CHƠN LÝ KHẤT SĨ - TRÊN MẶT NƯỚC - QUYỂN 20 - TS. MINH ĐĂNG QUANG - MP3 và Ebook

  1. CHƠN LÝ KHẤT SĨ - TRÊN MẶT NƯỚC - QUYỂN 20 - TS. MINH ĐĂNG QUANG

TRÊN MẶT NƯỚC - QUYỂN 20

Những quả sen, những hoa sen, những lá sen, đều là ở trên mặt nước, tuy chân gốc đều ở trong bùn nước, mà đều cất vượt lên cao, và lá hoa quả chẳng dính nước bùn.

Bùn ấy là chất nặng dơ, lún xuống đáy sâu rã rời hột một; có khác nào sự chết trơ không tự chủ, vì ích kỷ lẻ loi của mỗi chúng sanh, ác quấy, tội lỗi, nên phải bị đời sa thải dẫm đạp xuống bên chân thấp dưới.

Mỗi hột đất là một cái tiểu gia đình, hay nhỏ hơn là một người một.

Nước là xã hội thanh thiện, cao ráo, lớp trên, thường theo duyên trôi chảy.

Sen, vượt lên trên cao, không trung, là bậc xuất gia, giải thoát, Khất sĩ, nhà sư.

Lời nói của người tu, ví như hoa sen, việc làm của người tu, ví như lá sen, ý niệm của người tu, ví như gương sen, cả thảy các pháp đều ở trên cao không trung, và không còn phải ô nhiễm nước bùn theo thế sự.

Gốc sen, người tu, tuy còn tạm nương trong thế, tuy còn xin món ăn mặc ở bịnh nuôi thân, tuy còn đứng đi trong xã hội, mà tâm trí thì đã tách xa cao hẳn, và đã khác sắc đổi hình.

a.- Khác hơn nước đất, là sen đã có được sự sống, linh hồn, do đất nước.

Cũng như người tu, do nhờ thiện ác, mà nuôi tạo trí tâm, được giác ngộ hơn người trên thiên hạ.

b.- Đền ơn lại cho đất nước, là sen hứng chịu nắng mưa sương gió, cái tai nạn, sự động chạm, từ bên ngoài, đến vào trong nước đất.

Lá, hoa, quả sen che chở giữ gìn, sự yên lặng, sạch trong, bằng thẳng, sự sáng rỡ cho nước, và cọng sen thì ngăn cản nước xoáy lộn trôi chảy, cọng sen làm cho nước đứng ngừng lóng bùn trong sạch.

Những bậc tu xuất gia, tuy không còn dính dấp với xã hội gia đình, nhân loại, nhưng cũng đem thân mạng, đền trả cho đời bằng gương nết hạnh, hiền lương, và lời nói, việc làm ý niệm, đạo lý, đem giúp đỡ cho xã hội, gia đình, bình yên, trong sạch, sáng láng, nên mới được đứng vững lâu dài, không rối loạn.

Cũng có đôi khi trong đời giặc giã lớn lao, người ta không thể cản ngăn được, mà phải cần nhờ đến các nhà tu, các sư Tăng gom hiệp lại hết thảy, đi đến chỗ chiến tranh, xin tội cho chúng sanh, các Ngài khuyên lơn giảng giải sự ôn hòa

Vì lời nói của các Ngài rất công hiệu, ấy bởi sau sự hành vi của đạo đức. Cũng như sen kết lợp che trên mặt nước.

Đạo đức là phép cản ngăn những sự bất hòa, của gia đình, xã hội, mà đạo đức thì không bao giờ làm việc, và ở trong gia đình, xã hội.

Với lẽ biết ra sự lợi ích ấy nên gia đình, xã hội cũng không còn níu kéo tình nghĩa, dính dấp đến đạo đức, chỉ nâng đỡ đạo đức riêng ngoài trên cao, ủng hộ lại cho đời bằng cách gián tiếp thôi.

Sự tiến hóa của chúng sanh, là từ gia đình, đến xã hội, mới đến đạo đức, và bởi không theo đạo đức được, nên mới lập ra gia đình, xã hội, lớp tạm, để tập học hành đi tới.

