CHƠN LÝ KHẤT SĨ- SÁM HỐI - QUYỂN 54 - TS. MINH ĐĂNG QUANG - MP3 và Ebook

  1. CHƠN LÝ KHẤT SĨ- SÁM HỐI - QUYỂN 54 - TS. MINH ĐĂNG QUANG

SÁM HỐI - QUYỂN 54

Sám là tự hối điều lỗi của mình.

Sám hối là biết tội lỗi của mình mà muốn sửa đổi. Hối là răn dạy, là tiếc điều lỗi trước, hối cải, hối hận, hối họa, hối ngộ, hối quá, hối tội, hối tâm. Sám hối cũng nghĩa là ăn năn chừa bỏ. Ăn năn chừa bỏ tức là tắm rửa trong sạch. Không còn xấu đen dơ bẩn và bỏ sự chấp chứa tội lỗi, kêu là xả đọa. Thế nên gọi là sám hối, thì được xả đọa.

Kẻ mà biết sám hối xả đọa, là sẽ được tấn hóa, giải thoát an vui. Người sám hối phải là bậc trí huệ, sẽ đắc giới và thiền định. Vậy nên gọi sám hối là đạo Phật, vì hằng xét thấy lỗi, ấy tức là đạo Phật, con đường giác ngộ, linh sáng sẽ thường hiển hiện.

Cũng như khi xưa, có một vị đạo sĩ tu đắc thần thông, tự nghĩ mình là A-la-hán. Vị ấy trước kia là một nhà vua. Sau khi tưởng mình đắc quả, Ngài được một vị vua bạn xứ láng giềng, rước thỉnh cúng dường trong cung, và cất lập tịnh xá trong ngự viên, để cầm Ngài ở lại. Khi ấy Hoàng-hậu vợ vua, tới lui nghe pháp hầu hạ; và cảm vì sắc tốt, đức hạnh, quả linh, trí huệ của Ngài. Còn vị đạo sĩ ấy cũng cảm vì nhan sắc trí hóa hạnh kiểm của Hoàng hậu, thế là họ tư riêng chuyện vãn với nhau, làm cho vị đạo sĩ mất phép linh trí huệ và hạnh đức. Vị ấy hết sức ăn năn hối hận, Ngài liền trốn bỏ ngự viên, đi sâu vào trong hang núi, tu tịnh tham thiền; Ngài cố gắng, chẳng bao lâu nhập định được, đắc thành thần thông trở lại, bỏ xác thân luôn, không đi ra ngoài dạy đạo. Vị ấy nhờ sám hối, mà được giải thoát tấn hóa đắc đạo, thật trong đời ít ai được! Vậy nên gọi sám hối là xả đọa, là tắm rửa trong sạch, là đạo Phật con đường giác ngộ.

Kìa như khi xưa, có một vị Pháp sư danh vọng, được rất nhiều chúng sanh sùng bái mến thương gần gũi, nhứt là các hàng phụ nữ sắc đẹp, lại thường lân la bám níu chơn Ngài, Ngài lại để cho vật chất tình thương trói buộc; Ngài cũng như một người trèo núi cao. Vừa lên được một đỗi, cao trên hơn người, nên vô tình ai cũng khen ngợi và muốn đeo theo. Cũng vì thế mà Ngài lại quên mình, ngó xuống trở lại, và để cho nhiều người nặng nghiệp dính đeo, nên Ngài phải bị sút tay té ngã, đùn cục trở lại như ai nấy, vào trong vật chất. Cũng như ở trong cõi đời, người ta cố ý ghét kẻ trèo cao hơn, nên họ oán ghét tật đố, rủ nhau níu kéo trì lại. Làm cho vị pháp sư ấy, phải bị té xuống rất sâu xa, vì bởi địa vị càng cao; Lúc đó ai ai cũng đạp chà khinh bỉ, ố ghét ngạo khi thậm tệ. Nhưng Ngài lại biết sám hối xưng khai tội lỗi, giữa trước mọi người, Ngài xin chuộc tội lỗi với tất cả, bằng sự tự phạt hủy bỏ xác thân, để mưu cầu quả đạo ngày sau. Với tấm lòng chơn thật thiết tha, sám hối ấy, làm cho ai ai cũng cảm động, xót thương hơn là phiền giận; thế là không ai nỡ đành để cho vị ấy tự sát cả. Họ cho rằng: Ngài biết chịu xấu, tức là cái xấu sẽ hết. Họ chỉ biết Ngài từ nay, sắp tới về sau thôi. Không còn ai dám ố ghét việc cũ đã qua.Và kể từ đó, Ngài thật giác ngộ lo tu, trổi khá thêm nhiều, cũng như một người kia, rúng mình xuống thấp, lấy trớn để nhảy lên lớp cao trên hơn nữa. Vậy nên sau đó, người ta lại càng tín nhiệm, theo Ngài đông hơn, bằng cách trong sạch nhẹ nhàng, còn Ngài thì lại cố rán trèo lên, không hề ngó xuống, và Ngài chỉ muốn nhẹ mình, đi mau tới, khỏi phải bị sự vướng đeo chậm lụt... thế là Ngài sẽ đắc đạo, đạo quả càng cao, thiên hạ càng theo đông nhiều thêm mãi. Ngài biết làm cho người ta quý trọng tôn sùng, không còn ố khinh ghét đạo, bằng cách mượn đạo làm nhơ, sâu mọt, của đạo Phật. Như vị Pháp sư ấy biết sám hối nên được xả đọa, lại được lòng thương yêu quý trọng và nên công, thật cũng khá khen lắm.

