CHƠN LÝ KHẤT SĨ - CHÁNH PHÁP - QUYỂN 21 - TS. MINH ĐĂNG QUANG - MP3 và Ebook

  1. CHƠN LÝ KHẤT SĨ - CHÁNH PHÁP - QUYỂN 21 - TS. MINH ĐĂNG QUANG

CHÁNH PHÁP - QUYỂN 21

CHÁNH PHÁP LÀ PHÁP CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC, GỌI TẮT LÀ PHÁP CHÁNH GIÁC

BỒ ĐỀ ĐẠT-MA

Pháp chánh giác có hai chơn: là pháp học và pháp hành. Còn hành thì còn đạo, hết hành thì hết đạo. Cho nên đời nay, người ta gọi đời mạt pháp, là bởi có học, chớ không có hành; nghĩa là người ta không có thật hành đúng theo pháp chánh giác của chư Phật nữa; tức là người ta hành theo tà pháp, còn học thì học theo chánh pháp. Tuy nói vậy, chớ người ta cũng không nhận sự học của người ta, theo kinh điển là chánh nữa, vì người ta nói: “Xứ này không có Phật, và thời này là mạt pháp, hết pháp rồi. Kẻ đang tu học bây giờ đây, là đạo của riêng mỗi người, chớ không phải đạo Phật nữa”. Người ta nói: “Đời nay kẻ tu đều là tà đạo hết vậy”.

Câu nói ấy làm cho ai cũng buộc miệng trả lời cả: Cái pháp tự nó vốn đâu có hưng hay mạt, mà mạt là chỉ tại nơi người làm mạt đó thôi! Cũng như đạo đâu có bao giờ mất, mất là chỉ tại người bỏ đạo làm mất đó thôi!

Thật vậy, người tà chớ đâu phải đạo không chánh, người mạt chớ đâu phải pháp không hưng.

Chỉ tại người có học không hành, không tu là chẳng thành, chớ sao lại gọi là hết pháp, không Phật? Chánh pháp là sự sống, hay giáo lý của chúng sanh đối với vạn vật, đúng y theo chơn lý.

Chơn lý là lẽ thật trong võ trụ, từ tứ đại địa cầu, sanh ra cỏ cây, thú, người, Trời, Phật. Lẽ thật ấy là tiến, là sống, mà chánh pháp của chư Phật là sự chỉ rõ cách tiến đến quả Phật cuối chót. Chơn lý ấy bao giờ cũng hiển nhiên nơi thế sự, ví như mặt đất liền, chỗ sanh sản ra chúng sanh; chỉ tại kẻ giác ngộ, cùng người chưa giác ngộ, chớ sao lại gọi là hết pháp? Vả lại pháp được chơn chánh là tại chỗ thật hành, chớ nào phải chỉ có học, mà không hành, rồi sợ mang tiếng tà đạo, phải gọi là mạt pháp? Lời nói ấy là giết hại đạo Phật, hủy báng Tam Bảo, mê hoặc chúng sanh để chịu nghiệp trầm luân khổ sở.

- Cái gì là chánh pháp của chư Phật?

- Tứ y pháp là chánh pháp của chư Phật mười phương ba đời, là giáo lý Y bát Khất sĩ vậy!

TỨ Y PHÁP

1.

Người tu xuất gia: Chỉ ăn đồ xin mà thôi, nhưng ngày hội, thuyết pháp, được ăn tại chùa.

2.

Người tu xuất gia: Phải lượm những vải bỏ mà đâu lại thành áo, nhưng có ai cúng vải, đồ cũ thì được nhận.

3.

Người tu xuất gia: Phải nghỉ dưới cội cây, nhưng có ai cúng lều am nhỏ, bằng lá, một cửa thì được ở.

4.

Người tu xuất gia: Chỉ dùng phân uế của bò mà làm thuốc trong khi đau, nhưng có ai cúng thuốc, dầu, đường, thì được dùng.

Tứ y pháp là pháp xuất gia, giải thoát ra khỏi nhà: ăn, mặc, ở, bịnh, của hang ma lầm lạc, sống đúng y theo chơn lý, của miếng ăn có sẵn trái rau, sự mặc có sẵn lá vỏ, chỗ ở có sẵn bộng hang, thuốc uống có sẵn nơi cây cỏ, của cổ nhơn xưa, người chơn thật, không hay vọng động khổ não. Tứ y pháp là pháp trung đạo chánh đẳng chánh giác, không thái quá bất cập, nhờ đó mà chư Phật mới đắc tâm chơn thành Phật. Các Ngài khi vào xóm, thì đi xin ăn học và dạy lại người, khi ở rừng thì nhập định chơn như nín nghỉ. Đức Phật nào cũng y như thế, ngoài Tứ y pháp ra, thì không phải đạo Phật, không giống chư Phật, chư Tăng và không phải là giáo pháp chánh chơn của Phật. Vì vậy cho nên Tứ y pháp là đứng đầu trong tạng luật, và khi xưa kẻ mới tu xuất gia nhập đạo, thì Phật dạy cho Tứ y pháp trước hết, và dạy cho biết đạo Phật là đạo Khất sĩ vậy.

Có làm Khất sĩ sống chung, học dạy chung lẫn nhau giữa ta và người, thì mới thành bậc Chánh đẳng Chánh giác, Vô thượng, là Phật đặng. Và ngoài giáo pháp bốn điều y ấy, thì không có pháp nào thứ hai để dứt tham, sân, si được.

Tứ y pháp là gồm cả luật tạng nên gọi là Chánh pháp.

Tứ y pháp còn, là đạo Phật còn.

Tứ y pháp mất, là đạo Phật mất.

Ai hành sái Tứ y pháp, tức là tà pháp.

Và thấy Tứ y pháp, tức là thấy Phật hiện tại.

Tứ y pháp là đạo Phật!

BỐN PHÁP THÁI QUÁ

1.

Nhịn đói không ăn.

2.

Lõa thể không mặc áo quần.

3.

Phơi nắng dầm mưa giữa khoảng trống.

4.

Đau không uống thuốc liều mạng.

Bốn phép tu này của các vị tu Tiên đạo Trời, mà khi xưa đức Phật từng gặp nơi rừng xứ Ấn Độ. Họ hành phạt xác thân cho khổ, để cầu sanh lên cõi trời hưởng sự vui, họ tu bằng lòng tham muốn, ý móng dục, lòng kiêu mạn, chấp ta mạnh mẽ, mà đức Phật cho đó là sự khổ, họ làm thêm sự khổ cho họ, vì cái thái quá là chẳng có bền, hết thích ưa thì nhàm chán ở một bên, rốt ráo tinh thần, không vật chất thì có ngày sa ngã, cũng như kẻ trèo quá cao, thì sẽ mỏi chơn té ngã. Cũng như dây đờn thẳng quá phải đứt.

Chư Tiên ở cõi Trời không lâu, là cũng vì lẽ ấy, nên có ngày sa đọa. Kẻ hành thái quá, có khác nào người tự vận liều mình, thì kẻ đó có được yên vui bao giờ; hơn nữa họ làm cho người ta phải cực lòng năn nỉ chìu chuộng, hoặc vì sự thấy lạ, mà người xúm đông khoe hay, khen giỏi, hoặc là âm mưu vụ lợi chi đó, gạt gẫm người ta. Người hành thái quá để rồi bất cập, hết cái tột cao, rồi tột thấp, trong tâm không bao giờ yên lặng tự nhiên bền vững. Việc làm ấy cũng như kẻ bị lửa đốt. Pháp tu ấy thật rất thiện rất cao, không phải là trung đạo giải thoát khổ được, và cái cao ấy có ngày phải gãy, mà không ai theo nổi. Bốn pháp thái quá làm hư tâm trí, nên đối với đức Phật, đạo Niết bàn, thì cho là còn kém sự giác ngộ, còn ở một bên lề, chớ chưa phải là đạo chơn, chánh giữa, mặc dầu kẻ tu ấy cũng là thiện chớ không phải ác, nhưng vì chấp thiện mà phải khổ, thì không gọi là yên vui được.

BỐN PHÁP BẤT CẬP

1.

Ăn nhiều bữa, nhiều món, chấp vị ngon.

2.

Mặc áo quần, chưng diện đủ thứ.

3.

Ở nhà ngói, lầu đài, xe cộ sang trọng.

4.

Không đau mà trữ sẵn thuốc uống, bổ dưỡng luôn luôn.

Bốn pháp này là của hàng nhơn loại không tu, dung dưỡng. Bốn pháp bất cập của thế gian, làm cho tâm trí hư tệ, ham danh lợi mà ác, tham muốn vui mà khổ, sợ cực nhọc mà hư, họ là kẻ vô dụng, chỉ mong sự hưởng phước, hết phước rồi tạo tội, kẻ ấy bị vật chất chôn lấp nhận đè, ra không khỏi, ở trong bốn vách tứ sự: ăn, mặc, ở, bịnh, như người tội, thúi hôi dơ dáy, ngộp hơi, khổ não, mà còn bị tai họa liên miên, ấy là vũng sình lầy trần thế, ở một bên lề đạo, chẳng phải là con đường cao ráo, sạch sẽ, yên vui, sáng lạn của bậc giác ngộ vậy.

Pháp thái quá tột cao

Pháp bất cập tột thấp

Hai pháp ấy tương đối cùng nhau gọi: thiên đường và địa ngục, chẳng phải là mực trung yên nghỉ được, của người giác ngộ, nên không phải là đạo Phật.

Hai pháp hai bên lề ấy, là chỗ chạy nhảy leo trèo của người lớn, nhỏ, chớ chưa phải là nơi yên nghỉ của ông già, cũng như vua quan, giàu sang, với tội, dân, nghèo khó, hai lớp ấy là khổ, chớ chưa phải là trung đạo, yên vui đứng vững; và cũng đó là đạo riêng, giáo lý riêng, chớ không phải là đạo của tất cả chúng sanh, nương theo được, học theo được.

Con đường mà tất cả chúng sanh nương theo và học theo, phải là mực trung, cho kẻ trên người dưới, đều lên xuống ở nghỉ được, mới gọi là con đường của tất cả, hạp vớt tất cả. Vậy thì thái quá bất cập, là nguyên nhân của sự luân hồi sanh tử khổ, tức là chưa phải chánh pháp vậy. Thế nên đức Phật khi xưa mới chỉ ra chánh pháp, là pháp hành đúng theo Tứ y pháp trung đạo. Ngài và chư Tăng đều hành theo Tứ y pháp lúc đầu, chớ không có giới luật chi cả, vì hiểu nơi Tứ y pháp tức là tự mình hiểu nơi giới luật rồi. Giới luật có là lúc sau này đệ tử quá đông nhiều, không hiểu đạo, làm sái quấy, Ngài mới bày ra giới luật răn phạt kẻ không nghiêm, chớ Tứ y pháp mà ai thật hành đúng và thấu đạt cả lý nghĩa tức là đắc đạo vậy.

Chư Phật đắc đạo là do Tứ y pháp

Chư Tăng đắc quả là do Tứ y pháp

Pháp bảo là giáo lý của Tứ y pháp

Khi xưa chư A La Hán có vị đắc quả bằng Tứ y pháp, mà trọn đời không được nghe Phật thuyết pháp, giảng dạy một câu. Ấy vậy, ai hành đúng theo Tứ y pháp tức là đúng theo chánh pháp của chư Phật ba đời, là giáo lý y bát chơn truyền vậy. Mà kẻ thật hành, thì phải giữ được từ mười giới, một cái bát để xin ăn, và một bộ áo ba cái đủ che thân thôi. Vì có giải thoát vật chất tứ sự như vậy mới đi được khắp nơi, sống cùng tất cả, mà trau tâm giồi trí, nên người được. Như vậy con người rảnh rang, không bị buộc ràng vì vật chất, mới làm nên việc hơn đời được. Trong Tứ y pháp có chứa mười giới này:

1.

Không sát sanh

2.

Không trộm cắp

3.

Không dâm dục

4.

Không nói dối, khoe khoang, đâm thọc, rủa chửi

5.

Không uống rượu say sưa, vì tham lam, sân giận, si mê.

6.

Không ngồi nằm ghế giường cao rộng, chiếu lớn chỗ xinh đẹp

7.

Không nghe xem hát múa, đờn, kèn, chỗ vui đông yến tiệc

8.

Không trang điểm phấn son, dầu hoa và áo quần tươi tốt

9.

Không ăn sái giờ (từ quá ngọ tới ngọ mai, ăn chay)

10.

Không rớ đến tiền, bạc, vàng, của quý, đồ trang sức.

Không làm vua, quan, giàu sang, cũng không làm tội dân, nghèo khó, phải đi khất thực xin ăn tu học… Tứ y pháp là pháp giải thoát nuôi tâm tu học, chớ không phải khổ hạnh, hay dung dưỡng sung sướng.

Tứ y pháp là kho tạng kinh, kho tạng luận và kho tạng luật! Ai có thật hành rồi mới được thấu hiểu.

Đời nay nếu có người nào chỉ học mà không tu, không nỡ lìa xa danh lợi, bỏ Tứ y pháp, tức là bỏ giới luật, bỏ đạo Phật rồi, thì kinh luận ngoài môi chót lưỡi, có ăn thua gì đâu. Người lại cho rằng đạo Phật phải cải cách theo phong tục, mà người quên rằng đã là phong tục, thì sao đạo Phật lại theo, mà tại sao phong tục không theo đạo Phật? Người đó bỏ Tứ y pháp, sửa đổi giới luật chế biến đạo Phật, người hơn Phật rồi, thì đâu còn đạo Phật nữa. Người ấy làm biểu tướng đạo Phật bề ngoài, mà bên trong là hại đạo Phật. Không hành theo pháp chánh giác của chư Phật, thì những lời nói, chữ viết của người, có đúng với đạo Phật được đâu? Mà nào có ai lại chẳng binh vực giáo lý riêng, tật xấu, chỗ sai của mình mà cho rằng mình phải mãi? Vì vậy mà khi xưa Phật có dặn, về sau chúng sanh chớ vội tin lời nói, hay chữ viết của ai, mà gọi là của Ngài, nghe xem phải xét cho đúng lý, rồi sẽ tin. Chỉ có con sâu của lông sư tử là ăn thịt sư tử thôi, nghĩa là những kẻ xưng mình đệ tử Phật, bênh vực Phật, bằng ý riêng của họ, mới là kẻ hại đạo vậy. Như thế thì đạo Phật không đặng sửa đổi, nếu sửa đổi thì không còn đạo Phật, không còn gọi là qui y Phật, qui y Pháp, qui y Tăng, tức tự kẻ ấy giết đạo Phật vậy.

Cũng như đạo Phật xưa là đạo Khất sĩ, kẻ xuất gia mới gọi là nhập đạo, đời nay lại có người tại gia, cứ ngỡ mình là con trưởng của Phật, mà khinh thường Tăng chúng, tưởng như xưa kia, đức Phật cũng tại gia cư sĩ như mình.

Con đường Khất sĩ đi đến quả Phật, kêu là Trung đạo Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, trung đạo ấy là Tứ y pháp. Vậy thì chúng ta nên phải thật hành đúng y Tứ y pháp, không nên viện lý lẽ gì bác bỏ đi cho được.

Chơn lý ví như mặt đất liền. Đức Phật xưa cũng như một cây mít to lớn, cây cái đó chết đi, người ta đem các nhánh, là chư Tăng đệ tử Phật, đi gieo trồng khắp xứ, lập thành các chi đạo Phật. Thuở xưa khi hồi sanh tiền, đức Phật cũng như một cây mít to xấu xí lá u nần, mà trái thì thơm ngon béo ngọt, trái ấy là chư A la hán, đệ tử đắc quả của Ngài, người ta quí trọng đệ tử, mà tôn kính ông thầy, cũng như người ta được ăn trái ngon ngọt, mới gìn giữ cội cây.

Từ ngày Phật tịch đến nay, như cây đã chết, nhánh hột mọc lan tràn tứ phía, càng xa gốc, càng biến đổi, càng khác đất phân, càng phai mùi vị. Đạo Phật ngày hôm nay, không còn là một cây mít quý, mà là đám rừng mít lai, lai với sakê. Cây bây giờ rất tốt, lá bây giờ rất trơn, trái bây giờ thì bằng thẳng, và ôi thôi dẫy đầy vô số, không còn mùi vị gì hết, của cả một thế giới rừng cây ô tạp.

Tình thế đạo Phật ngày nay cũng y như vậy, càng lớn rộng thì càng lu mờ, đạo Phật ngày nay chỉ còn có tiếng đạo Phật mà thôi, cũng như có vỏ trái, mà không có hột. Vì có kẻ nói Tăng phần nhiều là Tăng danh lợi, quả phần nhiều là quả âm thinh, tu phần nhiều là tu sắc tướng. Đạo Phật ngày nay đã ra đời, nghĩa là đời rồi, chớ không còn đạo nữa. Mà tiếng Phật thì chỉ còn là cái hình vỏ, để cho người ta cúng lạy tôn thờ lấy lệ. Lắm kẻ lại lấy danh tướng Phật làm bia, để cho được an thân no ấm, thật là tội nghiệp. Nếu ta thử tưởng tượng, đức Phật xưa là thân cây, thân cây như có chết đi, thì còn gốc rễ, chơn lý là mặt đất liền, Tứ y pháp là bốn rễ cái còn sống nằm sâu trong đất, thời buổi nào có gió mưa khổ nạn, làm cho đất ướt, rễ mọc chồi con, xa gốc cũ, chồi ấy do bốn rễ mọc lên, cũng như vì nạn khổ chết thấm nhuần, mà có ai do Tứ y pháp trong chơn lý, hành đạo ra đời, chắc là người ta cho là quái dị lắm, cũng như cái cây nhỏ nhít kia, chẳng biết là cây gì đó.

Nhưng nếu người ta đừng chặt nhổ, để chờ xem, thì mưa gió khổ nạn càng già, là cây càng vượt mọc lên cao lớn, da cây sần sùi, lá nhám răng chia, xấu lạ, và trái lại lởm chởm gai chông. Lúc còn nhỏ bị các cây lớn rậm che bít lấp, chắc là nó ốm và cao, nhờ bốn rễ cái mạnh, nên lên cao mãi, chen chúc nhô đầu vẹt bụi; và khi cao hơn cây khác, là nó sẽ tủa nhánh bung ra che lợp trở lại. Chừng ấy cây lá trái nhánh hoa mới là tươi tốt; trái nó chín thơm tho ngon ngọt, người ta ăn dùng thích miệng khen ngon. Lúc đó chắc không còn ai chê ghét cái vỏ lá xấu xa, bên ngoài cây mít ấy, ắt sẽ nhìn nhận đặt tên cho nó là giống mít nòi, và vì dùng ăn trái mà mến chuộng cây, người ta bèn vun tưới ngăn rào, bảo giữ quý trọng săn sóc.

Đạo Phật ngày hôm nay chỉ còn là hình bóng sắp tan hoại. Nào ai có ngờ, đạo Phật là phép tu tâm, chớ đâu phải là nói hô hào tông giáo. Người ta càng vun tỏa ra chừng nào, là đạo Phật càng mất dạng chừng nấy. Cũng như người kia liệng một cục đá ngay giữa lòng ao, làn sóng dợn của nước, càng túa lan rộng lớn ra ngoài, xao động lần lần, tới mé bờ, là yên lặng. Đạo Phật cũng y như thế. Giáo pháp ra khỏi Ấn Độ, tràn sang các nước khắp địa cầu rồi, thì sẽ không còn nữa. Lúc đạo Phật lan rộng ra ngoài, là trong xứ Ấn Độ tại chỗ gốc, đã mất trước. Cũng như làn nước chạy ra xa, là ở tại chỗ cục đá, không còn sóng nữa. Thật vậy chỗ nào xao động trước, là sẽ yên lặng trước mấy chỗ kia, cũng như xứ Ấn Độ, đạo Phật mất trước các nước ngoài. Nhưng tuy đạo Phật mất, như nước yên lặng, chớ tại chỗ đó, tam tạng Pháp bảo của Tứ y pháp vẫn còn, cũng như cục đá vẫn còn, hay như cây chết, đất bằng, chớ bốn rễ Tứ y pháp, hay hột giống chơn như chánh giác vẫn còn, và sau này nó mọc lại chỗ khác, một vị Phật ở xứ khác, hay là có lại một cục đá, người ta liệng ở chỗ khác nữa. Sự thay đổi phải y như vậy.

Cảnh ngộ đã phải y như vậy, trách gì chúng ta sanh trong cõi đời trễ muộn, loạn ly này, sao không chán nản. Mà chán nản thì còn biết phải làm sao, hơn là phải tự lo tu, thương Phật, thương chúng sanh, thương mình là phải lo tu. Cần tu không chán nản. Tu là cứu vãn cuộc đời. Đạo Phật ngày hôm nay, đã phải như một cái nhà ngói, vách tường nền đúc, cũ kỹ rong rêu, sập xiêu nứt bể, hang hố hôi dơ, không còn là chỗ nơi cho chúng sanh nương dựa, vì vậy mà bá tánh mới lúm khúm, che lều xa xa rải rác, tách lạc xa nhà, phân chia tông giáo, nguy nan tánh mạng, thế mà cũng có một số Tăng chúng vẫn còn ngủ quên chưa thức dậy khiến cho nên kẻ ngoại đạo họ mới nói: Các vị ấy, còn bởi say sưa trong giấc chiêm bao, mà cho rằng tu thì phải xe cộ guốc giày, tu thì phải mũ dù khăn lọng, tu thì phải quần hàng áo lụa, tu thì phải trắp rương, tủ sắt, tu thì phải rượu thịt hằng ngày, tu thì phải nấu cơm làm mướn, tu thì phải giàu có vinh quang, tu thì phải đừng xin ăn xấu hổ, tu thì phải cải cách tân thời, tu thì phải nói cười la ó, tu thì phải đọc hát ngâm nga, tu thì phải lìa xa y bát, tu thì phải không cần giới luật, tu thì phải lợi danh quyền thế, tu thì phải xem hát cờ bài, tu thì phải ố báng chia ranh v.v… Các sư ấy quên hẳn rằng: Phật khi xưa không có chút nào giống sự tu bây giờ đó cả (ai ai cũng nói vào cho như vậy).

Bồ Tát đa hạnh là đức hạnh nhiều, chớ không phải phá giới phạm luật. Vì tu y như Phật, các sư ấy, cho là khổ quá, không có chi sung sướng lợi lạc cho xác thân hiện tại, mà chính là phải hưởng Niết bàn, phước lạc cho xác thân trong ngày hôm nay đã, rồi mai sau là sao sẽ hay. Quả thật như vậy! Các sư ấy cho rằng: Đạo Phật văn minh đời mới phải như vậy; bằng ai sái như vậy là tà đạo, là nghịch, là khác phái, mà phỉ báng đủ cách (lời của thiên hạ phê bình).

Cũng có kẻ lấy nể Đề-bà-đạt-đa xin Phật năm điều, Ngài không cho, mà ôm lòng ém tội! Xưa Đề-bà-đạt-đa xin với Phật:

1.

Các sư phải ở nơi rừng trọn đời.

2.

Phải khất thực mà ăn đến trọn đời.

3.

Phải ăn một ngọ chay đến trọn đời.

4.

Phải mặc y may bằng vải dơ lượm được đến trọn đời.

5.

Phải tu gần cội cây đến trọn đời.

Chính năm điều của Đề-bà-đạt-đa xin đấy, là phép tinh tấn, mà Phật đang hành, và chư Tăng có sức khỏe cũng đang hành, năm điều này, không phải là pháp thái quá của tiên gia ngoại đạo. Mà là năm pháp tinh tấn của trung đạo, do sự tinh tấn ấy, mới đắc thiền định, phát thần thông trí huệ được. Nhưng phép ấy ai hành được thì hành, bằng không được thì thôi, hoặc lâu mau gì cũng được, tùy theo sức, chớ không ép buộc, sợ Tăng chúng theo không nổi, vì có nhiều người già yếu bệnh hoạn, hoặc còn tật chướng của thế gian, khó mà theo được; nhưng Phật lại khuyên đừng giải đãi, phải lấy Tứ y pháp làm gốc, và Ngài thường bảo: không mưa, bịnh chớ ăn ngủ trong am cốc, chớ ăn hai bữa cơm một chỗ ngồi, chớ ngồi thiền hai lần một chỗ, như vậy thì thiền định được tinh tấn, không chán nản. Những ai có tu thiền định, mới biết việc ấy rất cần. Đề-bà-đạt-đa nhờ tu theo phép ấy, mà đắc thần thông; đức Phật và chư Tăng cũng hành tinh tấn như vậy, mới đắc thần thông, thế nên đức Phật dạy rằng: lúc đắc đạo cũng như lúc mới phát tâm cầu đạo, sự cố gắng tinh tấn là kết quả. Đành rằng Đề-bà-đạt-đa là đệ tử nghịch Phật lúc về sau, chớ lúc ấy, lời Ngài xin không phải là quấy, nhưng mà sự ép buộc thì e hạng Thinh văn theo không nổi, chớ Phật và các vị A la hán, đều là bậc tinh tấn hơn Đề-bà-đạt-đa, và cả lời xin đó nữa vậy và lúc gần đắc quả của mỗi người, là cũng phải tinh tấn như vậy. Vả lại sự tu hành cũng phải tùy theo nhơn duyên, chớ buộc trọn đời là không được, và nhà sư là còn phải độ chúng sanh, mà không phải lo cho mình không, y như Đề-bà-đạt-đa tưởng. Cũng vì lời xin đó, và cũng vì Tăng chúng nhiều kẻ biếng lười, nên đức Phật mới dạy truyền ra Tứ y pháp, là trung đạo, khi đó Ngài mới nói với Đề-bà-đạt-đa:

1.

Nhà sư được tu ở rừng, ở núi, hoặc ở chùa, tịnh xá.

2.

Phải khất thực mà ăn, nhưng khi có thí chủ thỉnh, thì được phép đi dự trai tăng.

3.

Ăn chay ngọ, bằng bịnh yếu không nổi, thì dùng tam tịnh nhục.

4.

Phải mặc y may bằng vải dơ lượm được, nhưng khi có thí chủ dâng cúng y, thì được phép thọ lãnh và mặc.

5.

Cũng được phép tu ở tịnh thất.

Theo lời Phật dạy đây, là không có quở rầy, hay bác lời xin của Đề-bà-đạt-đa, mà là nới rộng một chút, được có đông người nhập đạo, ai hành tinh tấn thì tốt, Ngài khen. Như ông Hoàng tử Bạc đề mặc áo vá xấu, ở bộng cây, xin cơm hẩm, đức Phật càng vừa lòng, không phải quở rầy, miễn là đừng thái quá theo ngoại đạo, chớ tinh tấn là tốt. Chính đạo Phật là ở vườn rừng, chùa tịnh xá chỉ bằng tre lá, Phật xưa còn chết nơi rừng, mà không ở núi non và thành thị; Ngài không ở lâu đài, đi xe cộ, cùng dù mũ, dép giày, vua quan chức phận đi lại cửa thế. Thỉnh thoảng hoặc Ngài có tới lui non núi, cùng thị thành, chớ không ở luôn trong những nơi ấy. Mỗi buổi sáng Ngài đi khất thực, làm gương tinh tấn cho đệ tử, đôi khi thí chủ cầu khẩn trai tăng, Ngài nể lòng thương mới nhận, chớ Ngài không tư vị ban phước cho một người, mà bỏ sự đi khất thực, hóa duyên số đông kẻ khác. Phật và Tăng xưa ở chòi lá, cốc hẹp, tạm cho xác thân, mặc áo đơn giản thanh bần, vải bô choàng vấn, hoại sắc màu dà, ăn dùng rau trái, thảo mộc (ăn chay). Cũng có đôi khi trong Tăng chúng đau ốm, Ngài cho phép dùng sữa, cùng ăn thịt chết, vì đó là hạng người tu Thinh văn, chớ bậc Duyên giác và Bồ tát không dùng như thế.

Đời nay, người tu lẽ nào lấy nể ấy, để ăn dùng sữa thịt, nhận mình là người đau bịnh mãi hay sao?

Thế mà có kẻ nói: cái gì Phật không cấm, thì cứ dùng; nói như vậy, thì đi tu, là để tìm cái Phật chưa cấm mà hưởng hay sao? Phật khi xưa chết dọc đường, sao đời nay ta tu ở một chỗ. Tội sát sanh là ác, dầu ai giết cũng như mình, sao còn lại đi bào chữa cái ăn thịt, mà làm thầy thiên hạ. Tam tịnh nhục là thịt chết thây ma, tự nó chết, thịt thúi ấy có ai ăn được chăng? Còn thịt bị giết, sao gọi là tam tịnh nhục được? Ai ăn thịt mà không quán tưởng biết rằng thú bị giết. Còn cư gia làm ác thì tội của ai? Như vậy thì đâu có tam tịnh nhục mà ăn, vì thịt giết, đâu phải là tam tịnh nhục. Lẽ nào Phật còn ác, Tăng còn ác, mà dạy cư gia làm ác? Đi đốc xúi bào chữa cho thêm dơ tội, mà chẳng phải là sự ém bỏ, chửa sữa lại đi. Biết đâu gương ác hại xúi, kẻ dại giết nhau, giặc giã lớn lao đời nay, là do tội của Tăng: Tăng dạy cư gia cầm dao quen tay giết đó. Vì con, không biết dạy là lỗi tại cha, trò dạy không nghiêm là lỗi tại thầy! Thì Tăng chúng sao chẳng đi cản ngăn giặc giã, mà cứu độ cư gia, khi cư gia lâm nạn: vì ngày thường cư gia trung tín nuôi mình, như thế thì Tăng nỡ nào bỏ cư gia khi hữu sự. Vì không cư gia thì có ai nuôi Tăng, mà giặc đến thì Tăng cũng không sao còn sống nữa được.

Ấy vậy chúng ta nên nhớ rằng: Tinh tấn tốt hơn là giải đãi, và không đau thì chớ nên mượn cớ đánh lừa người, đã mắc tội với Phật pháp, chúng sanh, tội lỗi với sự xuất gia của mình nữa vậy. Vì xuất gia là để tu hành đắc quả đời này, chớ không phải như cư gia tập tu nhiều kiếp. Và chúng ta nên nhớ rằng tu quá giới tốt hơn là thiếu giới.

Như vậy là đừng nên ở một chỗ, giữ bạc tiền, cùng là sự ăn dùng nung hậu, mới gọi là thiện chánh hơn vậy.

Nếu như có nhà sư nói: sự hành đạo phải do trình độ của dân tộc, thì dân tộc Ấn Độ xưa ăn thịt, chẳng biết ăn rau, còn dân tộc Á châu đã biết ăn rau, sao Tăng ấy còn đi ăn thịt?

Còn như nói đạo chưa phải lúc ban hành, thì thời nay, pháp học đã thạnh hành rồi, sao ít có ai thật hành đi cho đắc quả, còn chờ chi nữa?

Có người nói: tu phải theo xưa, mà theo xưa, sao còn vật chất của đời nay?

Cũng có người nói: tu phải theo nay, đã theo nay, sao còn giữ cái nghiệp tội của ngày xưa?

Vậy thì chúng ta nên biết rằng: Đạo là xưa, xưa đúng phép; là nay, nay hoàn toàn, chớ phải đâu lôi thôi càn quấy và đúng hơn hết, đạo Phật là con đường giác ngộ diệt khổ, dứt luân hồi, đoạn nghiệp, chớ không phải xưa hay nay gì cả.

Bởi lúc nào mà chúng sanh không phải là khổ nạn, vì tham sân si tội lỗi?

Tóm lại, sở dĩ có bài Chánh pháp này, là vì đời và đạo hôm nay, không còn phải biết sao nói được nữa.

Chánh pháp xuất hiện hôm nay, ắt không phải sớm hay muộn, vì đã đến lúc, mà chắc hẳn không còn ai khen hay chê, mừng hay giận, thương hay ghét, buồn hay vui, và ai nấy cũng đều đang có tu, muốn tu tất cả. Bài này không phải của nhà sư Đại hay Tiểu thừa, mà là do giới luật của Phật, do các bậc Khất sĩ đã thật hành chính chắn Tứ y pháp, pháp chánh đẳng chánh giác, giác ngộ.

Bản ý của bài này, là chỉ rõ sự thống nhứt Tăng đồ nhà Phật trên thế giới lại, để cứu thế, lập đạo Niết bàn hiện tại, cho phải dịp. Vì chỉ có tất cả chư Tăng hiệp lại, mới lập đại đồng cứu thế nổi thôi, là đến lúc giáo pháp Cực lạc Niết bàn phải ban hành cho kịp, kẻo rồi đời và đạo không còn chi cả, lại hối tiếc, và nên phải biết rằng: Không có Đại hay Tiểu thừa gì, không có chia rẽ hơn thua chi chi nữa, mà là chỉ có cái đau khổ của tất cả kia thôi.

Sự thế đã phải như vậy, thì này đây là chỗ hội hiệp của tất cả, chỗ cứu độ tất cả chúng sanh, chỗ lập thành đạo Phật là: Không không danh lợi đường chơn.

Pháp hành: Tứ y pháp, chơn tu trung đạo.

Tứ y pháp là chánh sự quí báu hơn hết.

Đến chơn như đặng, và đúng chơn lý hơn hết.