Như thế tức là, đạo đức là có, còn gia đình, xã hội vốn không.

Cũng như cha mẹ, anh em, con cháu, là danh từ giáo lý tạm, quan, vua cũng là danh từ giáo lý tạm, để tập dạy cho người ác đến thiện, đến đạo đức, từ vật chất đến tinh thần, đến chơn như.

Từ sống bằng thân, đến sống bằng trí, và phải sống bằng tâm, cũng như giáo lý của người nhỏ, đến người lớn và ông già kia vậy.

Kìa như ông già, chơn như, đạo đức sống bằng tâm, thì không có cái gì bận rộn nữa cả; hay như thế giới của những ông già, sống chung nhau, thì cũng không có giáo lý danh từ chi nữa.

Hiểu như thế thì ai ai cũng phải đến với đạo đức, muốn đến với đạo đức, lựa chọn đạo đức, nâng cao đạo đức, khuyến khích đạo đức, dạy dỗ đạo đức, mà luật pháp của gia đình, xã hội là phạt răn kẻ ác, khen thưởng người thiện, và ủng hộ giúp đỡ đưa kẻ xuất gia giải thoát lên lớp trên cao.

Trên lớp cao ấy là đúng thật, vì tất cả cũng như nhau, không còn chi phân biệt.

Trần thế cũng như cái sàng, gạo trọng ở trên sàng là đạo đức, còn tấm cám, phải lọt rớt xuống trở lại đệm, (là cảnh đời) tức là sự rớt ở lại gia đình, xã hội để chịu tội phạt, học hành thêm nữa.

Như thế là ai nấy cũng phải dọn mình bước lên đạo đức tất cả. Tất cả vua quan cũng phải giải thoát xuất gia. Tất cả chúng sanh ai cũng là Khất sĩ, xin học như nhau, y nhau đúng theo chơn lý lẽ thật, mục đích, chớ không có sự khác nhau, phân biệt như lớp dưới, bước chân tạm của buổi ban đầu.

Dầu ở trong lớp vua quan, lo cho dân chúng, các vua quan cũng nhận thấy mình còn tội lỗi, khổ nhọc, kém sự giác ngộ hơn nhà sư, và việc thế không rồi chi cả, không chắc chắn vững bền. Các vị ấy rồi còn phải đi tu làm Khất sĩ, làm Tăng, để bước qua một lớp tu học, và giáo hóa chúng sanh, nhẹ nhàng hơn; nơi ấy việc làm đạo đức tuy nhẹ nhàng hơn mà thấy chắc được kết quả, độ được một người nào, là xong một người nấy.

Vì khi họ được giác ngộ rồi, tâm họ đã nhứt định, không còn dời đổi nữa.

Cũng như học trò, lớp trên tuy ít, mà chắc chắn, hơn số đông đảo mệt nhọc của lớp dưới.

Thật vậy, nơi cõi của người tu, mới thật là đời đời, mới thật là ai nấy bằng nhau, như nhau, không còn lộn xộn.

Nếu trong đời thiếu đạo đức là không được, mà trong cõi đạo đức thì không còn có gia đình, xã hội nữa.

Vậy thì cõi đời sẽ là thế giới đạo đức ngày mai; khi trình độ chúng sanh đến lúc hết hồi tranh cạnh, và luật pháp của xã hội, gia đình, là buộc tất cả đều phải tu xuất gia, giải thoát; cũng như ở lớp nhì, lớp ba, thầy giáo dạy, là bảo học trò phải lên lớp nhứt, mà bỏ lớp nhì lớp ba. Nên người tại gia cư sĩ là phải về y theo Khất sĩ, xuất gia, lên lớp, chớ chẳng nên đứng hoài chỗ một, mà chịu tai nạn; muốn hết tai nạn, thì phải đi tới mới tránh khỏi.

Hai ông vua gây cuộc chiến tranh, là bởi thiếu đạo đức nơi chính giữa.

Hai vị quan văn cầm ngòi viết gây lộn nhau, là bởi thiếu đạo đức nơi chính giữa.

Hai người quan võ giết lẫn nhau, là bởi thiếu đạo đức nơi chính giữa.

Hai người lính đâm chém nhau là bởi thiếu đạo đức nơi chính giữa.      

Trong gia đình xào xáo, đánh lộn, là cũng bởi thiếu đạo đức nơi chính giữa.

Chính đạo đức là phép giải hòa, như bức tường, hàng rào, ngăn cản kẻ hơn thua gây việc, và là phép tu học y theo chơn lý đúng đắn, kết quả của con người.

Bên trong mình đạo đức là ngũ tạng.

Bên trong gia đình đạo đức là nồi cơm.

Bên trong xã hội đạo đức là tiền bạc; không đạo đức thì cái gì cũng chết hết.

Cũng như ruột đau thì tay chơn không cử động.

Không nồi cơm thì gia đình chết đói.

Không tiền bạc thì xã hội loạn ly.

Trong xã hội đã loạn thì còn trông phương gì giữ nước, chống cự giặc ngoài cho được. Như thế là người ta phải chỉnh đốn đạo đức, chỉnh đốn cái tâm bên trong, trước các công việc bề ngoài, cũng như ngũ tạng điều hòa, thì tay chưn mới có sức lực.

Hễ thiếu đạo đức, thì mọi sự đều thất bại. Cũng như thế, kẻ xông ra trận mạc, tuy chiến sự phải dùng chân tay, nhưng nếu trái tim bị đứt, là kẻ ấy phải chết, không còn chiến đấu gì đặng nữa, trái tim tuy không hành sự, mà thiếu nó, thì tay chơn không có máu.

Kẻ có tinh thần là người không sợ chết, kẻ ấy như người tu, không tham, sân, si, tự kẻ ấy biết ra lẽ phải, nghĩa vụ hy sinh, tức là kẻ ấy có linh hồn.

Chính người tu là linh hồn của kẻ hy sinh chiến sĩ, một người ấy sẽ thắng được mười người.

Quốc gia mà hưng thạnh, là do tinh thần đạo đức, chớ không phải tại con đông, tiền nhiều, và không hiểu đạo.

Và như muốn khỏi chiến tranh, thì tất cả đều phải tu, tu hết rồi, thì đâu còn loạn ly nữa, dầu chưa được vậy, chớ có một xứ lo tu, thì các xứ kia không ai nỡ đành đánh đập, vì còn có danh lợi chi đâu, mà hòng đánh đập.

Như vậy giặc giã là do danh lợi, chớ không kiếm tìm người tu đạo đức; vậy sao ai nấy chẳng lo tu, chẳng là yên vui, và được mọi người thương mến.

Một em nhỏ có danh là bởi người ta khen ngợi, một em nhỏ có lợi là bởi tại người ta thương; không ai sợ nó, mà ai cũng hy sinh giúp nó, chẳng tiếc công mình.

Trong đời một người lớn, mà tập tánh như em nhỏ được, chắc là trong thiên hạ, ai cũng qui phục mình hết, vì ai cũng thương yêu, và người ấy sẽ sống, sống mãi, sống không còn con số đếm những tuổi năm được.

Đạo đức tối trọng y như vậy.

Cũng như một người có địa vị chăn dân, mà không khắc kỷ được, không dùng lời nói đạo đức dạy đời được, không tri được tâm lý, không dạy được cả chúng sanh, chưa được trọn sáng, trọn lành, thì thiên hạ chỉ có một số ít qui tùng theo. Sánh lại sao cho bằng một nhà du Tăng, Khất sĩ, Ta Bà giáo hóa khắp nơi trong võ trụ, đâu cũng là nhà cửa quyến thuộc có sẵn, thật là an thân quá, rộng rãi, vui hay, quí ích quá.

Thế nên xưa kia các nhà vua chúa mới bỏ ngôi vua, xuất gia hành đạo, cũng vì lẽ ấy, mà người tu không còn ở trong một xã hội, gia đình nào nữa cả. Giống như sen không ở trong bùn nước mà lại vượt lên cao, ở trên không trung vậy.

Kìa từ xưa, cho đến nay, xứ Ấn-độ, và khắp thế giới “chư Tăng sư Khất sĩ là không có khóa thuế, sưu công, người tu không còn ở trong luật nước, hay là đã ở cao trên khỏi luật nước rồi”.

Luật nước, chỉ bắt buộc kẻ ác, ngừa tiểu nhơn, chớ không dùng cho bậc hiền nhân quân tử.

Cũng như giai cấp, phải có cho trẻ nhỏ, để cai trị trẻ nhỏ, mà không dùng cho ông già. Người tu Khất sĩ, là ông già ở nơi giáo lý chúng sanh chung; một bộ áo ba cái mặc trong mình không dư, một cái bát xin cơm, để đi cùng khắp non sông, võ trụ, không còn ở trong một lớp, một xứ.

Từ khi ở trong một gia đình, xã hội, bước chơn ra đi, sống với cả chúng sanh chung trong thế giới, để lập cuộc bình yên, cho tất cả gia đình, xã hội, là Khất sĩ ra đi, ra đi cũng như người chiến sĩ, người chiến sĩ lo cho xã hội, mà bỏ gia đình, và hy sinh thân mạng.

Người tu, hy sinh, bỏ xã hội, là để lo cho thế giới, và cũng không bao giờ trở lại xã hội, gia đình.

Mục đích của Khất sĩ là làm cho thế giới đều tu, yên vui, thì xã hội mới được yên vui, xã hội yên vui, là gia đình yên vui; gia đình yên vui, thì mình mới được yên vui.

Tức là tấm lòng lo cho tất cả chúng sanh đều tu hết vậy. Một khi gia đình, xã hội đã vui lòng cho Khất sĩ ra đi tự do rồi, thì cũng không còn sự đòi hỏi kéo lôi chi nữa, mà để cho người hoàn toàn thật hành, theo chơn lý chí nguyện.

Cũng giống như một ông cha, cho đứt đứa con cho xã hội, cho nó đi du học rồi, là không còn đòi hỏi, lôi kéo nó trở lại, hay ép buộc rầy rà chi nữa, mà đúng chơn lý lẽ thật, ai cũng là Khất sĩ, ai cũng là chúng sanh chung, con của tứ đại, ai cũng tự do, tự chủ cả. Còn gia đình xã hội là lớp tạm không có.

Bởi thế cho nên các nhà vua khi xưa, hay như vua A-dục, xem coi người xuất gia ra đi cũng như đã đóng rồi xong món thuế chung thân, một lần một cho mặt đất. Vì người đã bỏ hết của cải sự nghiệp lại cho xã hội gia đình, không còn một đồng xu, hột gạo nào trong mình cả, và giới luật trọn đời là không giành choán một đồng xu, hột gạo của thế gian. Cho nên gọi là không có thuế vụ nơi người Khất sĩ xin ăn, tu học, vì thuế vụ là tiền bảo đảm sanh mạng và tài sản, cho người tội lỗi, khi họ còn ở trong gia đình, xã hội bảo hộ. Người Khất sĩ không còn giúp cho đời bằng vật chất, mà là giúp bằng cách giáo hóa, dạy dỗ tâm người, và khuyên can ngăn loạn.

Người đã hoàn toàn giải thoát, giải thoát với luật tự do tín ngưỡng, với lẽ sống chung, ai nấy cũng như nhau, đối với những kẻ đã hiền lương y theo chơn lý; giải thoát, từ lúc bước chân ra khỏi gia đình, xã hội, thấp kém lạc lầm, để đi tu theo Phật, giữ y giới luật, 250 điều của Phật là xin học, Khất sĩ y theo chơn lý.

Người Khất sĩ cũng không còn có thân sống của riêng mình mà là sống cho chúng sanh, cho đời cho đạo.

Người Khất sĩ, đối với mình thì như đã chết, như đã chôn sâu, như ông già lão, như kẻ ăn mày tàn tật, như đứa trẻ con, vì người không còn làm được việc tội lỗi, để cho được có của dư, người không còn ở một chỗ, không có nhà; người đi đi mãi, tới mỗi, nơi tạm ngụ ít ngày rồi đi nữa.

Đúng y chơn lý lẽ thật của đời là chúng sanh phải thay đổi, tiến hóa mãi, không sở trụ, không tớ chủ, gia đình, xã hội, không còn ai phải giữ gìn tánh mạng, sự sản của người.

Không ai nhọc công lo cho người hết, chẳng có ai kể công lao với nhà du Tăng Khất sĩ được, vì người đã sống với trời mây không không. Không một vật ngoài bộ y và cái bát, dư lắm là một quyển kinh thôi.

Người cũng không còn phải là nhân loại của loài người, người chỉ biết có xin học, xin dạy, xin tu cho mình và cho tất cả, thí công, không có nhận tiền lương bổng, vì người đã bước lên cõi trí của Phật. Người muốn thành Phật trong một kiếp này.

Thành thị, làng xóm, người chỉ đi qua, mà chỗ ở thật của người là vắng xa, trong rừng bụi. Đức Phật khi xưa, y như vậy, Ngài chết nơi cụm rừng. Ngài đi mãi không có cửa nhà chi cả, đến đâu Ngài chỉ ở tạm rồi đi, Tăng đồ của Ngài, cũng y như vậy.

Người Khất sĩ cũng như kẻ ở ẩn tu, người ở gốc cây, am lá chỗ nào một chỗ, ngoài sự khất thực, đi xin trong xóm, là người không bao giờ đi đâu giao thiệp với ai, hay tới nhà kẻ thế.

Người Khất sĩ, như kẻ sưu công, người ra công đi giác ngộ, cảm hóa, dạy khuyên người, là mỗi buổi sáng đi khất thực, và người như là kẻ sưu công, hưu trí, vì đã làm xong phận việc gia đình, xã hội rồi, mới được đi tu giải thoát như ngày hôm nay.

Đời của người xuất gia giải thoát, cũng như kẻ đi khóa lính chung thân, đi không ngày trở lại. Chính người lính Khất sĩ, tranh đấu cái tà tâm, loạn vọng của mình, tranh đấu với ma vương để thành đạo cho chúng sanh, tranh đấu bao nhiêu điều tà ác, nhiễu nhương trong thiên hạ; một người lính của Phật, không làm vua quan, giàu sang, không ăn ngày hai bữa; một ngọ, ăn chay mỗi ngày, đi xin không cất trữ, không một đồng tiền, không sát sanh, trộm cắp, dâm dục, nói dối, uống rượu chi cả, một người lính tu hiền có học, đức hạnh trang nghiêm, thật tốt đẹp quá.

Lòng từ bi bắt buộc người Khất sĩ, nhận lấy phận sự tế độ chúng sanh, làm nghề nghiệp, không ai xúi bảo, rủ ren, cũng không đợi người xin hỏi.

Vừa đi xin ăn tạm, để nuôi thân sống qua ngày, mà lo việc muôn năm, khắp cùng thiên hạ, lo cải sửa phong hóa lễ nghi, đức tánh, gương hiền đem sự trong sạch, yên lặng, sáng suốt cho đời; cảm hóa kẻ ác, dạy dỗ người thiện, chỉ đạo cho người tu, dìu dắt lớp tâm ông già cao trên xã hội.

Người cũng có thể trở ra thế, làm vua quan, giàu sang, kiêm vừa đạo đức, lẫn với sự đời, nhưng không không, vì người đã hiểu đạo, đạo quý ích cho chúng sanh hơn, cao ráo sạch sẽ hơn, đạo đúng chơn lý, chánh lý hơn, và đạo đức phải có luôn luôn nhắc nhở người đời lớp dưới.

Mặc dầu họ bước lên chưa được, chớ noi theo gương, nghe thấy người tu, họ cũng giảm bớt lần lần, những tội lỗi khổ sở.

Việc đời là của người lem lấm, việc đạo là của người trong sạch, đạo đức cũng không choán việc phước thiện của đời, vì người đời thì không thể làm việc đạo đức trí huệ giải thoát, y như đạo đức được.

Đạo đức mà mất thì trần thế sẽ nguy, bởi ở trong cõi đời ác trược, chung lộn, lấm dơ, không dễ gì trau tâm được.