Thế nên gọi đạo Phật là sám hối, sám hối là giác ngộ, con đường của chúng sanh đó.

Kìa như đức Phật Thích-ca Mưu-ni, Ngài nhờ sám hối mà được giác ngộ thành Phật. Ngài nói cho tất cả chúng sanh đều biết rõ rằng: Trước kia Ngài ở trong địa ngục, nhờ biết sám hối, mà đến được Niết Bàn.

Địa ngục ấy là “cái tước vị vua quan giàu sang Thái tử” bất công tội lỗi thái quá. Kìa cái sống của chúng sanh trong đời, bình đẳng như sợi dây ngay; của mặt nước yên lặng, thế mà Ngài đã tạo ra những lượn sóng, thấp cao trồi hụp, cho giữa cõi đời. Ngài mà tạo nên được cái địa vị quan trọng tội lỗi ấy, là đã phải biết bao sự ác quấy đua chen, giành cướp lẫn nhau, hại khổ chết biết bao chúng sanh muôn loại. Ngài giải thoát xuất gia đi tu, tức là Ngài sám hối xả đọa lấy Ngài. Do đó mà biết bao nhiêu kẻ trước kia thù oán, tật đố ghét giận Ngài, trở lại thương yêu Ngài và kính phục Ngài nữa. Thế là họ đã quên hết những tội lỗi trước của Ngài, họ chỉ thấy Ngài địa vị ác cao trên, mà không toại hưởng, lại bỏ đi tu mà cho là quý báu, ít có gặp, nên họ tôn sùng Ngài. Chớ tự Ngài là đã thốt ra rằng: Một người sống đời bình thường trung đạo, mà lại giác ngộ là đúng lý hơn, đạo của Ngài sau này là như vậy, giáo lý của Ngài là y thế. Một người ở mực trung bình, mà không tham vọng, là chánh lý quý báu lắm, kẻ ấy là Phật giác ngộ đó. Kìa một kẻ kia, vì muốn sự thái quá bất cập, tạo gây ác quấy, để nên một địa vị, rồi mới dứt bỏ, trở lại công bằng, thì có phải là vô lý sái trật, đi chậm lụt thua sút người trung bình giác ngộ kia chăng? Một kẻ sớm giác ngộ ở mực trung ngay, có phải đỡ khá hơn là tạo tội ác, rồi mới dứt bỏ, hay đến khi bị khổ báo, mới chịu hồi đầu! Thế nên Ngài cho rằng: kìa lượn sóng hễ cao bao nhiêu, là tội lỗi bấy nhiêu và rồi sẽ thấp xuống bấy nhiêu, cái khổ cực nhọc, nó sẽ bằng hai cái mực giữa; đó tức là công lý tương đối giác ngộ, cho kẻ lầm mê. Kẻ ấy là lầm mê hơn người mực giữa. Vậy thì một vị Thái tử đi tu, sao bằng một người thường nhơn đi tu. Một người thường nhơn là đang ở tại công lý, lằn mức trung đạo mà giác ngộ, thì tức biết mình là Phật, rất mau lẹ hơn, vị Thái tử tội lỗi, bỏ mức trung bình, tạo gây ác quấy làm vua quan giàu sang chi cho mất phí thì giờ, rồi lại sợ quả báo sợ khổ, hoặc đến lúc bị khổ báo, mới sẽ giác ngộ tập tu giảm lần trở lại. Ngài cho rằng: chúng sanh quý trọng Ngài, là hiểu lầm. Mà chính nên phải quý trọng kẻ không hơn thua kia mới phải.

