó thiếu ta mới dư. Bởi lòng thương mà xét đến sự công bình, nên ông được giác ngộ rằng: Một khối ăn chung trong xã hội, nên phải có cho mỗi thân xác đồng đều, dầu kẻ ngu hay người trí, cũng phải cho được cái sống như nhau bằng thân; kết quả phần thưởng của trí, là sự hay giỏi tốt nên, trí hưởng điều vui sướng; còn sự ngu khờ là phải chịu hư xấu thất bại buồn rầu mà chúng sanh ai nấy tất cả, phải chan sớt cho nhau, hảo tâm cứu giúp cùng nhau. Kẻ dư nên bố thí cho người thiếu, nhiều ít biết thương cho nhau, để tránh khỏi sự giết hại cùng nhau, nếu kẻ trí giành của người ngu, giựt bằng kế mưu khôn khéo, để dư nhiều chôn bỏ, xa xí chơi bời; còn kẻ ngu thì phải thiếu hụt, bởi làm nhiều của ít, mà sanh trộm cướp võ lực tay chơn. Chớ chi đừng ai làm nhiều của ít, hay làm ít của nhiều, mà đời sống là để học, kinh nghiệm, mở trí, đừng ai nỡ để cho ai thiếu kém hơn mình, vì người chết hết, một ta há sống được sao? Và nên biết rằng: ta giành của họ, họ lại giành của ta, mà ta và họ sẽ giết chết nhau, cùng nhau phá mãi, khó thuận hòa. Vì nghĩ vậy mà quan đem tiền của mình ra, bố thí cho bần nhân kẻ khó, từ đó về sau mỗi ngày, làm việc thì chỉ lấy đủ tiền cơm mỗi ngày, không cho dư, cũng y như người dân dã lao lực. Cho đến vợ con quyến thuộc, quan cũng bảo phải tự làm nuôi lấy mỗi ngày, chớ cho dư, hễ dư ra, nên bố thí, ông không cho biếng nhác, mà mười kẻ ở không, bắt một người nuôi, để đặng thả rểu chơi bời, sanh ác tật. Ngài khuyến khích những kẻ giàu sang nên thương người nghèo nàn mà bố thí, khuyên người nghèo khó phải ráng siêng năng lương thiện, muốn tránh chết để được sống, thì đừng có ai thua kém, mà phải tự phát tâm từ bi Chánh đẳng chánh giác trung đạo công bình; nhờ đó mà trong xứ ấy trở nên bình tịnh ấm no, hết cơn nạn khổ, dân chúng như con một nhà, xem quan như cha mẹ, quí báu biết dường nào. Ấy vì quan nọ thấy xa, mà dùng đạo đức, chớ nếu xử lấp người tội, binh vực kẻ có dư, mà không chịu hiểu tâm lý cảnh ngộ, thì là xúi kẻ dư thêm giành giựt, để gây thù oán cho hai đàng; ép bức kẻ khốn cùng, tức là nguyên nhân sanh giặc cướp. Cho hay, kẻ dư thì ai cũng tự kiêu, mà người thiếu ai cũng tật đố, nếu làm quan vì danh lợi, mà không đạo đức, bỏ khinh người thì chết hết, chớ nào yên. Vả lại trong đời, có ai mà không phải là sự ăn cắp, ăn trộm, ăn lén, ăn vụng, ăn thầm, ăn gian, ăn lận, ăn đêm v.v… Những cái ăn ác, ăn thiện, ăn có đạo đức, bằng thân, bằng trí hoặc bằng tâm lẫn nhau… miễn là chúng ta biết thương lại kẻ khó, nếu ta có dư nhiều, như vậy thì ai mà chẳng mến đức phục tùng, theo ta tới chết. Thật vậy, trung đạo Chánh đẳng chánh giác, là pháp giải hòa vô úy về sau, là một nền đức hạnh cao lớn. Thế nên đức Phật dạy rằng: tất cả đều là chúng sanh, chỉ có một tiếng chúng sanh, sống chung hay là chung sống, và sống là để học hành mở trí, cho được yên vui, chớ không sống mãi, mà lo hoài cho xác thịt! Chính câu nói ấy, chỉ rõ mục đích của chúng sanh, là dung hòa trung đạo, từ bi Chánh đẳng, trí huệ chánh giác. Vậy sao đời nay chúng ta chẳng noi y theo, để tôïi gì mà mãi phải khổ vì nhau.

Lại vầy nữa, xưa có người bị mất trộm, đến bạch với một vị sư, cầu xin chỉ bảo kẻ gian manh! Vị sư dạy rằng: nếu là đời trước có vay của người, thì đời nay nên vui mà trả, kẻo để lâu sanh lời nặng. Bằng sự gởi người cất giùm thì ngày sau mình có lời nhiều; hay là sự nhịn nhục, là để răn chừng tâm tham ác, vừa để làm gương cho kẻ khác đừng tham dư, đừng giành giựt, mà mãi bị vay trả. Hoặc như bố thí, nên coi là cái dư của người thiếu, mà tại mình tham quấy khổ nhọc không công, chớ lúc sanh, cùng khi chết, hay mỗi lúc, thân thể có một mình, sao lại mang dư ôm trữ mà làm chi? Ví như người học trò, lìa cha mẹ quá khứ tổ tiên Phật thánh, vào trường đời để học, sao lại trốn học mê chơi, xa thầy, bạn, nhà trường, sách vở mà đi ở lang thang, tạo nhà sắm của, cho lỗi đạo con trò, nào biết ai lấy của đó chăng? Mà đi giẫy giụa, kêu la đòi hỏi. Vả lại chơn lý công bằng, được bây giờ mất về sau, được nơi thân mất nơi tâm, được ngoài mất trong, thì đâu có gì được mất. Ví như mỗi người có một tô cơm như nhau, mà kẻ kia lại giựt giành đất cát, còn để tô cơm của nó lại cho mình, mình được hai, mà nó thì nhịn đói ăn đất, như vậy là phải thương giùm nó, bởi nó được cái tham, sân, si ác độc: địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh khốn khổ lâu đời, còn mình được giác ngộ và đức bố thí, mà được sanh làm Trời Phật. Vậy như nó không trả là tự nó tìm họa, mà chính nó đưa mình lên cao tâm trí bây giờ, và về sau mãi mãi, thì còn ức chi thưa gởi kiếm tìm, không lẽ ta đã mất của nơi thân, mà lại còn tham sân si, cho phải mất của nơi tâm thêm nữa. Như vậy là thây kệ nó, nhờ có nó lãnh tội chịu nghiệp, thay thế giùm mình, mình mới được thanh nhẹ, bay về cõi trên cao. Chính nó tạo cho mình lòng nhơn chứa đức, nó bảo mình phải lo tu học, đừng ham khoe khoang vật chất của cải gia tài vô ích; hoặc đã đến ngày ta giải thoát, mà Trời Phật bảo nó kêu ta, hay là tạo hóa chẳng vừa lòng cho ta tích trữ.

Trái lại nên mượn của đó làm duyên, mà phát nguyện đời sau, khi ta thành Phật rồi, thì mau lo độ nó trước, như vậy mới là cách xử sự của bậc Chánh đẳng chánh giác (Mà hay thật, sau lời nói đó, kẻ trộm kia nghe được, tỉnh ngộ sợ hãi, mau đem trả của, còn người chủ mất lại được thấy rõ trung đạo, mà xin xuất gia nhập đạo, và về sau hai kẻ đó là thầy trò với nhau, rất thân mật).

Cho đến sự kẻ bị người đánh, người bị họ giết, nhà đạo đức cũng xét công lý trong ba đời, theo trung đạo Chánh đẳng chánh giác, mà giải hòa, dạy dỗ, giác ngộ đưa lên, và làm cho biết yên vui chung sống; thật vậy, đức bố thí, tính nhẫn nhục, lòng hy sinh, bao giờ cũng sanh lên cõi Trời và thành Phật. Còn tham sân si thì chiếm cứ mãi địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh; như vậy chúng ta há quê mùa lo đi tranh cải, để sanh tâm ác, mà giành cái khổ nạn muôn đời, nơi cõi hắc ám kia mãi sao? Được địa ngục có ham gì!

Than ôi! đồ vật giết người, mà nào phải nó ác, ác là tại người, người giết người, chớ ai vào đó mà giết người, người chết là tại vật chất của cải, chính ta tạo ra có nó, để nó giết ta, vậy kẻ muốn sống yên vui, há đi nắm lấy nó tự đâm chém chôn mình sao, mà tham tiếc.

Cho đến như sự cho vay và trả nợ cũng thế, vì sao mà người kia lại có dư, phải chăng vì tranh đua chen lấn mệt nhọc, tuy kể công mệt nhọc mới có dư, nhưng nỡ lòng nào mà đành hơn kẻ khác, uổng cho cực khổ công lo; khi có dư ngồi không ăn hưởng, lại phải bị chúng giựt giành cướp hại; khi làm lo thái quá thì bịnh chết, lúc ở không sanh tệ cũng bịnh chết, mà còn mang tiếng thất đức bất nhơn bỏ học. Nếu kẻ thì lấy trí ăn nhiều làm ít, người lại lấy sức ăn ít làm nhiều, thì hạnh phúc yên vui làm sao có được? Chớ chi ta cho người vay nếu ta có dư, và người thì trả lại cho kẻ khác vay nữa, như vậy là sự giúp đỡ xoay chuyền, không ai thái quá bất cập, thi ân không cầu báo, thì ai lại chẳng mến đức cùng nhau; không ai cao thấp, ấy là nguồn chơn hạnh phúc vậy. Mặc dầu không ai có quyền ép buộc, nhưng tự ta giác ngộ phát tâm thật hành như vậy, mới gọi là kẻ có học, có kinh nghiệm, biết sống đời.

Có như thế chẳng hay hơn, là ta giành choán việc làm, để cho kẻ khác biếng nhác ở không, mà đổ thừa hết việc lại gọi rằng: Kẻ kia làm tôi mọi có dư, là để dành nuôi nó vì thương nó; nói thế để phải ấu đả cùng nhau. Kẻ mà thiếu là tại nơi biếng nhác, hoặc vì siêng năng mà bị mất sở choán nghề, đó là nguyên nhân của sự rối rắm, bởi chẳng biết thương yêu dòm ngó, giúp đỡ cho nhau. Chơn lý vốn là trung đạo công bằng, mà sự thái quá bất cập của chúng ta, hẳn là trái nghịch, trách gì chẳng mãi không yên mà đi than van.

Ấy vậy lẽ thật của đời là đi tới, tới cõi yên vui xuôi thuận, mà chúng ta đứng lại, hoặc đi lui khốn khổ; nên từ xưa đức Phật dạy rằng: Các người biết vì sao ta đi xin mà ăn mỗi ngày? Ta đi xin ăn, là tập dạy cho cư gia biết bố thí vật chất, sự ăn, mặc, ở, bịnh, cho nhau, để đừng tham khổ, và là biết nuôi đạo giúp Tăng. Mà cũng là tập dạy cho Tăng, phải đi du học khắp nơi, trau tâm, giồi trí, giáo hóa cho cư gia, bố thí pháp cho chúng sanh, để ban hành trung đạo, dung hòa Chánh đẳng chánh giác của ta, cho chúng sanh đều hiểu biết, là chơn đạo. Bởi có ta đi xin, cư gia mới có bố thí cho Tăng bằng vật chất, Tăng mới có bố thí cho cư gia bằng tinh thần; vì mỗi người phải có đủ linh hồn xác thịt thân tâm, vật chất tinh thần, hòa nhau mới sống được, mà trong đời thì không có ai có thể đủ đầy hai món được cả, và cũng không ai tự lo lấy mình cho được.

Tinh thần không là con ma, xác thịt không là khúc gỗ; làm để ăn, lành để sống, nào ai có ăn mà không sống, nào ai có sống mà không ăn? Ăn và sống phải dung hòa cần thiết mới được. Con người bởi vô đạo, không lành mới giết nhau mà giành ăn, nếu chỉ biết làm ăn cho có, rồi giành nhau giết chết, phá hoại, không không mất hết, thì có ích gì. Vả lại, người ta sanh đứa con trước, rồøi mới sanh phương chước tạo sắm nồi cơm, sanh ra rồi, thì nhiều ít làm ăn, chia nhau chung sống, mới ôn hòa êm ấm, vui tươi, tốt đẹp. Cho nên đạo đức là sự sống trước nhứt, hay linh hồn của chúng sanh, mà cư gia hay là tăng chúng đừng để cho đạo tắt mất; không đạo chúng sanh phải chết hết, các ngươi đều có tội. Vậy nên tài thí pháp thí dung hòa nuôi đạo, là phận sự của tất cả, đừng ai chia xẻ, mà bị đớn đau, và phải biết kỉnh trọng đạo. Vậy nên Tăng không xin, mà tự cư gia phải lo bố thí, cư gia không hỏi mà tự Tăng phải tìm dạy.

Đó tức là đạo của chư Phật ba đời, con đường trong sạch bằng thẳng, sáng láng chơn chánh công bình hơn hết, và do đó mới có cõi đời, mà sau này người đời đi lạc vào đường danh lợi tài sắc, mới phải bối rối lo sợ, vậy muốn cứu thế độ đời, các người hãy noi gương xưa, mà sanh sống cho phải đạo, để cho chúng sanh đời sau thấy rõ đường đi, tránh khổ, cũng vì lẽ ấy, mà Phật bỏ ngôi vua, xuất gia tầm đạo, đặng để lại cho đời sau.

Cho đến đối với Đức Phật, Ngài dạy rằng: chơn lý tạo hóa như bà mẹ, chúng sanh như con chung; cỏ cây, thú người, Trời Phật thảy như nhau bình đẳng; còn tứ đại, đất nước lửa gió, là cái có của chúng sanh. Ví như nước do khí sanh, đất do nước sanh, đất nước sanh muôn loại, muôn loại sống và ở ăn nơi đất nước, sau trước là kẻ đồng hành, vốn không chủ tớ, ít nhiều, có không, dư thiếu, kẻ đi qua, người sắp đến, kẻ đang nghỉ chân[1] tạm, chúng sanh sống tạm, đi qua, là khách của thời gian, người sanh của sanh, người già của già, người lớn của lớn, người nhỏ của nhỏ, người bịnh của bịnh, người chết của chết, vốn không thường. Tạo hóa như bà mẹ, trung đạo Chánh đẳng chánh giác, công bình chẳng thiên vị đứa con nào, không chia cho ai nhiều, để bỏ trống dư hoang, không bớt của ai, buộc phải ít thiếu, hễ sanh là ở, tử là đi, đến là ở, bỏ thì đi, vốn không ép nài xua đuổi, chúng sanh vốn không chủ khách, kẻ đến trước người đến sau, nương nhau sống tạm, để lớn tâm mở trí học tu. Kẻ đến trước cắm ranh nhiều, người đến sau cắm ranh ít, kẻ đến chót không có nên phải chia sớt giúp đỡ cho nhau, chớ đừng giành giựt, chớ phân biệt thú người, cây, cỏ, chủng tộc màu da. Vì lẽ thiếu một chúng sanh là ta còn tai nạn, cần phải có đủ tất cả các hạng, mà lẽ tự nhiên tấn hóa chúng sanh, sanh mọc, đến đi, còn mất, sống chết, có không, nào ai có quyền gì cấm cản ai ai. Vì ai cũng là sự sống như ai, con của tạo hóa, sống nơi tứ đại, thế nên người xưa, ai trồng tỉa đến đâu, là của cải mình tới đó. Kẻ siêng thì dư, nhiều; người biếng thì thiếu, ít. Chẳng có sự tham tranh, việc làm xem như tuồng giải trí, kinh nghiệm vui chơi, sống để tu hành học đạo, đặng chờ ngày mãn kiếp, bước lên Trời Phật.

Lắm kẻ không thèm đào ao lấp biển, phá núi đốn cây, cấy cày trồng tỉa, cho rằng các món vốn sẵn của nhà sanh ra là có đủ, tham chi ngon sướng mà phải lo âu; họ chỉ ăn rau trái cỏ hoa, chia nhau ở nơi xa vắng, mặc áo lá vỏ cây, ở nơi bộng hang động đá, sung sướng biết dường nào. Ấy là do nhờ hiểu đạo, mới không tranh đua cướp giựt. Đời xưa cũng nhờ gần với buổi ban đầu, lẽ thật, ở nơi nước biển cù lao, cỏ cây rừng thú, mà được như vậy. Tuy thân xác như khỉ khô dơ dáy, mà tâm hồn, lý trí, thần thông, khoái lạc, dư dã, giàu sang. Đến như tiền bạc không dùng, của cải không dư, họ chỉ đổi chác món ăn cùng nhau, gánh bưng từng thúng rỗ mà lại vui lòng, đường đi xa, làm việc mệt, mà lại không bịnh đau, không mỏi cẳng. Đất cho không ai lấy, núi bỏ chẳng ai giành, nhà hoang không ai choán, sông rộng chẳng ai ngăn. Bởi là kẻ hiền lương nên không cần phân biệt mẹ cha, gia đình, xã hội, lợi danh chi cả. Bởi không làm khổ giết hại nhau, thì ai cũng như ai mà thôi. Vả chăng, vàng bạc là đồ vật dùng làm nữ trang cho trẻ nhỏ, nào sánh được với miếng ăn no. Người xưa cho vàng ngọc là sạn sỏi, để chơi liệng bỏ, chẳng cất giành ăn được, người ta hay thú vật cỏ cây không ăn được vàng ngọc, và vàng ngọc cũng chẳng sanh sản được ai ai. Thế mà đời sau mảng sự ham chơi hơn cần sống, nên coi vàng bạc ngọc ngà là quí giá, lại gạt gẫm dụ dỗ kẻ quê mùa, để đổi chác lấy miếng ăn cho no bụng, đặt giá trị của tiền tài, đặng bắt kẻ khác đày công, cho mình ở không thọ hưởng. Đó là sự khôn khéo của đời sau, kẻ chê dơ nơi đồng ruộng, và lười biếng mê chơi nơi chợ búa, mới có lắm sự tham lam rối khổ, kẻ có người không, vì sự ham vui mà đời người khốn lụy. Chớ chi mà ta đừng chấp rằng “không” hay “có”, có không ta hãy dung hòa, tiền bạc cũng dùng, ruộng nương không bỏ, đừng ít đừng nhiều, đừng dư đừng thiếu, thì sao lại ai nấy chẳng an thân. Để tham lam tiếc giữ chi cho thái quá, mà kẻ bất cập phải tranh giành, đã bị mang tiếng bất nhân thất đức và còn bị hại thân mạng. Cho nên đối với sự cứu nạn cứu khổ cho đời, thì chỉ có trung đạo Chánh đẳng chánh giác, là phép cải tử hườn sanh. Những ai muốn sống mãi, thì phải thật hành, mới không còn sợ lo chết khổ. Chánh đẳng chánh giác, cũng là sự giác ngộ chơn chánh, soi rõ cõi đời xưa nay, là sự không thêm bớt, lấy bỏ cõi đời, mà là để đưa chúng sanh, lên đến đẳng cấp tối cao tột bực; từ nấc thang lẻ loi của một mình, đến lớp của vợ chồng, gia đình, xã hội, và đến sống với tất cả chúng sanh, để tạo sự yên vui mãi mãi. Nên chi Phật dạy rằng: thuở xưa kia, người ta hằng sống lẻ loi một mình, phải khổ, mới đến ở chung với nhau hai người, kẻ yếu nương theo người mạnh, người mạnh giúp đỡ cho kẻ yếu, bởi nạn khổ góp sức nhau lập gia đình, khổ to mới bày ra xã hội, khổ lớn nữa mới chung hiệp cả chúng sanh chung. Dùng lòng thương để ràng trói cho nhau, lấy sự học hành đạo lý, làm việc làm của cải cái vui hay; bởi trong đời trẻ nhỏ sanh nhiều mà lại càng nhiều, là sự hung dữ dốt nát càng thêm, còn người già đã ít mà lại chếât bớt, cũng như trường học lớp chót, học trò cũ giỏi thì đi lên mất, tốp mới lại vô nhiều, cho nên đời người là cõi bất trị vô học, nào sánh được với cõi Trời Phật trên kia, cho nên đối với sự ăn mặc ở bịnh, mà không bao giờ yên được. Nhưng không phải vì lo sự sống không rồøi đó mãi, mà là phải chăm lo dạy học, để có việc làm của sự học, thì mới bớt được mối rầy rà, và bởi càng lâu quen lần êm dịu, thuần thục bớt, để bước lên lớp trên, được ra người tốt đẹp, ích lợi về sau. Thế cho nên đời cõi người lớp chót, là rất khó vô cùng, mà cũng là nơi sàng lựa, vỗ về, dạy học, thi tuyển, để đưa lên đến bậc tối cao, và tập sự sống cho nhau, cũng như góp từng cây, kết từng bè, gom cả đám rừng cây, kết chặt thả đầy mặt biển, để diệt trừ nạn khổ của nước to nơi biển, và sự đánh đập giông gió, của cây cao. Tức là sự thương một người thương lần tất cả, học một người, học lần tất cả, sống một người sống lần tất cả. Cho nên chúng sanh tập lần từ giáo lý của ta, người, đến gia đình, xã hội, phải trải qua từng lớp giả tạm, để đến với lớp sống chung, toàn thể của võ trụ chúng sanh. Như sự biết Phật, biết Trời, biết người, là để biết lần đến thú, đến cây, đến cỏ, đến đất, đến nước, đến khí, đến lửa, để tạo một tâm hồn một cái sống, cái ta và của ta vĩ đại; sống đời, vĩnh viễn, yên vui, toàn học, tất cả bằng nhau. Ngay như giáo lý xã hội hiện tại, sẽ đi lần đến mức đại đồng, mà diệt lần sự chia rẽ, để tránh khổ tìm vui, chung sống tập học. Có không còn sự chia rẽ cắt gạch chém đâm, mới không còn đau đớn chết khổ vì nhau, dốt nát vì nhau. Giáo lý đại đồng ấy, là trung đạo Chánh đẳng chánh giác, cõi Phật Niết-bàn, đời đạo đi đôi, đạo trên đời dưới, chúng sanh nơi khoảng giữa sẽ tiến lần lên.

Muốn đến với đại đồng, người ta phải tiến chớ không phải đứng, hay thối lui, cùng là sự bỏ học, gây gỗ cùng nhau. Thế nên xã hội từ bao thuở đến bây giờ, do hoàn cảnh đông người, mới bày ra sự sắp đặt lớp tạm, từ sự làm chủ lấy mình không yên, mới phải chung hiệp cùng nhau để bảo vệ, toàn thể chung hiệp mà không chống nổi sự tai nạn, mới thỉnh cầu Trời Phật, kịp khi đến với bậc thay Trời hành đạo, theo gương Phật dạy đời, tức là ban hành giáo lý đại đồng, trung đạo Chánh đẳng chánh giác cho chúng sanh được học, nên mới hòa yên, không còn giành ăn giết khổ, giai cấp thế quyền. Chính đạo là đức lớn bao trùm, thương yêu, nuôi nấng, chở che, dạy dỗ, sanh ra cõi đời, muôn loại được sống được nên; thế nên kêu đạo đức là vị chủ, căn bổn, hay chúa tể, cha lành thầy chung đó vậy. Đạo đức là đường cái hay bờ đập, để ngăn nước sông to, như núi cao để che gió bão, như bức tường hàng rào bao bọc chúng sanh, hoặc như miếng đất trong sạch, trên cao hơn hết, mà quỉ ma ác thú không tìm lên tới, nên người hiền mới sống.

Thật vậy trong các sự bất hòa của thân tâm, gia đình xã hội, thì chỉ có đạo đức gián ngăn, cứu vớt đưa lên hết thảy mới được. Chính hơi thở của chúng sanh kéo dài từng hơi một, là do ảnh hưởng của đạo đức vậy; không có đạo đức, thì cõi trần thế cháy bừng một cái một, chúng sanh đã tắt thở từ lâu, và không bao giờ sanh sản có ai được cả. Vẫn hay đạo đức tối đại, nhưng bởi quá cao thâm mà lắm kẻ về sau không còn am hiểu, để thật hành, do đó cõi đời luôn luôn trở lại rối khổ, và chư hiền thánh lại thỉnh thoảng xuất hiện ra dạy lại, cho yên tịnh có đạo, rồi lại bỏ đi, sau khi đã dạy thâu xong một số hiền đồ đích đáng; còn bỏ lại cõi đời xơ rơ kẻ nhỏ, như cây nọ mất trái hết bông.

Nên từ xưa đến nay, hết đời khổ đến đạo vui, lại hết đạo vui đến đời khổ, vẫn mãi thế, để tuyển lọc bậc hơn người, đem lên cõi Phật, đặng tu học nên người, hầu sau này cho trở lại, lập thành cõi Phật số đông đầy trên mặt đất, để có đủ lớp hiện tại cho chúng sanh. Vậy những ai muốn làm trời, thì theo vào giáo lý xã hội có đạo đức, bỏ qua khỏi cảnh nhân loại của gia đình; bằng muốn theo Phật, hãy học pháp chúng sanh chung, của trung đạo Chánh đẳng chánh giác đại đồng võ trụ. Và chúng ta nên nhớ rằng: cả chúng sanh yên, thì xã hội mới yên; xã hội yên, thì gia đình mới yên; gia đình yên, thì mình mới yên, mà muốn cả chúng sanh yên, thì phi trừ đạo đức Phật Pháp ra, không có Pháp nào thứ hai hòa giải giáo hóa được cả. Vậy nên thấy lớn, chớ đừng thấy nhỏ là thiếu học, vì tất cả chúng sanh chung, là có gồm cả xã hội gia đình, và mình trong đó, có sót ai đâu. Chẳng nên nghĩ riêng cho mình, muốn được phần hơn kẻ khác, mà mang khốn khổ, để phải bị tất cả giết hại mình. Xưa kia đức Khổng tử lập gia đình xã hội, là cốt yếu cho người được tập thiện, để chung sống cùng nhau, bước lần đến đạo đức, đừng chia rẽ giết hại nhau, chớ nào phải xúi lập bè đảng để dậy giặc to.

Dạy đạo vua quan, cha con chồng vợ, luân lý ngũ thường, để đừng chém giết lẫn nhau, đó là phương pháp cứu tử tạm thời, chớ nào phải bày ra để bắt buộc người hiền chịu khổ, phải theo y như vậy mới được, mà giết tâm diệt trí con người, bảo phải giữ gìn mặt đất, đặng xúi kẻ tham làm ác. Đức Khổng tử dạy kẻ ác trở nên thiện, dạy trẻ nhỏ ra người lớn, là giáo lý bình dân, ngăn giặc, cấp tốc tạm thời, rồi thì sau đó là phải lo tu học, trau tâm giồi trí, mà đi lên lớp trên khác nữa, chớ nào phải bảo đứng hoài một chỗ, giữ một bài, mà cam chịu dốt kém, luân hồi. Còn như đức Lão tử, cũng vì sợ chung hiệp mà để sanh giặc, mới dạy rằng: người là linh hồn chủ tể, không ai giết đặng, xác thân dầu sao cũng chết, đợi phải giữ gìn tham tiếc, giết hại mà chi cho nhọc, mỗi ai nấy lo tu tâm dưỡng tánh, tìm chỗ vắng vẻ núi rừng, luyện đơn nấu thuốc, xa vòng xiềng xích của lợi danh, chẳng là đúng thật! Do câu nói ấy, để bảo con người bỏ ác theo lành, để tập lần sống chung với tất cả, đặng đến cõi đại đồng xứ Phật, thì cũng giống như đức Khổng tử, hay Phật Thích ca, có một chỗ đến mà thôi. Nhưng bởi gặp thời kỳ nào, thì phải dạy theo giáo lý nấy, cho hợp với ý muốn của chúng sanh.

Cho nên ba giáo lý ấy đều là đạo, để đi đến lần, tới Chánh đẳng chánh giác đại đồng quả Phật. Đức Phật Thích-ca mâu-ni lại nói: chỉ có một tiếng chúng sanh mà thôi, trước cũng như nhau, và sau cũng như nhau, còn sự cha con, chồng vợ, quan vua là tạm trong thời buổi, chớ không có, không phải thật đúng chắc hay bền bỉ, là phương pháp tạm dạy cho kẻ ác, chớ người thiện không giết hại làm khổ ai, là đủ rồi. Mà cần phải sống chung với tất cả chúng sanh, bình đẳng như nhau, vì tình nghĩa thân quyến muôn đời của ta, là tất cả, chớ không phải mới có một hai cha mẹ bây giờ, mà nhắm mắt ngơ tai, với bao người thuở trước, đang ở xung quanh ta, lại còn đi chia rẽ phá hại. Vả lại ta còn trở lại những đời sau nữa kia mà, vậy đừng hại ai hết, ta mới được sống vững yên vui trong những đời sau. Do giáo lý ấy, ta thấy đức Phật dạy cho bậc đã thiện rồi, để giải thoát, tiến lớp, đến ngay trung đạo, còn đức Khổng tử (và Lão tử) thì còn đang dạy cho kẻ ác. Riêng đức Lão tử, cũng có dạy người hiền xuất gia, y như Phật, nhưng lại rất ít hơn. Cho nên trường học của chúng ta có ba lớp: từ Khổng Tử, bước đến Lão tử, đến Phật Thích-ca và sẽ đi thi. Vậy nên ai học được đến lớp của Phật, dầu thi rớt quả Phật, chớ cũng được làm vua cõi Trời, vua cõi người, vì lời Phật dạy là giáo lý chúa tể, cao siêu rộng lớn, sáng suốt vô cùng, đệ tử của Ngài đều là bậc đức cao, đạo cả, hơn hết trong thế gian, nên Trời người đều kính phục, mà tôn thờ Chánh đẳng chánh giác, là trung đạo chánh chơn vô thượng. Cho nên có kẻ nói là Phật dạy cho vua, Tiên dạy cho quan, Thánh thì dạy cho bực giàu sang, vì phần nhiều ba bậc đó, hay bỏ thế sự đi tu, theo tam giáo.

TÓM LẠI: Giáo lý Phật dạy cả chúng sanh hay hơn hết, Lão tử dạy xã hội hay hơn hết, Khổng tử dạy gia đình hay hơn hết; nhưng mỗi ông cũng có dạy cả ba pháp, mà chỉ giữ riêng một lớp sở trường, đều để dắt lần chúng sanh đến đạo như nhau, nên gọi là tam qui hiệp nhứt, ba giáo một nhà. Cùng nhau chú trọng có một chữ hòa. Hòa là đạo, đạo là trung, trung là kết quả.

Quả trung đạo Chánh đẳng Chánh giác là quí báu hơn hết, đúng lý hơn hết.