Vậy nên ai ai cũng cần giải thoát, để trau tâm, dầu không được tu luôn, thì tu học một ít năm rồi trở lại cũng tốt, nhờ giảm bớt tham, sân, si và có học đạo, thì đỡ bớt sự khổ não thất bại; nhưng sự thật, nếu ai đã thấu chơn lý, đắc đạo, thì thành Phật, tu mãi, chớ đâu còn trở lại cõi đời làm chi nữa.

Như thế tức là sự xuất gia đó, để bảo tồn đạo đức và nâng cao đạo đức.

Thật vậy, từ xưa cho đến nay, ít ai theo được bên chơn Phật, gìn giới luật làm Tăng cho đúng phép, để đem sự trong sạch tinh khiết lại cho đời; thế mới biết, vua quan dễ làm, mà Tăng sư khó gặp.    

Trong đời mà thiếu Tăng sư đạo đức dạy dỗ bên trong, thì sự loạn lạc, trộm cướp dấy sanh, không ai có thế gì trị được. Có đạo đức thì không có giặc cướp, hơn là để đi bắt trừ giặc cướp, và chỉ có đạo đức khuyên răn, cản ngăn, sự rối loạn bên trong, thì mới yên vui được.

Khi xưa chính Phật và Tăng, trước đi cứu thế, rồi sau mới dạy đạo độ đời, cũng y như vậy.

Trong đời mà thiếu lớp xuất gia Khất sĩ, thì lớp cư sĩ thiện nhân không đường bước tới, đứng lâu một chỗ hoài, mai sau ắt cũng sanh giặc loạn, ấy bởi sự mỏi mê chán nản, và tài trí thì chẳng bền lâu.

Vì vậy mà trong đời người ta rất cần đạo đức, trước hết quí trọng người tu xuất gia hơn cả, chính Tăng bảo khi xưa kia, vua quan đều kỉnh trọng, sùng bái nghe lời. Nên không ai bao giờ đòi hỏi thuế vụ ngược nơi người tu không tiền. Không ai gọi bảo sưu công ngược nơi người tu yếu đuối. Không ai kêu nói khóa đinh ngược với người tu hiền lương, là Khất sĩ Tăng bảo, mà tất cả nên phải quy y về mục đích của Tăng bảo, để bước lên Trời Phật, để tập cho cõi đời trở nên Trời Phật.

Khất sĩ, Tăng bảo là kẻ đã bỏ hết cha mẹ, vợ con nhà cửa, bạc tiền, vua quan, chức phận, mới đi tu, người không có tên tuổi sổ bộ gì trong xã hội.

Giới luật Phật bảo đảm cho người, chứng tỏ cho người. Giới luật Phật, tạo nên người trên cao tốt đẹp hơn kẻ thế gian.

Người là một chúng sanh, là một khách tạm của thời gian, sống chung để lo tu học. Người ở trên mặt đất chung của võ trụ không riêng; người thường ở trong rừng sâu, ít hay dạo chơi nơi gia đình xã hội tạm; trừ khi có ai thỉnh rước.

Người sống với tất cả bằng lòng từ bi, người nhìn nhận tất cả chúng sanh, làm vua quan, cha mẹ, quyến thuộc bà con; với tấm lòng lo chung, sống chung ấy, dầu người chưa phải thành Phật, cho tất cả hưởng nhờ, chớ tấm lòng ấy, cũng rất quí quá, đỡ tai hại cho thiên hạ, yên ổn cho mình, và cũng có khi giúp ích lợi cho kẻ khác được, hay như không có gì hết, vì là chúng sanh chung, là con của tứ đại, vốn không đầu đuôi sau trước, khỏi phải có quan vua, cha mẹ, đối với kẻ hiền lương trong ngày hôm nay; vì quan vua, cha mẹ hay chư Thiên cõi Trời xưa kia, cũng còn là phải đi tu giải thoát, để làm Khất sĩ theo chơn lý kia thay.

Nghĩa là: ai cũng vua quan, cha mẹ hồi ngày trước của người tu hết thảy. Còn hiện tại là không có.

Như thế tức là Khất sĩ, không tư vị ai hết, cũng không ghét bỏ ai hết, không dính dấp buộc ràng với việc gì cả. Vì tất cả chúng sanh chỉ là: đồng hành bạn đạo mà thôi, may ra ta chỉ giúp cho nhau, bằng sự học hỏi giác ngộ, nhắc chừng, khuyến nhủ, khuyên can vài chuyện nhỏ nhặt chút ít bên ngoài, chớ không ai lo cho tâm chủ đại sự của ai được.

Như vậy nghĩa là: tự ai phải lo tu tỉnh lấy, ta không nên ỷ lại vào ai, và ta cũng không thể bao trùm, chở che tất cả đặng, thì hỏi vậy thương ghét tư riêng mà làm gì?

Nếu trong đời ta không nương theo ai được hết, cũng không ai ở với ta mãi; vậy thì ta tin họ mà làm chi? Nào vợ con, cha mẹ có ở mãi với ta yên đâu? Chi bằng đối với tất cả, miễn là ta không làm ác là đủ rồi; khi có nhân duyên thì ta tùy tiện, chỉ bảo giúp họ, bằng không thì thôi, như vậy chẳng có khỏe hơn không?

Đối với tất cả chúng sanh, ta hãy xem là như nhau, bình đẳng trong sạch, không tình nghĩa, phải chăng có thong thả nhẹ nhàng hơn không?

Như vậy ta là kẻ đứng ngoài dòm ngó vào trong, tai mắt ta sẽ được thấy nghe nhiều, và giúp đỡ cho họ nhiều việc; mà ta thì lúc nào cũng tỉnh táo, như vô sự, nhàn rỗi. Ta không mờ quáng, vì đứng trong một phận việc khuôn khổ, và không phải bực tức, khổ não, vì lẽ thấy sự thất bại.

Như vậy tức là ta giải thoát, thoát khỏi cái chết, cái lấm lem, ướt nặng.

Lúc nào cũng thấy yên nghỉ, không còn thấy có sự nói làm, dầu là đang khi nói làm, cũng xem coi như lúc đang yên nghỉ, nhờ như thế mà được nhứt định, đứng vững của việc làm, không chán nản thất bại, thay đổi.

Người như thế mới chắc thật là được việc làm ích lợi cho chúng sanh vậy. Người như thế mới tin lấy mình, và tất cả đều tin nơi mình, người ta tin kẻ tỉnh táo sáng suốt yên lặng, trong sạch, chớ không ai dám tin người lăng xăng, rối trí, say mê, tội lỗi không chừng và biến đổi cả.

Vậy mới biết, làm ít mà nên, làm nhiều mà hư, thì chúng ta ham làm nhiều chi cho mệt công vô ích. Bởi thế mà những người tu trung thành với giới luật của Phật, thà chịu chết, chớ không chịu dính dấp lo việc xã hội, gia đình, và không chịu nhận ai là kẻ tư riêng mình hết. Họ cho đó là tội lỗi, là sái quấy, là bất công, là khổ, cái khổ sở, tai nạn và thất bại.

Đời sống của hoa sen, lá sen, quả sen thật là từ bi và trí huệ, sống trong khoảng không trung bao quát mà không thiếu phần ích lợi cho cả chúng sanh phía dưới, thế sao chúng ta lại chẳng noi gương theo, tuy cái sống không mùi vị, mà lại được lắm sự thanh cao, ý nghĩa quí báu.

Trong đời, người ta biết trọng dụng nhân hiền, nghề nào làm theo việc nấy; ông vua không đi cày ruộng, quan văn không cấy lúa, quan võ chẳng cầm cày, binh lính không nhổ mạ, thì sự việc của người tu là giáo hóa dạy dỗ chúng sanh, cũng như lá trái sen phải ở nơi cọng sen, bông hoa sen ở nơi cọng sen.

Người tu không bao giờ chen lộn việc thế được. Vì đời là cõi nước sình, tội lỗi, thân người là báo thân, thân tội báo.

Người ta là tình trạng của tội nhơn, trong đời dễ gì mà có được sự thiện lành, ngay chánh, tốt đẹp, vì nếu đời đã là đúng chơn lý, thì đâu còn có ai phải bỏ ra đi tu làm Trời Phật mà chi nữa. Như thế là Trời Phật đâu phải thấp kém, lạc lầm hơn nhơn loại.

Cõi trần thế mà bị thấp kém, là bởi giáo lý phải theo trình độ của chúng sanh thấp kém, bởi trẻ nhỏ càng sanh nhiều, sanh mãi, ông già lại chết, chết mất luôn. Vì thế mà lớp học của đời, không dung chứa được người học trò cũ, trình độ khá cao, cho nên kẻ đã được hiền lương là mau lo tìm đường giải thoát, bước lên Trời Phật; tức là sen phải vượt lên khỏi đất nước, mới trổ sanh lá, bông hoa, trái đặng.

Người ta, nhân loại, mà chưa biết đến lớp Phật Trời, là bởi học trò lớp ba ở riêng, và mới vào học, chưa được sáng thông, thì làm sao biết được là có sự việc của lớp nhì, lớp nhứt; trách sao có kẻ họ không binh vực giáo lý, chỗ ở của họ.

Hồi gẫm lại cuộc đời, từ mặt đất, cù lao mới nổi cỏ, cây, thú sanh ra, đến lớp nhân người mới tượng, cái sống dĩ nhiên thong thả; người càng đông nhiều, đi tách lạc rải rác khắp nơi, màu sắc thay đổi, từ ít sanh nhiều, lâu ngày lạ mặt, phân ranh, chia chủng tộc, lấn cướp giành nhau, trôi đi, trôi mãi, tới đâu choán đó, gọi của ta, của người, lâu ngày lại bỏ, mà đi nơi khác; họ mãi chen lấn, xô đẩy cùng nhau, chỉ vì sự ích kỷ, lòng tư riêng, tâm ngã ái, dối giả, làm cho cõi đời trở nên ác liệt. Nhơn quả, quả báo liền liền, họ lấy oán thù xương máu làm việc say sưa, đốc xúi, rủ ren, chia phân binh vực, không còn gì lẽ phải, công lý, nên lấy mạnh hiếp yếu, lấy sức làm hơn, thế đông đàn áp.

Trần thế là cõi mịt mờ của si mê, dơ dáy của tham lam, lửa cháy của sân giận. Trần thế là một bãi đất bùn, là một nắm mồ nghĩa địa, hay là phân chất của một hồ sen, nhưng cũng nhờ có phân chất tội lỗi của đời, mà nuôi sanh được hột giống giác ngộ là sen, sen ấy sẽ vượt lên cao, cao mãi.

Trần thế như giữa đám chợ hoang, do đó mới có sự ghê sợ, sự học nghiệm, giác ngộ của sĩ hiền, rồi là họ sẽ tránh xa, xa mãi.

Cũng nhờ có sự hỗn tạp lếu quấy của đám học trò lớp dưới, nên mới phải có lớp cao trên kia. Cũng bởi có sự tội lỗi khổ sở của đời, nên mới có đạo đức, và kẻ đạo đức sẽ không còn ở trong đời; không còn trở lui lại nữa, một khi họ đã ghê sợ, nhờm gớm, chán chê.

Như thế tức là đời hại người, là như xúi người làm Trời Phật, và Trời Phật thì trở lại thương xót, che chở cho đời.

Trời Phật mà không thối chí, ngã lòng, chán nản, trong công cuộc giáo hóa, là cũng bởi đã biết rõ tâm lý của cuộc đời, nhờ biết vậy mà các Ngài bền công gắng chí, mới thành được Phật Trời, và cũng bởi thương xót cứu độ đời, mà lại không nhiễm đời, nên mới đặng chỗ hơn người, đáng cho người kính tôn là Phật. Vậy chúng ta nên phải làm Phật, nên phải tìm đường giải thoát, vượt ra khỏi thiện ác, nước bùn, hãy là bậc Khất sĩ, siêu nhân, cũng như lá, bông, hoa, trái của sen, sen mọc trên mặt đầm của nước đất, vì đời là một cái hồ đất nước để trồng sen! Ai ai rồi cũng là sen hết.