Thế mới biết rằng: Chúng sanh ít hay giác ngộ, vì mảng bị hoặc nghiệp tội lỗi áng che, nên không tài gì, giữ cái Phật tự nhiên mực trung, để phải đợi đến lạc lầm, thái quá bất cập, rồi mới giác ngộ và khen kẻ tội lỗi kia rằng: Không hưởng lấy tội lỗi, lại trở lại lớp cũ trung đạo, là quý báu ít gặp.

Thật vậy: chúng sanh chưa có khổ, thì ít hay giác ngộ, và chẳng biết mình. Cũng như những đứa trẻ nhỏ, bỏ nhà, chạy chơi hoang, gặp nạn khổ, mới biết tởn sợ, mà trở về nhà cũ, chừng đó lại khen trọng nhà cũ, chê trở lại cái đi hoang: nó khen nó biết trở lại là hay, mà không biết cái trước kia, ở yên nơi nhà, là quý báu hơn hết.

Thế thì giác ngộ ấy, tức là sám hối, còn giải thoát ấy, là xả đọa; chúng sanh kém trí mà được biết sám hối xả đọa, y như đức Phật, ấy cũng là khá lắm, đỡ tai nạn hơn kẻ còn mê muội.

Kìa như trong thế gian có những danh quyền địa vị: Một ông vua đang ngồi tại đền chánh, thi ân bố đức dạy dỗ cứu người, thì phải là vua, chớ ngoài ra giờ ấy, ông đã cổi áo ra, thôi làm việc, thì cũng là một người ta như ai nấy, nào có tên vua nơi cái ăn uống, vui chơi, con vợ: thế mà ông ấy lại cũng tự xưng vua trong những cái ấy, lúc ấy, có phải là chướng lạ chăng? Thế mà cũng có lắm kẻ lại nịnh hót tôn hùa, vẫn muôn tâu bệ hạ như thường. Vì thế mà ông ấy với những kẻ ấy, vẫn mãi phải hư tệ si mê, chưa giác ngộ tấn hóa nên hay được, là bởi chưa biết sám hối xả đọa.

Lại ví như một ông quan to, danh từ chức phận của quan, là trong lúc hành phận sự chánh thôi, còn ngoài giờ khác, là cũng chúng sanh người ta chớ sao! Thế mà khi đã hưu trí, hoặc thôi làm việc rồi, về nhà xứ, lại cũng còn xưng quan lớn, và có lắm kẻ tâng hót gọi quan to nữa! Đã vậy nào thôi, kìa một người từ nhỏ tới già, chưa hề nói một lời, làm một việc, của cái phận sự quan, quán xét đến dân, thế mà vì tiền của, lại cũng có một hàm ân chức tước, của kẻ khuyến dụ phong quan hàm. Và từ đó là một ông quan tự xưng nghiễm nhiên, để cho ngưòi ta kêu gọi; mà tại sao là chẳng phải chúng sanh, như người ta ai nấy chớ gì.

Kìa như một ông chồng, có cấp bằng bác sĩ, ông ấy đang chữa bịnh, người ta kêu gọi, hay là ông nói mình bác sĩ, cũng là phải; nhưng vợ ông ấy, tại sao người ta lại kêu là bà bác sĩ; có phải vô lý không? Mà tại sao không gọi là bà vợ của ông bác sĩ, hay cô giáo, cô hai, hay vợ ông tư thầy thuốc, kêu theo việc làm của người đàn bà ấy, cho đúng sự thật. Ví như người nấu cơm, giặt áo, đi chợ, thì tại sao chẳng kêu gọi là bà nấu cơm, giặt áo, đi chợ lại gọi là bà quan, bà thầy thuốc, cái quan, thầy thuốc đâu có nghĩa nơi nấu cơm, giặt áo, đi chợ ấy. Cũng như một người đàn bà đi chơi, cờ bạc, thế mà người ta lại gọi là bà lớn, bà vua, bà quan, cô giáo, bà thầy, sái phép, vì danh từ ấy đâu phải có ở nơi sự đi chơi, cờ bạc, hoặc là son phấn v. v…

Cũng vì thế mà trong đời người ta mới gọi rằng: Một người làm quan, ba họ đặng nhờ; cũng như: cha làm quan có cấp bằng, trong khi làm việc, thế mà ngoài lúc ấy, cũng là quan, con của quan, tớ của quan, trong họ hai bên ba phía thảy là quan cả, thì còn gì là chúng dân thiên hạ. Cho đến đứa con cháu dốt nát, ngày sau cũng được nối tước quan như cha, để dạy dân ư?

Người ta đâu có rõ rằng: danh từ là chỉ có nơi việc làm hiện tại, mỗi lúc mỗi thay đổi theo việc làm, và của ai là của riêng nấy, chớ phải nào là hơi hám mượn cậy, nơi kẻ kia, hoặc trong giờ khác, cho mình, trong mỗi việc khác.

Thế nên mới biết rằng: đời là sai lạc tội lỗi, mê muội, sái quấy, vô lý quá. Một đứa nhỏ kia, một người đàn bà nọ, là cũng chỉ như người ta, tên gọi theo việc làm, chớ nào phải vua quan, đang làm phận sự, mà dạy bảo rầy phạt người khác.

Cũng như kìa đến trong nhà đạo giáo: Một ông thầy đang dạy đạo cho bá tánh, người ta kêu là sư đã đành, thế mà có kẻ lại còn gọi cha mẹ trước kia của vị sư ấy, là sư ông, sư bà, hay con cháu chú bác cô dì của nhà sư, lại gọi là sư tử, sư tôn, sư chú, sư bác, sư cô, sư dì, sư dượng. Thật là trái lẽ; những kẻ ấy có biết dạy bảo ai chi đâu, thế mà người ta lại tôn hùa, để cho họ tự cao quái ác. Cái tiếng nhà sư, mà lại có những quyến thuộc đeo theo lạm dụng danh từ, ấy thật xấu xa cho nhà Phật. Người ta sẽ nói: Phật có vợ con cháu chắt à!

Kìa bà Ma Gia là mẹ Sĩ Đạt Ta, sao ta lại bợ tâng hót là Phật mẫu. Chư Phật có mẹ hay sao? Bà nào dám xưng mẹ Phật?

Cũng như Phật là con của chư Phật quá khứ, còn Sĩ Đạt Ta, là con vua Tịnh Phạn, con vua Tịnh Phạn đã chết, còn Phật đây là con của chư Phật, chớ nào phải Phật là con của vua Tịnh Phạn. Còn La Hầu La là con của Sĩ Đạt Ta. Chớ đâu phải Phật mà có con, chính con Phật là chư Bồ Tát Phật tử kia mới phải. Như nàng Gia Du là vợ Sĩ Đạt Ta sao ta lại dám nói là vợ Phật. Vậy ra thành Phật rồi, mới đi cưới vợ sanh con, có cha mẹ ư? Thế là người ta ở đời nói quấy hiểu sai quá; do đó mà tội lỗi lại chất chồng lên!

Kìa một người làm ruộng, bước qua mua bán, chết bỏ nghề nông khi trước, thì chúng ta phải gọi họ là mua bán ngay việc làm, chớ nào ai gọi là người làm ruộng đựợc. Vậy thì đó là lẽ giác ngộ của chúng ta, lẽ ấy có ra là do biết sám hối, thì sẽ được tấn hóa xả đọa, tránh xa tội lỗi lạc lầm, mà sẽ thấy rõ ra tất cả chúng sanh là trung đạo, như nhau có một mực.

Sự thật đúng y như vậy! Sở dĩ mà chúng ta lạc lầm si mê đến thế, là bởi từ xưa, các sự chiến tranh cướp giành chen lấn, mạnh được yếu thua, nâng cao cái ác, lấy tà quyến dụ, đem danh lợi cám dỗ, mê hoặc, một cách vô lý ngông cuồng mãi như thế, để cho loài người hấp thụ, thành quen, trắng đen không còn phân biệt. Để xô chúng sanh vào đường tà ác, mãi mãi về sau, thảm thương tai hại. Thật là ít ai giác ngộ. Và quái ác thay, cho kẻ bày mưu hướng đạo, bịt mắt chúng, dắt theo mình, đặng dễ bề tạo tội, cho ngày sau phải khổ báo trả vay, thêm sâu kết chặt, vô ích vì nhau, tạo nên cõi đời những lượn sóng trùng ba rùng rợn, dưới những cơn gió táp cuồng phong của họ.

Thật là thảm thương cho sự mê muội tội lỗi.

Cũng vì thế mà lắm kẻ chán ghét đời. Nhưng thật ra, đời đâu phải thương ghét, họ ghét là ghét cái không giác ngộ, chẳng biết sám hối xả đọa của những kẻ mê muội tội lỗi, mà lại mãi cố chấp tự đắc tự cao ấy thôi. Kẻ ghét đời ấy, cũng chưa phải là đúng, mà sự thật là ta phải xót thương; thương hại họ, nên phiền trách trở lại mình, tại sao mình không giác ngộ cho họ sám hối xả đọa cho sớm! Nhưng ghét đời sao cho bằng ghét đạo, ghét đạo là ghét những kẻ mang danh dẫn đạo, mà lại mê muội tội lỗi, không chịu sám hối xả đọa, đã biết giác ngộ, mà lại còn làm tệ, lại đem cái tệ dạy người ta, mà cho là phải của mình; cái ấy mới đáng ghét của người đời đối với đạo, bởi làm mất đức tin của họ.

Cũng vì thế nên chư Bồ Tát khi xưa, mới bày ra cách sám hối hồng danh. Hồng danh là danh từ pháp lý của chư Phật, chử đỏ nêu gương nơi quyển sổ vàng, lịch sử của đạo Phật, đối với cõi đời, các danh Phật ấy là pháp lý, giáo lý, đạo lý, những ai muốn sám hối xả đọa, và muốn cho có một cái pháp của Phật để nương theo, đặng tu cho mau giác ngộ thành tựu, như tên vị Phật ấy, thì phải đọc nhắc đến danh từ hạnh nguyện ấy, để đặng thật hành quán xét cho đúng, thì dễ dàng sám hối xả đọa. Hoặc như người ta đọc ra nhiều tên Phật, tức là nhiều cái pháp lý, để cho hiểu nghĩa, đặng thích ham, mộ tu, giác ngộ, mà sám hối xả đọa lìa xa, bỏ ra, vượt qua tội lỗi. Các danh Phật ấy là pháp, là pháp lý dẫn đạo, dạy tu, cũng như ông thầy, như Phật, thay Phật, chớ không phải có ông Phật tên đó. Trong quyển sám hối hồng danh, phần nhiều là pháp danh, chớ ít vị Phật nào có thiệt. Nhưng nói vị Phật nào có những tên đó cũng được, vì Phật là có đủ các pháp. Vậy nên những ai sám hối xả đọa tội lỗi mê muội của mình, là sẽ được giác ngộ lần lần, và noi theo gương tích hạnh nguyện của một tên Phật, hay pháp lý danh từ thích hợp, là kẻ ấy tập tu theo pháp đó, về sau sẽ đắc tâm đó, nên gọi là thành Phật tên đó. Vậy thì trong 89 tên Phật trong quyển Hồng Danh, hay vô lượng pháp danh của pháp, ai tu theo pháp nào cũng giác ngộ đắc quả cả; vì kẻ tu ấy, tức là đang sám hối xả đọa, nên sẽ tấn tới thành Phật được. Kìa như tên Phổ Quang Phật, là phổ tế ánh sáng giác ngộ cho chúng sanh, thì sẽ thành Phật; Phổ Minh Phật, là phổ tế sự thông minh cho chúng sanh minh mẫn, thì sẽ thành Phật; Phổ Tịnh Phật, là phổ tế sự thanh tịnh trong sạch cho chúng sanh, thì sẽ thành Phật; Phổ Tạng Phật, là phổ tế Pháp bảo Tam tạng cho chúng sanh, thì sẽ thành Phật v.v…

Nghĩa là: Kẻ nào hành đúng y danh từ ấy tức là tu, sẽ thành Phật có tên đó. Kẻ đang tu ấy, là đã chứng tỏ sự giác ngộ sám hối xả đọa dứt bỏ nghiệp trần, tự độ lấy mình giúp ích chúng sanh, nên sau này mới thành Phật đặng.

Vậy thì quyển sám hối Hồng Danh, tức là con đường dắt dẫn người sám hối xả đọa, giải thoát tấn hóa; tu theo các danh từ pháp lý, lý nghĩa ấy, để đặng sau này thành Phật, chớ chẳng phải lạy ông Phật đó, để ông ấy tha tội cho. Vì nào ta có làm khổ ông đó, mà lạy, rồi ông ấy sẽ tha, hoặc may ra ta có lỗi sái, là việc làm không đúng với pháp lý tốt đẹp nên hay đó vậy thôi, chớ ta không có tội lỗi chi với ông nào ấy cả. Nhưng sự cung kỉnh lễ bái ấy, là để biết quý trọng Pháp, mà thật hành tu theo, đặng biết ghét chán sợ tội lỗi của mình đó thôi. Như thế thì quyển sám hối ấy, là pháp tu giác ngộ rất có ích lợi cho kẻ thật tâm tu hiểu lý nghĩa, để đặng dễ bề sám hối xả đọa, mà nương theo những pháp lành trong sạch.

Đó là phép sám hối dạy tu cho sư sĩ, còn lòng tự ái cao trọng, chứa tội, không dám nói lỗi của mình ra, của những kẻ phàm tâm, chớ những bậc muốn tu hạnh Thánh, cầu xuất gia giải thoát, thì phép sám hối, là phải nên tự xưng khai ra ngay giữa hội chúng, có như thế mới được xả đọa ngay liền, không còn tái phạm, thì mới trông tu hành đến ngay quả Phật. Chính sự đại hùng đại lực dõng mãnh tinh tấn, xưng khai ấy, mới đáng gọi là bậc Thánh nhơn trong sạch, mới phải gọi là phép sám hối chơn chánh, đúng lý, ít ai làm được. Do đó mà thiên hạ đặng chỗ tin cậy, tùng phục, nên họ mới xưng tặng là các nhà sư.

Chính sự sám hối là tu, có sám hối mới có tu, tu là sám hối. Kìa như vị đạo sĩ, vị pháp sư địa vị quan trọng trong đạo, phạm giới to nhứt, như rắn đứt đầu. Sự phạm giới ấy là như đã chết rồi. Tất cả chư hiền thánh thảy đều kinh sợ. Lại như vua quan từ xưa là tội lỗi chất chứa lớn cao hơn hết, như kẻ bị chôn sâu, không tài gì cứu vớt, thế mà cũng nhờ sự dõng mãnh của trí huệ giác ngộ, nên sám hối xả đọa giải thoát mau lẹ, còn chút hy vọng được thay; huống chi là chúng ta ngày nay, chưa đến đỗi, sao chẳng mau lo sám hối tu hành đợi phải bắt chước kẻ kia, thì dễ gì, cả triệu chúng sanh, mà sống nên được một ý như họ. Mà chẳng phải là sám hối trước, là chắc hay quí báu hơn hết...

Vả lại chúng ta cũng rất cần sám hối, vì khi ta chết đi, xác thân không còn nữa, thì đâu còn mắt mà thấy, đâu có tai mà nghe, đâu còn mũi mà hưởi, đâu có lưỡi mà nói nếm, đâu còn tay chân mà đi làm, đâu có mình bụng mà dung chứa! Thế là cái biết chỉ là biết vu vơ nhớ tưởng bậy bạ đâu đâu, ở trong cái im lặng, tối đen không không tất cả vạn vật, cái biết ấy cũng không phải là một lằn khói ai đụng nó, nó đụng cái chi cũng như không có chi cả. Nó đâu còn thấy nghe, đụng chạm người thú cái chi. Sự tưởng tượng của nó lúc đầu, là như nhớ tưởng xác thân của loài người.

Đối với kẻ tu nhập định yên lặng được, thì sẽ cứng chắc yên vui còn mãi, và có thần thông, gọi là Phật Thánh, còn kẻ ít mê trần nghiệp tội, thì ít loạn vọng, nên dễ chịu, chịu được cảnh im lặng tối đen không không, về sau chừng vững khá linh thiêng, thì còn biết đường thấy chỗ nhập thai, hoặc bị quỉ ma hóa ra Phật Thánh Trời Tiên dẫn dụ gạt gẫm, hay bị yêu tinh biến ra quyến thuộc nhận nhìn, lôi cuốn, cũng là còn khá. Chớ nếu kẻ sanh tiền tội lỗi ác gian nhiều, khi chết đi ngàn năm ức kiếp cái biết không ra khỏi cảnh ấy đặng, hoặc phải diệt tiêu, là bởi loạn tâm, dục vọng, phiền não, thất tình, làm cho càng yếu ớt, hoại lần cái biết, đến hết biết là tiêu diệt.

Vì cái biết là do tập từ nhỏ tới lớn, biết có lần lần; do nhiều đời, bởi nhân duyên tạo ra, rồi sẽ bị nhân duyên loạn vọng diệt tiêu, làm cho hết biết trở lại. Cũng ví như thương quá hết biết, ghét quá hết biết, mừng hay giận quá hết biết, buồn hay vui quá hết biết, ưa muốn, dục vọng, hối hận, phiền não quá cũng hết biết! Đó tức là sự tiêu diệt, cái ta hư hoại, bởi các ảnh hưởng của tội lỗi lúc sanh tiền. Đó là điều đáng cho chúng ta lo sợ hơn hết, mà cần phải sám hối xả đọa, để cho tâm được vững yên tròn cứng, nhập định chơn như làm Phật, ích lợi cho mình trước, còn sự ngoài của ai ngày nay, là trối mặc họ, vì mình là phải thương mình trước hơn hết. Dầu chẳng được vậy, cái biết ta cũng dễ chịu, có phải bị đọa lạc vào xứ của quỉ ma hành phạt đi nữa, cũng còn mong có ngày giải thoát vượt ra, nhập thai, hay theo Phật. Cũng là còn khá hơn sự tiêu diệt đáng tiếc. Thế mới biết rằng: tội lỗi chẳng phải hại cho xác thân không thôi, mà là nó sẽ giết hại tâm hồn ta nữa, việc mình làm là chỉ hại lấy mình. Vì cái ác quấy là sự hư thúi của trái tạo ra, sẽ sanh phiền não là con sâu, con sâu phiền não sẽ đục phá lần cái biết tâm hột tiêu hoại!

Vậy thì cái biết tham lam dục vọng của ta, là hột non nớt, có ngày bị hủy bỏ.

Cái biết trong sạch thiện lành, là như hột lớn cứng già cũng được khá; nhưng sao bằng chính cái biết định yên chơn như, mới phải hột chín cứng khô, sống mãi để đời, kêu là giác chơn, Phật, hay là ta đó.

Có hiểu thật ra như thế, chúng ta mới sẽ biết sợ cái non nớt thúi sâu, mà hằng giữ mình sám hối trong sạch, dứt xa phiền não, nuôi lớn cái ta, là quý báu vĩnh viễn, tốt đẹp yên vui hơn hết.

Ai ai cũng khá nên phải sám hối hết.

PHỤ THÊM

CÁCH NGÔN: Ở đời có sẵn công lý!

Nghĩa là: tứ đại sanh thân, ai cũng có một thân như nhau. Nên miếng ăn của tất cả mỗi người, đều bằng nhau.

Ai ăn nhiều thì hết sớm, người ăn ít sẽ ăn bền.

Cao bao nhiêu là sẽ thấp bấy nhiêu, thấp bao nhiêu là sẽ cao bấy nhiêu. Khỏi ai phải phân xử, sắp đặt cho ai cả. Vì cái khổ nó đã giác ngộ cho con người. Nên gọi là công lý có sẵn trong đời, hay là ở đời có sẵn công lý ấy rồi, nào phải đợi gì ai lo cho ai, cho nhọc.

PHẬT NGÔN: Kẻ mà không biết sám hối cũng như ông cha có râu mà còn kiêu mạn, nghĩa là kiêu mạn là tánh trẻ con, thế mà người để râu xưng gọi mình cha ông, bậc giác ngộ kinh nghiệm nhiều, mà còn kiêu mạn láo táo, như trẻ nhỏ, là xấu xa đen đúa lắm. Kẻ không biết sám hối cũng y như thế. Vả lại cha ông, là tiếng trẻ nhỏ tôn trọng, chớ mình tự xưng cha ông là sái quấy tội lỗi, bởi tất cả chúng sanh trong võ trụ là bình đẳng như mặt nước bằng mình, bằng có sở chấp thấp cao như trẻ nhỏ, là còn mê muội hơn trẻ nhỏ. Vậy nên trong đời là đừng nên có ai tự xưng hết. Người lớn là phải khiêm nhượng, còn trẻ nhỏ nó trọng tôn, là sự tấn hóa phải hay cho nó. Như thế mới gọi là võ trụ đại đồng bình đẳng của nhà Phật!