CHƠN LÝ KHẤT SĨ- CÓ VÀ KHÔNG - QUYỂN 06 - TS. MINH ĐĂNG QUANG - MP3 và Ebook

  1. CHƠN LÝ KHẤT SĨ- CÓ VÀ KHÔNG - QUYỂN 06 - TS. MINH ĐĂNG QUANG

CÓ VÀ KHÔNG - QUYỂN 06

VÕ TRỤ tức Vô minh, lắm kẻ gọi là không, không gian là võ trụ. Trong võ trụ có:

1.

VẠN VẬT là tứ đại,

2.

CHÚNG SANH là thức,

3.

CÁC PHÁP của chúng sanh đối với vạn vật.

Các pháp là gồm cả sự làm, lời nói, ý tưởng, tình thọ, trí hóa, các sự thay đổi, cử động, tác dụng, giáo lý v.v… Vạn vật, chúng sanh và các pháp, là cái có ở trong cái không.

Vạn vật là xác thân, chúng sanh là sự sống và các pháp là thức cần dùng để nuôi vạn vật và chúng sanh (tức xác thân và sự sống). Pháp có lý có sự, sự để nuôi thân, lý để nuôi trí. Lý có ác có thiện, sự cũng có thiện có ác.

Từ khi có bậc Phật toàn giác, vì sự khổ của chúng sanh bởi có không, thiện ác, lý sự, Phật mới chỉ ra thêm pháp giải thoát kêu là đạo. Và đối với chúng sanh, mỗi tên gọi cùng sắc hình của vạn vật, đức Phật nói ra nhiều phương tiện của trí huệ, để giác ngộ, nên cũng gọi là Pháp.

Pháp là phương pháp, lý lẽ, cách thế.

Pháp của thân là việc làm.

Pháp của trí là lời nói.

Pháp của tâm là sự thọ tưởng.

Việc làm sanh sự nghiệp của cải. Lời nói sanh trí huệ đạo lý. Thọ tưởng sanh thần thông quả linh.

Pháp có thể, có tướng, có dụng, có lý. Thể của pháp là cái có hình dạng. Tướng của pháp là sự khác nhau của hình dạng. Dụng của pháp là tác dụng, cử động, sanh sống ích lợi của thể tướng. Lý của pháp là sự hư nên, còn mất, có không, tốt xấu, sạch dơ, thấp cao, đen trắng.

Pháp vốn là không có, bởi có chúng sanh xúc đối với vạn vật, vì tríu mê, vì khổ sở, mới có pháp, nên gọi là pháp tánh vốn không, hay gọi là bổn pháp vốn không tự tánh. Bởi chúng sanh tríu mê lăn nhào trong vạn vật, sanh pháp ác trược để phải khổ sầu; nên chư Phật mới bày ra pháp thanh thiện giải thoát khổ sầu ấy. Vẫn hay chúng sanh từ nơi vạn vật sanh ra, nhưng nếu ở giữ mãi trong vạn vật, có khác nào ở mãi trong địa ngục thai bào, tránh sao khỏi khổ đau. Nên pháp của Phật dạy là giải thoát khổ, tiến hóa, bỏ sự vật vượt lên cao, trên không, của lý trí; gọi là bỏ vật chất đến tinh thần, lìa thân sống bằng trí; nghĩa là coi xác thân như không có, như chết rồi, hay là chết rồi thì không trở lại, bằng có trở lại, là vì sự ích lợi cho chúng sanh, chớ đừng tham mến xác thân, mà phải ác trược gian tà, khổ lo rầu sợ. Mà thật vậy, sống ác tà, khổ sở, nặng nề, thấp thỏi như trẻ con, thì sự sống có quý ích gì? Còn sống thiện chánh, yên vui, cao nhẹ, ích lợi như người lớn, ông già, thì ai lại chẳng mong cầu được sống? Đó là giá trị của con người, giá trị ấy tức là pháp, pháp bảo trừ pháp hại, pháp quý trừ pháp độc. Đành rằng: nếu không vật chất trước ắt chẳng có tinh thần sau, không thân nào có trí? Không xác thân có đâu cái sống? Nhưng xét lại kỷ thì sau khi chết xác thân vật chất mất rồi, lúc ấy ta chỉ còn có trí, có tinh thần, có cái sống, đã già mà thôi. Kìa cây lá hoa quả un đúc cho cái hột; cây, lá, hoa, quả hết, chớ hột hãy còn. Thì xác thân vật chất của ta cũng vậy, các cái ấy có ra để nuôi tâm, tâm còn, tâm có, tâm sống, tâm là hột giống của loài người; lẽ thì ta phải lo nuôi nó hơn xác thân vật chất tạm. Tiếc vạn vật mà chi cho phải khổ, chẳng là vô ích lắm ru?

  • Vạn vật có sức làm cho chúng ta phải tham lam độc ác, khổ phạt lấy mình.
  • Chúng sanh năng làm cho chúng ta phải sân giận độc ác, khổ phạt lấy mình.
  • Các pháp hay làm cho chúng ta phải say mê độc ác, khổ phạt lấy mình.

Vạn vật là thân phàm, chúng sanh là tâm phàm, các pháp ác là trí phàm. Ví bằng ta còn muốn giữ ba cái ấy, thì cũng nên đổi nó ra thành món tốt đẹp hơn, rồi sẽ thương yêu gìn giữ.

Thân mình của chúng ta có ba phần: Tham là chân ác, sân là mình ác, si là đầu ác, ba thể ấy hiệp lại là thân ác. Còn như giới là chân thiện, định là mình thiện, huệ là đầu thiện, ba thể ấy hiệp lại là thân thiện. Có giữ giới vạn vật mới tốt đẹp, có thiền định chúng sanh mới sống đời. Có trí huệ các pháp mới trọn lành trong sạch. Giới định huệ là một thân hình tốt đẹp của cái có, xứng đáng có yên vui. Chúng ta cần phải giữ cái có, của giới định huệ ấy, bởi nó là chơn lý của võ trụ, nó là ý muốn của cái không, vì cái không là bà mẹ của chúng ta.

Tham sân si là không (bởi khổ). Giới định huệ là có (bởi vui). Lẽ khổ là trái ngược, lẽ vui là xuôi thuận đi tới. Vậy nên chơn lý của võ trụ là tiến, thì giới định huệ là cái kết quả của không gian, kết tinh lại các điều thuần túy, mà làm thành đứa con ngoan là Phật. Chính Phật mới có được thân giới định huệ, một nhân vật quý nhất trong đời, là người đắc đạo của võ trụ. Vạn vật, chúng sanh và các pháp sẽ do nơi Ngài xem sóc, thay thế cho quyền tạo hóa hư vô, hưởng lấy kho tàng bất tận. Về thuyết có chỉ rằng: tự nhiên là có và sống, cái không là có, và sống, khí thủy địa hỏa là có và sống. Cho đến các pháp giữa vạn vật và chúng sanh, cũng là có và sống mãi. Trong võ trụ không có cái chi là chết và không. Sự thay đổi khi vầy khi khác, là bởi sức tự động của nó.

Sự sống của mọi vật cũng như cái máy đồng hồ, mỏn giây là vặn lại. Mạnh rồi yếu, yếu rồi mạnh, mỗi một lần thay đổi là tiến tới một khoảng đường; cũng như sáng mai hơn chiều nay, kiếp tới sẽ hơn đời này.

Trong thế gian, bằng không có sự vô thường, ẩn hiện, tương đối thì không bao giờ có cái thường và tuyệt đối. Nếu không có thường và tuyệt đối, thì chúng sanh chẳng bao giờ được hạnh phúc kết quả tốt đẹp tối cao. Vậy nên vô thường tương đối là tiến hóa, là không khổ, là có, là sống đời đời, là thiện, là huệ, là chơn.

Chúng ta chắc không ai ưa sự tự dối lấy mình, là để cho lời nói phản ngược sự hành động, mà vội phê bình chỉ trích, chê bai, khen ngợi một việc nào, hạp hay không hạp với sở ý mình trong hôm nay, mà quên nghĩ đến ngày mai! Không biết trước nó sẽ ra sao?

Than ôi! Chúng sanh những bị cái tham không thỏa mãn, mà lúc nào cũng giẫy giụa, than van cho rằng tạo hóa khắt khe gàn trở, lại gọi chơn lý chẳng công bằng, mà không hay chịu nhận sự lầm dốt của mình.

Kìa võ trụ sanh ra ta, nuôi, dạy, cứu, đỡ nâng ta lên, chớ nào giết hại. Ví như người kia có mua một cái ly tốt; về sau cái ly ấy bể hoặc mất, người rất buồn rầu. Sau đó những ngày, người lại ra chợ mua một cái ly khác, cũng giống như vậy mà tốt đẹp hơn, người lại vui hơn. Mà cũng nhờ sự mất bể ấy, trong đêm ấy người tránh được sự chết bởi có kẻ trộm muốn giết người để đoạt cái ly, nhưng vì sự bể mất buổi chiều, nên kẻ trộm kia tha cho tánh mạng. Lại cũng nữa, nhờ ly bể mất ấy, người mới đi đến chỗ bán đồ mỹ thuật, nên kiến thức được mở mang, mà gặp được nhiều món khác tốt hơn. Và sự đó đem lại cho người bài học rằng: đừng ôm giữ mãi một món đồ của ta, mà phải khổ và thua kém người. Đã thiệt thòi với cái xấu, mà còn nguy chết cả sanh mạng. Cái ly đâu có mất, nó chỉ đổi hình đổi chỗ mà thôi. Sự đổi ấy để cho ta tiến hóa, để cho ta đừng tham đừng khổ, và khỏi phải bị ai tham ác giết hại ta. Sự mất bể chỉ gạt kẻ tham ác, chớ nào nó có bỏ lìa ta! Vì cái ly này tuy bể mất, nhưng hình tướng nó vẫn còn trong trí óc ta, ta sẽ đi mua, cùng sắm làm lại cái khác, tốt đẹp hay hơn, tức là nó còn đó, trở lại đó. Nhờ sự mất còn ấy, chúng ta mới có đủ tài trí và đức hạnh, là sự khỏi cất giữ cái của mình, mà cái của mình bao giờ cũng vẫn có còn ở nơi mình. Như vậy thì tham mà chi? khổ ác ích kỷ mà chi? chẳng là dốt nát lầm lạc lắm ru?

Vậy ta nên nhớ rằng: ta có đủ hết, và đồ vật không bao giờ lìa xa ta dầu trong những đời này và đời khác, ta hãy suy nghĩ xét kỹ, mà khoan lo sợ, và tự nói rằng: Ai dám bảo của ta là không có, cho đến cái ta, ta tức là thiệt, chắc, có, sống đời kia mà đâu phải giả, đâu phải chết, nó chỉ thay đổi, để đừng nhàm chán, đừng khổ, đừng ác đó thôi!

Cũng như một người nghèo khó kia, trong cơn bịnh nặng biết mình chết, mới suy nghĩ rằng: Ta có nên muốn sống nữa chăng? Nếu muốn sống ta phải làm ác, cướp của giết người. Muốn hết nghèo khổ chăng? Nếu muốn sung sướng thì đừng thương ai, hơn là thương thân mình! Nhưng xét lại bịnh quá nặng, việc ấy không thể làm; người mới suy nghĩ nữa: vậy sau khi chết ta sẽ còn gì? Có gì? Và đi ở đâu? Thấy ra các hạng người cùng khổ trong thế gian mà người rất sợ. Nhớ lại mấy người giàu sang, người định sẽ đi nhập thai những chỗ đó, và yên trí rằng, khi người làm con kẻ giàu có, người sẽ không tham, không làm ác, người phải bố thí, làm các việc từ thiện phước lành, để cho thiên hạ nhờ cậy và thương yêu, người mới giữ chắc được sự sống yên vui và trong sạch. Có như vậy hôm nay người phát tâm hoan lạc, mong chết cái nghèo, để đến cái sống giàu sang, và mỗi kiếp mỗi tiến lên như vậy, cho đến bậc Trời và Phật, mà người không cho rằng có sự chết, chỉ là bỏ cái dốt nát lạc lầm, bỏ điều tham ác khổ hại đó thôi. Người không thể tin rằng: Không có cái ta, hay là cái ta thụt lùi; cho đến các pháp cũng vẫn là có, có chắc thật, có nẩy nở, có trường tồn.

Kìa như một ông thầy giáo, đem hết sự học của mình mười quyển sách, dạy lại cho một người học trò. Ông đã già, sắp chết, và trối với học trò, khuyên phải ăn ở hiền lương theo gương ông, và nên đem sự học của mười quyển sách ấy, mà dạy trao lại cho đứa con sắp sanh ra. Chính đứa con ấy là ông, sẽ nhập thai trở lại vậy.

Lại ông đưa tiền ra, bảo dở nhà cũ bỏ, mà cất lại nhà mới tốt, với đồ đạt dọn về nhà mới, và sắm thêm; rủ thêm quyến thuộc tới ở cho đông, để cùng nhau lo tu học. Việc làm ấy không tin rằng nó mất, ông quyết giữ một địa vị mãi, giữ một miếng đất mãi, giữ quyến thuộc và giữ luôn sự học hành. Ngày sau ông sanh ra trong miếng đất đó, nhà đó, của cải đó, quyến thuộc đó, gặp sự học mười quyển sách đó, ở chỗ hiền lương đó, mà càng tấn hóa lên cao, nhiều, lớn, hay hơn nữa. Ông nhận thấy rằng: nay tuổi ông sáu mươi, học hành của ông được có bấy nhiêu; chớ đời sau, khi ông được hai mươi tuổi, thì sự học hành được ngang như bây giờ, và đến khi già, thì ông học thêm được ít lắm cũng hai mươi quyển sách nữa. Như vậy là mỗi kiếp mỗi tấn hóa đi lên, vừa học vừa nghĩ, vừa gởi gắm lại cho kẻ khác, để cất cho mình về sau. Ông ấy biết lập xã hội đạo đức để dung thân, sắm cửa nhà để sẵn cho mình! Thật là kẻ biết rõ thấy xa cái có, cái còn, cái sống, cái ta của ta, cái pháp. Nào ai có quyền gì ép buộc phá hại kẻ hiền lương, mà gọi là không hòng làm cho không! Dầu không bây giờ, nhưng ngày sau cũng vẫn có lại, mà vinh quang hơn nữa, chớ chẳng thiệt thòi.

Ấy cho nên kẻ giác ngộ rồi, không có khổ. Cũng không lo sợ, gian ác gì cả. Bởi người thiện rất an tâm mà cho rằng: thời gian vẫn đưa trôi người đi tới, càng tới, tới nơi cùng tột là Niết-bàn. Thế nên người từ bi hỷ xả lắm, chẳng biết giận buồn ai và bỏ ghét ai.

Vậy thì người ở đời, chơn lý vốn sẵn chỉ rằng: ngủ là để thức, nghỉ là để làm, nín để nói, chết để sống, không để có, mất để còn… Đời là trường học tập, võ trụ tạo hóa như ông cha bà mẹ, chúng sanh như anh em, vạn vật là của cải, các pháp ấy món ăn. Kho tàng chỗ sẵn, của đầy, cung cấp gìn giữ sẵn cho ta, đâu có gì là sự thiếu thốn. Bởi ý ta hay nhàm chán, nên tất cả mới múa xoay, để cho ta vui tai lạ mắt ngơ ngác không dè, đặng tập rèn cho ta sợ khổ, chết, mất, không, mà dứt sự tham ác đê tiện, đặng làm cho ra giá trị của con lành, hột giống, của quí báu trong võ trụ. Hiểu như thế, ta mới vững tâm mà thấy rõ rằng: Ta không bao giờ bị bơ vơ sa thải, bàn tay khéo léo của võ trụ thân mến, vẫn đưa ra che chở cứu vớt ủng hộ ta luôn, và lần lần đưa ta lên tột cao êm ái, không còn phải sợ ngộp.

Cho đến khi ta được thành Phật rồi, thì cũng như viên ngọc để trong hộp quý, trên bàn thờ tôn kính, cất để đời đời, cho chúng sanh sau này bái vọng. Ấy tức là nhờ sự thay đổi vô thường, khéo hay không chán, giúp cho ta sự học kinh nghiệm để giữ cái ta, cái của ta, cái có, là cái thường của vô thường, cái vui trong sự khổ.

Cái khổ là tấm vách tường sau lưng đẩy tới, làm cho muôn loại chỉ phải tới chớ không lui. Ví bằng có kẻ ương ngạnh thụt lùi, té nhào bởi ác, mà sa vào lưới khổ, cho đến tiêu diệt mất hình, thì xác thân tâm hồn đó, sẽ đổi làm thành xác thân tâm hồn khác sau này.

Về thuyết có, thì cái chi cũng là có hết, hoặc đã có, hoặc đang có, hoặc chưa có, hoặc đã được rồi cái có đời đời. Các pháp cũng như vậy: pháp sẽ sanh, pháp đang sanh, pháp đã sanh rồi, còn sở chấp hay không còn sở chấp, hoặc nói hay nín, hoặc ẩn hoặc hiện, tùy nơi sở dụng, lúc nào nó cũng vẫn có, chớ chẳng thế gọi không. Cho đến sự bỏ qua, không ghi nhớ, đã quên rồi, hay chưa biết. Thời kỳ có Phật hay là thời chưa có Phật, hoặc có chúng sanh, hay chưa có chúng sanh, lúc nào pháp cũng vẫn có cả: Vì nếu pháp mà không có thì làm sao lại có kẻ đã tìm ra, đang tìm ra, hoặc chưa tìm ra, hoặc đã quên, không ghi nhớ! Bởi thế cho nên trong thế gian này ai ai cũng có thể tự lựa chọn cái hạnh phúc tốt đẹp tối cao, mà cần nên phải tránh xa các món xấu xí tai hại, để hưởng trọn quả phước trong sạch, thanh bai trắng trẻo.

Cái có thật là bao gồm tổng quát, và lại chia ra làm hai loại như: có thiện có ác, có còn có mất, có có có không, có địa ngục có thiên đường, có Niết-bàn có luân hồi, có sống có chết, có đến có đi, có tốt có xấu… tương đối! Bởi có mới có đặt tên, so sánh, nói chỉ viết ra. Thế nên một kẻ chấp có để tiến lần đến Niết-bàn rốt ráo, yên vui tốt đẹp. Nhờ chấp có mới cố gắng siêng năng, vượt lên từng bước một. Nhờ chấp có mới bỏ ác theo lành, mà đi tới cõi vui tuyệt đối. Khi đến cảnh tối cao ấy rồi họ không còn sự cố chấp vọng động, chớ cảnh ấy cũng vẫn có với họ; dầu họ cố quên hay là ngủ nhắm mắt, cảnh có ấy cũng chẳng mất đi đâu.

Cũng như không có cái có, thì đâu có mệt mà không mệt thì đâu có nghỉ ngơi, chơn như, vắng lặng. Không phải như sự giãi đãi mà nói liều không không, không có, không làm, không cần biết phải quấy gì cả, của kẻ đánh liều buông lung tội ác; để rồi sau này lại chịu khổ sầu. Mà thật ra cái có có, là sự gieo trồng giống tốt của kẻ siêng năng. Có khổ mới có vui, có cực mới có sướng, không còn biết khổ bởi đã quen khổ, vui trong cái khổ, nghỉ ngơi trong cái khổ. Nhận lấy cái vui tuyệt đãi của người, mà quên khổ nhọc của mình. Lánh xa điều ác, cần chuyên việc thiện, kẻ ấy mới thật thấy chánh đi đúng theo lẽ có; biết tạo lập cho mình và cõi đời, từ nay và mãi mãi về sau, trở nên một thế giới cực lạc sống chung, mà có mình trong ấy mỗi lúc.

Đi theo một chương trình thuyết có, kết cuộc sẽ thành công vĩ đại phi thường. Phật thánh xưa, nói không không, là tránh cho chúng sanh sự ác, sự khổ, chớ nào có cái không, không là ra làm sao? Nếu không sao các Ngài thành Phật, là đấng tối cao tột bực. Vậy ta chớ hiểu lầm câu nói ấy mà chấp không, để mãi thụt lùi chôn nhốt là lỗi tự mình.

Kìa như không nước là đã thành đất, không đất là đã thành cỏ cây, không cỏ cây là đã thành thú người, không thú người là đã trở thành Trời, không Trời là đã thành Phật, không ấy là tấn hóa bỏ thấp lên cao, gọi là không cái thấp, có cái cao, lẽ không ấy đặng cho đừng mến tiếc cái cũ xấu, mà ham cái tốt mới vậy. Cũng như có không quyến thuộc gia đình xã hội loài người, thì ta mới đến được cõi Trời Phật. Ấy như nghĩa không có vị ta, mới có vị người. Lý không ấy là sự dứt bỏ cái nhỏ, để đi đến cái lớn chớ không phải nói rằng Phật là không có thân tâm, chỗ ở, của cải y phục.

Phật là một siêu nhân cao cấp, thân Ngài là hình bóng khác với thân người, cũng như thân người khác với thân cây, thân cây khác với thân nước loãng, cho đến chỗ ở, của cải, y phục, tâm trí của mọi trình độ giới hạn đều khác nhau không giống, chớ vẫn có đủ điều mới được yên vui đằm thắm. Cảnh giới càng cao, càng thiện lành trong sạch, thì lại càng sung sướng khoái lạc thâm trầm, cái nặng nề khổ sở càng ngày nhẹ hết.

-  Vì đâu mà có lẽ không?

- Bởi lẽ có! Chúng sanh vạn vật và các pháp

 là cái có.

Cái có từ thấp tới cao, từ nhỏ tới lớn, từ nặng tới nhẹ… Nghĩa là cái có phải đi tới mãi. Bởi quan niệm của chúng sanh thiếu trí phán đoán, nhận lầm, đứng một chỗ hoặc thối lui, ác trược chịu khổ, nên mới có danh từ tương đối là không, không ác trược, không khổ; không cái không hôm nay và đã qua, không luyến ái không tự cao, không giữ gìn không bền vững.

Không tức là có vậy, nghĩa là không cái này là có cái kia, chớ chẳng phải cái không tuyệt đối.

Cho nên không ác khổ là Niết-bàn cực lạc, hay là có thiện vui cũng là Niết-bàn, cực lạc. Kẻ chấp có đến chơn như, thì người chấp không cũng đến chơn như không vọng động, không mê lầm, không cấu trược; không chúng sanh tức là chư Phật vậy. Kẻ chấp không không rốt ráo, tức là kẻ đã già, mệt, hưu trí, nín nghỉ rồi, rồi xong phận việc chẳng còn có cái gì nữa, nên gọi là không. Còn như trẻ nhỏ chưa làm, thiếu thốn đói khát, chưa rồi, nếu bảo không, ắt chẳng thể được, tất nhiên với kẻ nghèo túng là phải có vậy.

Thế nên Đức Phật có dạy rằng: Kẻ Thinh văn là học trò mới nghe dạy, phải không ác mà có thiện. Bậc Duyên giác phải không thiện mà có huệ. Bậc Bộ tát phải không huệ mà có chơn như. Đến bậc Như lai rồi cũng phải không có chơn như nữa, mới là Phật hoàn toàn. Không cái thấp có cái cao: Ấy là Phật chỉ nấc thang trên, mà bỏ tầng lớp dưới cho nên không và có, do tiếng đạo đức thốt ra, tùy sở chấp của chúng sanh, ông già trẻ nhỏ tương đối nhưng chỉ có một lý nghĩa là bỏ xấu lấy tốt, bỏ dở lấy hay mà thôi.

Vậy thì không ác hay là có thiện, vẫn là một, nào có khác chi? Có tức là không, không tức thiệt có, chẳng phải hai. Cái nào cũng Niết-bàn cả. Biết bao nhiêu kẻ tưởng lầm, có có, cái ác, là vui. Biết bao nhiêu kẻ tưởng lầm, không không, cái thiện, là khổ. Ấy bởi không thông chơn lý, chẳng rõ nhơn duyên, mãi sống trong vạn vật chôn nhốt phủ giăng cuồng vọng điên đảo! Do sở chấp của hai hạng đó, mới sanh ra lẽ có, lẽ không để giác ngộ. Nhưng nếu khi đã hiểu ra rồi, thì có không gì cũng được, miễn hết khổ là xong. Trình độ nào thì sở chấp nấy, có ai bảo ai theo như mình được? Cũng như học trò lớp chót và lớp nhứt, không thể hiểu biết bằng nhau. Ông già mà có có như trẻ nhỏ không được, trẻ nhỏ mà không không như ông già cũng không được; định luật tạo hóa, nhơn duyên như vậy, khó bề trái cãi.

Thuyết không cũng chẳng khác gì thuyết có! Tự nhiên sanh ra không, không ở trong tự nhiên! Không sanh ra khí và sanh chuyền ra nước, đất, lửa, gió, cỏ, cây, thú, người, Trời, Phật.

Về thuyết không, thì không sanh ra có, và rồi có trở lại không (chấp theo hình thể) nên gọi không là bà mẹ, không là chơn lý lẽ thật. Chúng sanh, vạn vật, các pháp, cố cưỡng sanh ra là sái quấy, nên phải khổ. Hể cái chi có là ác, không là thiện. Không là Trời. Có là Đất. Không là vui, có là khổ! Lẽ không là phương pháp an ủi nhiệm mầu. Không là bàn tay cứu vớt biết bao kẻ bị chôn sâu, cái không là sự nghỉ ngừng tạm, để cho chúng sanh bớt mệt, ít ngán, đặng đi đường dài, đến mục đích. Có là đi, không là nghỉ; có là đạo, không là quả. Nhờ chấp không của mỗi chặng bực, nên mới đến được cõi tự nhiên chơn như. Đến nơi ấy chẳng còn không hay có; nghĩa là đã hết chấp. Bởi hết chấp nên nói có, không gì cũng được. Không là giáo lý chớ chẳng phải chơn lý, những ai níu lấy nó cũng được an ổn biết bao. Nhờ chấp không, mới dứt trừ được tham, sân, si, ngã mạn, cái ta mê muội.

Cái không cao hơn cái có. Không ác hơn có ác. Không khổ hơn có khổ. Không thân hơn có thân. Cũng như cái không là trên đầu, cái có là dưới chân. Nhưng nếu nói trái ngược lại có thiện hơn không thiện, có tu hơn không tu, có Phật hơn không Phật. Tuy là lời lẽ tương đối, nhưng cũng vẫn có một lý nghĩa, là bỏ thấp lên cao, chỉ có một đường.

Tiếng không có hai cách thông dụng nghĩa lý trái ngược như vầy:

1.

Chấp không: nghĩa là không.

2.

Không chấp: nghĩa là có.

Lại như câu nói:

Nhà không: là có nhà.

Không nhà: là không có nhà.

Chữ tương đối mà nghĩa cũng tương đối, nhưng lý thì vẫn có một. Cũng như kẻ ác nói có đời, người thiện nói không đời. Kẻ ác nói đời không, người thiện nói đời có, kẻ ác nói không đời, người thiện nói có đời. Kẻ ác nói đời có, người thiện nói đời không. Tám câu ấy tuy hẳn khác nghĩa đối nhau, nhưng thật là một lý một, không phải quấy. Thế mới biết rằng: các sự luận biện là vẫn hiểu lầm; cho đến cả lý luận nay mai trong ngoài cũng như vậy cả thảy.

Cái không cũng có lợi và hại. Cái có cũng có lợi và hại. Không ác là kẻ làm ác mà không nhận tội. Không thiện là kẻ làm thiện mà không nhận phước. Có ác là kẻ không làm ác mà tự nhận lỗi. Có thiện là kẻ không làm thiện mà lại giả danh. Nghĩa ấy tuy ngược chọi với lẽ xuôi nhưng đúng hạp với tâm lý của chúng sanh lắm vậy. Không và có nghĩa lý nói không cùng…

Từ có ác đến không ác, và từ có thiện đến không thiện là giải thoát.

Ta nên nhận xét rằng: Một Đức Phật hay là trong khi ta nhập định, tuy ta không chú ý vào cái ta, để dứt sự phiền não, chớ cái ta trong lúc ấy vẫn đang có, nó đang nghỉ ngủ yên lặng. Từ cái thân trong không khí khó thấy (mà kẻ thường gọi là không), đến cái thân tướng hữu hình của tứ đại, sau lại, khi thành Phật, thể tứ đại bỏ, thì còn thân của hình bóng khó thấy. Nên có kẻ nói không đến, không đi, không về[1]; chớ chẳng biết được rằng: Lúc nào thân cũng vẫn có, mà nó phải khác nhau ở mỗi cảnh giới. Lại bởi quả địa cầu lăn xoay, mọi vật vô thường thay đổi, có tương đối, âm dương hóa sanh vạn vật chúng sanh, nên người hết khổ vì chấp có, lại té ngã qua lề không. Khiến nên không và có là hai bờ lề, chúng sanh mãng ngó qua xem lại cái nào cũng phải, lẽ nào cũng hay, khó nỗi biện phân, nên không trông thấy đạo, không lìa một chỗ. Cái khổ chẳng rời.

Chớ chi người ta chịu hiểu rằng: Cái có là chân, cái không là đầu, cái trung là ở giữa, trung mới là đạo là mình, cái mình là chỗ nuôi sống, chẳng rời đầu và chân, gồm cả ba phần ấy, mới gọi một thân sống. Nếu nói đầu không, thì xa chân CÓ quá, khó sống. Nếu nói chân có, thì xa đầu KHÔNG quá, ắt khó sống. Bằng nói mực giữa trung thì gần cả dưới trên, cũng như có thức có ngủ, có làm có nghỉ, có sống có chết, thì chúng sanh khỏi bị khổ, vì thái quá và bất cập, mà sanh mãi vọng tâm, lại dễ chịu hơn. Nhưng nếu chấp trung đi chánh giữa, như kẻ thiếu đầu thiếu chân, chỉ có mình thì cũng không sống đặng. Như kẻ bị ép ngặt hai bên, thì chết giẹp hết thở. Thế nghĩa là: cũng không phải chấp trung, mà gọi là đạo được. Vì có ai bị kềm trói đi ngay hoài mà chịu nổi; âu là phương tiện, qua một chút cũng được, lại một chút cũng xong, mực giữa càng tốt gồm cả ba mới là đạo. Vậy ta thấy rằng: không thể thiếu một bên hay khoảng giữa, không thể xẻ hai hay phân ba, mà phải chung hiệp mới là thể một, có sống. Như vậy vô chấp thì hơn; có, không, hay trung có ích lợi gì! Còn chấp là còn ý. Ý đâu có định; nói xuôi nói ngược, biết đâu nhiều khi ta nói phản với ta, tự dối lấy mình!

Nếu đã nói có, không và trung, gồm một, thể sống, thì thể sống ấy là có chớ nào phải không? Chơn là không khổ, vọng là có khổ, vui khổ tại nơi thiện ác, chấp cùng vô chấp, ta hiểu như thế cũng đủ rồi! Ác là nặng, thiện là nhẹ, huệ là dứt bỏ, chơn là tự nhiên, âu là ta hãy tự nhiên, có chẳng hơn không? Tự nhiên của kẻ dốt là khổ, tự nhiên của kẻ học là vui! Vậy sau khi lầm lạc, đã được học rồi, ta hãy tự nhiên cho vui là quý hơn hết.

Có để đặng chơn như, không để đặng chơn như, trung để đặng chơn như, chấp gồm ba pháp để đến chơn như không chấp cũng chơn như. Chơn như mới thiệt là có, chơn như mới thiệt là không, chơn như mới thiệt là trung, chơn như mới thiệt là ta, là Phật. Vậy ta chỉ cần biết chơn như là đủ, nhờ các pháp ấy ta mới đến chơn như, thấy rõ rồi thì cứ hãy đi để tới, chớ khỏi cần ngó lại và nương theo tay chỉ nữa. Kẻ giác ngộ chơn như rồi, thì giải thoát ra khỏi tất cả sở chấp không còn giả vọng nên gọi là chơn như toàn giác trọn sáng trọn lành.

Nói tóm lại: Có, Không, Trung là Pháp để mở trí, cho người thấp kém nhỏ nhen. Có, Không, Trung, là võ trụ bao gồm có sẵn như quyển sách, trí ta như cặp mắt để xem nhìn cho thấy tỏ rỏ, đặng yên sống và hưởng dùng, mới được no vui ích lợi.

Trước có pháp mới có trí, và sau này có trí mới có Pháp. Nhờ pháp, Tăng là chúng sanh mới thấy Phật là chơn như giác ngộ. