CHƠN LÝ KHẤT SĨ- NHẬP ĐỊNH - QUYỂN 14 - TS. MINH ĐĂNG QUANG - MP3 và Ebook

  1. CHƠN LÝ KHẤT SĨ- NHẬP ĐỊNH - QUYỂN 14 - TS. MINH ĐĂNG QUANG

NHẬP ĐỊNH - QUYỂN 14

I. THỂ CỦA VÕ TRỤ

VÕ TRỤ là cái thể rộng lớn, tối đen, tự nhiên vắng lặng, đứng vững mãi mãi; tựa như vỏ trái lựu cực to, trong ấy có những quả địa cầu lơ lửng như hột lựu nhỏ. Cái vỏ ấy không ai biết nó là tới đâu, vì muôn loại đều ở trong. Kẻ gọi nó là cái không hay vô minh, là vì không thể biết được, cũng có kẻ tưởng tượng những hột lựu dính chùm nhau trong vỏ là bởi một cái tim mà mỗi hột đều có cuống, sự sống thông lưu. Quả địa cầu cũng như thế thuyết ấy chỉ rằng: Muôn loài vạn vật, cái chi cũng là quả trứng hết, nghĩa là từ trứng nhỏ đến trứng lớn, cái tròn bể là vuông, cái vuông rồi sẽ tròn lại. Cho nên cái trứng, cái trái, cái thai, hột cát, hột giống, cỏ, cây, thú, người, đất, đá, núi, biển, địa cầu, võ trụ, cái bọt bong bóng v.v... cái cái đều tròn, vạn vật tròn tròn.

Cái lẽ tròn là không khổ, là thiện, là mỹ, là chơn. Người ta cũng nói, tròn tức là đạo quả vậy. Lẽ tròn là chơn lý, dầu kẻ dốt học bực nào, mà hằng giữ sự tròn, thì cũng thành công được.

Những quả địa cầu trong ấy, không có số đếm, không có số lường, không thể nói được; là vì cái đang nổi, cái đang tan, cái dồn qua, cái tẻ lại, cái lớn, cái nhỏ không thường. Bề ngoài ngó vào thì nó là cái bọt nước to lớn, có cợn bụi đất, là cù lao; hay cũng nói là Trái đất, có những thung lũng nước, khe, ngòi. Bằng nói nó là một cái trứng hay viên đạn cũng được; có điều là do bốn chất hiệp lại; chất đặc là đất, chất lỏng là nước, chất nóng là lửa, chất hơi là gió. Quả địa cầu nào cũng như thế, có sẵn tự nhiên như vậy, mà không thể nói tại đâu? Vì sao?...!

 

II. NHƠN DUYÊN CỦA MỖI QUẢ ĐỊA CẦU

Như chúng ta đã rõ: thể của võ trũ là một cõi thăm thẳm, tối đen, bao la, vô cực. Trong ấy có vô số quả địa cầu. Mỗi quả địa cầu đối với võ trụ, cũng như mỗi mạng sống chúng ta, đối với quả địa cầu, nghĩa là một vật rất nhỏ, đối với một vật rất to; thì lẽ sanh hóa hay tàn tiêu của mỗi quả địa cầu đối với võ trụ vẫn là thường lắm, tự nhiên lắm. Khác nào sự tử, sự sanh của ta đối với trái đất bao la.

Nhơn duyên sanh hóa của mỗi quả địa cầu là: trong cái KHÔNG sẵn chứa cái CÓ, tự nhiên vẫn mãi thế, tự bao giờ và bao giờ (cái không đây là ngoài khí, vô hình, không thể chất đụng chạm, hay sự tan hoại, thay đổi hình tướng của vạn vật mà gọi là không. Bằng nếu biểu đem cái không ra xem, thì mắt ta khác nào mù quáng, chẳng thấy cái không là ra sao. Vì không nói được, làm được, tính đo được... mới là không. Không và Có, hai lẽ tương đối. Không là lý, Có là sự, không phải hai, không phải một, sẵn có nơi nhau không bao giờ một hoặc hai, vì vậy mới có cõi đời). Như trên đã nói: Quả địa cầu gồm có bốn chất là: đất, nước, lửa, gió, tức là cái Có, ở nơi Không. Kìa ta thấy trong không có hơi, trong hơi có nước, trong nước có đất, trong đất có lửa, trong lửa có gió, gió là hơi. Bốn thứ ấy nương sanh lấy nhau, làm thành cái Có ở trong cái Không, còn cái Không ở trong cái tự nhiên. Tự nhiên là hết nói luận! Đó là nói về sự, còn về lý thì cái Không ở trong mỗi cái Có, cái Tự nhiên ở trong mỗi cái Không.

Từ khi một quả địa cầu nổ xẹp, tắt lửa rồi, thì chỉ còn là một lớp dày lợn cợn, một dề, một vầng hơi, có chất nhão, có lẫn đất, nước và hơi nóng. Về sau, đất nặng lóng xuống, hơi nhẹ bay lên, nước ở chặng giữa. Cái nóng cũ vừa mất, cái nóng mới phát sanh, bởi đất càng dẽ dặt, thì lớp dưới càng khô, càng dày kín, nên bịt hầm mà cháy trở lại. Lửa cháy nóng hơi bốc thổi mạnh lên, vẹt nước, đất rãn ra và cuốn tròn. Cũng như một em bé, lấy ống trúc chấm bọt xà bông, thổi phù ra, hơi lên mạnh, vẹt chất xà bông, cuốn tròn làm bọt và bay lững đững.

Mỗi quả địa cầu, trong là lửa cháy, bộng trống, tối đen hơi cuộn. Kế là đất cháy nhão, ngoài là đất cháy cứng thành sắt, gọi thiết vi hay địa ngục vòng sắt, và bên ngoài nữa là đất mát mềm. Trên là nước. Trên cao nữa là hơi hay gió. Gió là hơi của đất nước, bị lửa bốc lên, và cuộn bay, tựa như hơi thở của địa cầu. Các quả địa cầu không bay cụng nhau bể, là nhờ làn hơi dầy ấy. Quả địa cầu bay được trong không gian, là bởi sức lửa mạnh bên trong, bốc lên, và xoay cuộn tròn, do đó mà lăn tròn theo bề hông, từ mặt qua trái, từ đông sang tây, nó xoay có một chiều thôi và bởi có trớn là xoay mãi.

Những quả địa cầu vô số đếm, hết nổi đến tan, hết tan đến nổi, hoặc lâu hoặc mau, lớn có nhỏ có, tùy theo nhơn duyên không nhất định. Nào chúng ta có biết được: hiện có bao nhiêu? Lên hay xuống? Đang ở chỗ nào? Vì chúng ta chỉ là những con vi trùng chết yểu, đối với không gian và thời gian trong võ trụ.

 

III. HÌNH THỂ QUẢ ĐỊA CẦU

Quả địa cầu hình tròn như cái trái

a.

Khi mới nổi tròn dẹp như trái bí rợ.

b.

Về lâu hơi lửa mạnh lần, thổi tròn như cái  cam.

c.

Sau rốt lửa càng ăn khuyết xuống, chưn nở đầu tóp như quả trứng gà.

Quả địa cầu hình giống như một đứa bé, ngồi co trong thai bào bụng mẹ, như một thân hình. Trung tim là nồi lửa, bên trong lỗ trống tối đen là bụng, đất như thịt, sắt đá như xương gân, nước như máu, cây cỏ như da, thú người như rận chí, hơi là khí thở, mặt nước sáng là mắt, lõm đất trống là tai, hương cỏ là mũi, vị cây là lưỡi, thú là chơn tay, người là cái ý, Trời là cái trí, Phật là cái giác, sự rung động là nói, sự xoay tròn là đi, sự thay đổi là làm, núi lửa là lỗ tiêu, chất ôn nham là phẩn, sông suối như mồ hôi, biển to như nước tiểu, núi cao như đầu, rừng thẩm như mình, ruộng bãi như chưn, cỏ cây như lông tóc.

 

IV. ÁNH SÁNG CỦA QUẢ ĐỊA CẦU

Mỗi quả địa cầu có một mặt nhựt và một mặt nguyệt, với vô số tinh quang vây quanh. Mặt trời là một vầng hơi nóng, do nồi lửa trong ruột, hơi nóng bốc ra, gom khối lại, nhẹ và xa. Mặt trăng là một vầng hơi mát, do đất và nước, bị lửa đốt hơi xung ra mà kết lại.

Mặt trăng nửa đen là hơi đất, nửa trắng là hơi nước. Đốm đen trong vòng trắng là hơi đất cù lao, mặt trăng nặng và gần hơn mặt trời.

Sao tinh là ánh sáng, nếu là hơi sáng của một quả địa cầu khác, thì bền dài. Hào quang của núi thì lâu, của người thú, cây, cỏ, thì khi không, khi có; bởi trong mỗi thân thể đều có lửa đốt ánh sáng xuất lộ ra ngoài, nếu thân chết lửa tắt, thì tinh quang mất dạng. Đối với bậc thanh tịnh có trí huệ, đủ đức tánh, không có chi xao động, thì ánh sáng ấy trụ rất gần trên đỉnh đầu, gọi là hào quang; bằng xao động thì nó tản ra xa khó thấy. (Hễ vật chi có lửa là có hào quang, có lửa là có sống, có cử động có màu sắc, tướng hình, linh và biết).

Mặt trăng ở hai phần ba, phía trên quả địa cầu, lằn nó xoay vòng, kêu là bạch đạo.

Mặt trời ở hai phần ba phía dưới quả địa cầu, lằn nó xoay vòng kêu là xích đạo.

 

V. MIẾNG ĐẤT ĐẦU TIÊN TRÊN QUẢ ĐỊA CẦU

Phía Tây bắc quả địa cầu lửa lên không tới, nước phải lạnh đặc, phía  Đông nam quả địa cầu nồi lửa ăn khuyết xuống, mỏng, nước lỏng và hay xì ra lửa, với chất ôn nham trong ruột, thành núi lửa. Như trên đã nói: Quả địa cầu hiện nay như quả trứng gà, đầu nhọn chưn lớn, nồi lửa như tròng đỏ nằm tại phía Đông nam: nên gọi là Tây bắc thiên đường, Đông nam địa ngục.

Trung tim của địa cầu là xứ Ấn Độ, ngay nồi lửa bên trong, núi Hy-mã-lạp-sơn là rún. Có trung ương mới có phân chia ra đông, tây, nam, bắc.

Đầu tiên bên ngoài nước bao phủ, địa cầu là cái quả thủy tinh bởi lửa trong ruột càng cháy thổi mạnh, thổi sắt đá lên ngay ngọn lửa. Núi đá đội đất thành cù lao, và vượt chen đất. Miếng đất mọc lên trước nhất làm thành Hy-mã-lạp-sơn, bề cao 8.840 m, kêu là núi chúa tu di, cũng kêu là cây diêm phù, cũng gọi cột đồng thế giới, hay rún địa cầu. Rễ nó bao trùm trái đất, các núi nhỏ khắp nơi là chồi con của nó. Miếng đất đầu tiên Ấn Độ, trung tâm thế giới cũng là nơi phát sanh cỏ, cây, thú, người, Trời, Phật, trước nhất kêu là rún đạo.

Xưa cổ nhân là một loài vượn khỉ, giống giàu tinh thần gia tộc thường cất nhà ổ ở trên ngọn cây, cả bầy có tới số trăm ngàn; là một loại thú có lòng nhơn nhất.

Từ khi có cù lao Ấn Độ, năm trăm năm có loài thú chạy, một ngàn năm có loài người, hai ngàn năm có hạng Trời, và ba ngàn năm có một vị Phật...

 

VI. SỰ TIẾN HÓA CỦA NHƠN LOẠI TRÊN QUẢ ĐỊA CẦU

Mỗi quả địa cầu đều có cỏ, cây, thú, người, Trời, Phật in như nhau, trãi qua ba thời kỳ:

a.

Thời kỳ thứ nhứt cây cỏ nhiều.

b.

Thời kỳ thứ nhì người thú nhiều.

c.

Thời kỳ thứ ba Phật Trời nhiều.

Quả địa cầu, khi đất, nước, lửa gió đầy đủ nổi lên, gọi là sanh. Cỏ, cây, thú tiến hóa ra là hóa. Người, Trời, Phật bỏ ác theo lành, bỏ vật chất theo tinh thần là tàn. Sau rốt quả địa cầu tắt hơi, hết lửa, nổ xẹt chết, gọi là tiêu. Quả địa cầu chết một thời gian, nước đất lóng phân, lửa gió ấm lần, sống lại, nổi lên nữa, vẫn mãi thế.

Trời là lớp trên, ý nói hạng người trí sáng, hiểu trắng, thiện thanh, cao thượng, bậc không còn tội lỗi, không trở lại cõi người, sau khi đã bỏ cõi người, cũng như học trò lên lớp, sau khi vượt lớp. Như người lớn đã biết nhiều, không trở lại cảnh huống trẻ con.

Phật là bậc người sáng suốt hoàn toàn học hành thi đậu, dạy dỗ cũng rồi, bậc rốt ráo nghỉ ngơi, sau sự thành công cao quý hơn hết, yên vui hơn hết. Bậc mà đã tròn xong phận sự đối với cõi đời, vĩnh viễn không thối lui. Trời và Phật vẫn là loài người, nhưng đã tiến hóa đến mức tối cao, gọi là bậc siêu nhơn loại.

a.

NGƯỜI là lòng nhơn, nhơn ái, nhơn từ, đức nhơn là không sát. NGƯỜI là thân lành đối với một gia đình.

b.

TRỜI là trí lành đối với một xã hội.

c.

PHẬT là tâm lành đối với cả chúng sanh.

Người, Trời, Phật đây là tên chữ, lấy theo đạo lý mà đặt ra phân biệt, nhắc nhở, chớ không riêng kẻ sống hay chết. Nhưng bởi THÂN GIA ĐÌNH thiện nhỏ hẹp sau khi chết bỏ xác, còn luyến ái cố chấp, còn trở lại, nên gọi cõi người là luân hồi (vì thiếu trí).

Còn như bậc TRÍ XÃ HỘI, thiện rộng lớn, ơn nghĩa rồi xong, nên sau khi chết không trở lại, nhưng bởi tánh tự cao, về lâu lại cũng nhập thai nữa, nên gọi là bậc Trời còn đi lui chuyển kiếp.

Chỉ trừ ra Phật TÂM CẢ CHÚNG SANH, bậc đã già cứng, chắc, tốt đẹp hoàn toàn, sống cũng vậy, mà chết cũng vậy, không còn một niệm, nên chẳng có đi đâu, gọi đứng ngừng tắt nghỉ, hay Niết bàn, không luân hồi lại nữa, bậc vĩnh viễn đời đời như hột giống cất mãi.

 

VII. SAU KHI QUẢ ĐỊA CẦU TAN HOẠI

Cái không là sự sống, khí là sự sống, nước là sự sống, đất là sự sống, lửa là sự sống, gió là sự sống, cỏ là sự sống, cây là sự sống, thú là sự sống, người là sự sống, Trời là sự sống, Phật là sự sống chót hết, và hoàn toàn đó là sự tiến hóa đi lên vậy.

Khi quả địa cầu tan hoại, cỏ cây, người thú thảy tiêu diệt chớ Trời Phật vẫn còn: Trời thì nhập thai sanh nơi thế giới khác, nhưng Phật ở đâu, đi đâu cũng được, chẳng lai sanh.

Cũng ví như một thân cây chết ngã, trái chín để đời, cất đâu cũng được; trái già phải trồng liền, kỳ dư non, nhỏ, thúi, sâu thì chết hết. Cái sống, cái thức của chúng sanh cũng như thế: Chín là sự tròn trịa cứng, chắc, già là thiện lành (già kinh nghiệm), non nớt là thiếu thốn, dục vọng tham lam, nhỏ hẹp là ích kỷ, thúi là ác trược, sâu là gian tà.

Thật vậy, khi cây ngã thì quả già, chín, có được bao nhiêu đâu? Mà trái lại non nhỏ rất nhiều phải chết mất, còn sâu thúi thì đã hư hoại trước rồi.

Cái thức, cái sống, cái biết mới thật là ta: chúng ta há lại chẳng nuôi nó, hơn xác thân tạm bợ này! Nó chỉ ăn cái thiện, cái chánh. Việc làm lành cũng như võ cứng, lời nói phải như thịt cơm, cái ý tốt như ngòi mộng, trau dồi thân khẩu ý lành tức là nuôi cây dưỡng hột, tạo cái ta, sanh ra cái biết, cái sống đời đời.

Trời và Phật là kẻ tiên sanh, sanh ra trước bởi tấn hóa trước, kinh nghiệm nhiều. Cho nên khi sống, các Ngài vẫn ở nơi thanh tịnh, chết đi các Ngài cũng ở nơi cảnh vắng núi rừng, xa lánh cõi ác, tham, sân, si, thấp kém của cỏ, cây, người, thú, trẻ con, ác trược.

Một khi vì lòng từ bi và muốn tấn đức các Ngài vào lại cõi người, để dắt dẫn, dạy dỗ, lúc mệt thì yên nghỉ lui về, hưởng sự yên vui thêm. Khi đi vào giáo hóa, gọi là chư Bồ tát, chính nghĩa: giác ngộ chúng sanh.

Con đường của cái biết sống từ nơi không, nơi tứ đại, cỏ, cây, thú, người, Trời tới Phật, kêu là đạo. Từ không có sống biết, đến có sống biết trong một lát, một giờ, một ngày, một tháng, một năm, trăm năm, ngàn năm và mãi mãi. Càng tu bổ, càng trau dồi, càng yên vui, càng tốt đẹp, càng sống mãi, biết hoài, thật là quý báu.

 

VIII. CHÚNG SANH TRONG VÕ TRỤ

Chúng sanh là chung sống, hay muôn loại có sự sống, nói hẹp là: từ cỏ, cây, thú, người, Trời (Trời còn lai sanh cũng gọi chúng sanh). Là loại có luân hồi, sanh đi sanh lại.

Phật bằng còn thân cũng là chúng sanh, bỏ xác rồi mới gọi đấng diệt độ, tịch diệt. Đó là nói về sắc thân vật chất; bằng luận cho đúng Phật mới là chúng sanh vì là sống mãi cái ta, cái thức, cái giác. Chớ như bậc Trời trở xuống, còn sự thay đổi, cũng có thể chết mất, tiêu diệt, nên nói là hạng chết cũng được, hay là hạng có cái chết đi sống lại.

Nếu nói rộng ra, thì chúng sanh cũng là đất, nước, lửa, gió, không, năm đại này cũng vẫn có sự sống. Bởi ngủ đại có sự sống mới nẩy nở, sanh sản, biến hóa, thay hình, đổi màu, nếu ngủ đại chết, thì xương, máu, thịt da, hơi gió, trong cỏ, cây, thú, người chẳng tự có được.

Trong các chúng sanh, loại đã sanh, loại đang sanh, loại sắp sanh, loại sống một giây, một phút, loại sống ngàn năm, muôn năm, loại ở trong không, trong khí, trong thân, trên đất, trong nước, trong lửa (lửa địa ngục cháy mãi), loại nào cũng có sự sống theo loại nấy, cảnh giới khác nhau; thường thì cái kia sanh cái nọ, cái sau ăn cái trước như cỏ cây sống bằng đất, ăn đất mà lớn, thú sống bằng cỏ cây, ăn cỏ cây mà lớn... Từ loại thú sắp xuống, phần nhiều là vô tình vô tri mà gây tội ác. Chỉ trừ loài người sắp lên là có trí, biết thiện, biết thương, chẳng phải như thú, cây cỏ đất nước.

 

IX. CÁI TA TRONG VÕ TRỤ

Kể từ thuở phôi thai, quả địa cầu sắp nổi, âm dương sáng tối nóng lạnh dung hòa, sắc ấm từ đó phát sanh[1], đất, nước, lửa, gió quả địa cầu từ đó mà có, thì cái mầm sống vốn sẵn, lại từ đó càng chóng mau tiến hóa bội phần.

Kìa như sự sống trong đất nẩy sinh cây cỏ: cây cỏ đã có sự sống, mà đã có sự sống, thì sự sống ấy, ta tạm đặt một cái tên, cho dễ nhận xét. Giả như ta đặt tên là cái thọ cảm, cái biết... hay muốn dễ hiểu hơn hết, nên gọi là “Cái ta”.

“Cái ta” lúc ở nơi cây cỏ, ta lúc làm cây cỏ đã nương đất mà sống, đất là mẹ của cây cỏ. Cây cỏ chịu ơn đất rất nặng, dày vò đất mà sống trong đất, con hành hạ mẹ. Kịp lúc tiến hóa, đến loại biết động cựa, như sâu, bướm, từ trong cây cỏ phát sanh, do thọ ấm lâu ngày thành tưởng ấm. Lúc ấy ta lại ăn cây cỏ, chịu ơn cây cỏ rất nặng, dày vò cây cỏ mà sống bằng cây cỏ. Lần lượt trãi theo duyên tiến hóa, từ loài nhỏ nhít, cho đến được với lớp thú chạy, chim bay, ta đã hành hạ biết bao loài cây cỏ. Cho đến lúc mang thân người trãi qua nhiều lớp thú: cọp, beo, sư tử... cùng vượn, khỉ, giả nhơn... ta đã giết hại biết bao loài cỏ cây, và thú nhỏ, do tưởng ấm lâu ngày thành hành ấm.

Đến được với lốt người đây, xét lại nhiều lớp trước, vô số kiếp ta đã giết hại biết bao kẻ xung quanh ta, kẻ đi chung với ta; trong số vạn ức, họa chăng có được sống sót một. Hôm nay tính lại lương tri ta cũng không biết hối hận bằng cách nào? Cái may sống sót của ta, là cái quá tàn ác hung bạo, mặc dầu không hiểu, vô tình, buổi xưa đã đành rồi, còn ngày nay ta làm sao tránh sự giết hại? Làm sao nuôi sóc kẻ đàn em? Cùng làm sao dạy dỗ?

Võ trụ ví như bà mẹ, chúng ta những kẻ sống chung, chúng sanh tất cả con chung của võ trụ. Ta được thân người, có được thức trí, đối với muôn loại, như kẻ đàn anh, sanh trước đi trên, nếu ỷ mạnh hiếp yếu, làm sao cho phải lẻ? Vì cái tham sống cho ta, mà muôn loài chết thảm, nghĩ lại thật là bất nhơn, vô nhơn, phi nhơn. Ai sanh trước hiền hơn, sáng hơn, trẻ em sanh sau dữ hơn, ngu hơn: Ta lẽ nào lấy cái hung, cái gian mà làm lớn? Thật là tội lỗi, sống tội lỗi, xác thân tội lỗi, hành vi tội lỗi, lời nói tội lỗi, ý niệm tội lỗi, sự ăn tội lỗi, sự mặc tội lỗi… mớ tội lỗi dẫy tràn kia, nào có xứng đáng với loại trên trước, tiến hóa vượt trỗi hơn bao hạng thấp hèn?

Hãy tha thứ cho tất cả, vì ta đã có lòng nhơn (người) nếu ta muốn sống, thì đừng giết hại mạng sống khác. Tất cả với ta, ta cùng tất cả, đều liên lạc mật thiết với nhau, bằng một lẽ sống: như ta giết hại tức là ta đã chặt đứt sợi dây liên lạc, giữa ta cùng vạn vật trong võ trụ rồi. Ta đã lỗi đạo sống chung (chúng sanh) trái với nhịp tiến hóa. Như thế đối với muôn loại ta sẽ thấy trơ vơ, trống trãi, lạnh lùng, tưởng như ngoại vật, rất khác biệt với ta. Đứng trước cõi huyền bí, thăm thẳm, bao la, của võ trụ, ta sẽ thấy sợ hãi, cũng như muôn loài trong võ trụ, ra tuồng sợ hãi, kinh tởm, cái quái ác của ta.

Hãy sống với võ trụ! Hãy học hiểu rõ thấu chơn lý, ta sẽ thấy cái ta không còn cách biệt với vạn vật nữa, ta sẽ được an vui!

 

X. CHƠN LÝ CỦA VÕ TRỤ

Chúng sanh là tiến hóa, từ địa ngục đến Niết bàn do nhơn duyên chuyền níu sanh ra. Từ nơi không sanh ra có, nhỏ tới lớn, có rồi có mãi, không hết không rồi: mượn vật chất làm thân để nuôi tâm, còn thân trả lại tứ đại; đời kiếp không dư thiếu.

Chúng sanh chẳng phải lưng, Phật Thánh chẳng phải đầy, dầu đến bao lâu, xem ra cũng vậy. Thật là võ trụ mênh mông, mà như tuồng sắp đặt.

Kìa như sắc ấm: Đất, nước, lửa, gió, sanh thọ là sự sống, ấm của đất sanh nhựa chỉ, nhựa chỉ đất nước sanh rễ, cỏ cây thú. Cỏ cây có giống là hột, thú có giống là tinh ba, mà sanh sản.

Cỏ cây sanh thú, đồ vật thành máu thịt xương da; thú sanh người, người đến Trời, trời đến Phật. Cây sanh trái, cỏ sanh hoa, sự biến hóa khôn lường, có rồi sanh thêm có; từ không đến có, có rồi lại không, thay qua đổi lại. Lửa trong địa cầu lăn, vạn vật vô thường tiến, chớ không phải thối. Từ vật chất đến tinh thần, từ ác đến thiện. Tinh thần không chật, vật chất không hao, sự nó là có, lý nó là không. Cho nên ai biết lẽ không rồi, chẳng còn phải khổ, điên, mờ quáng, về sự thay đổi lăn xoay nữa.

Người mà giác ngộ chơn lý, mới biết đường đi, đi tới cảnh cao siêu tốt đẹp của tâm hồn, vĩnh viễn, chắc thiệt yên vui; mới gọi ta, của ta, mới có lý nghĩa, mới là ích lợi. Hết mê lầm. Không loạn vọng. Không sở chấp chi nữa hết.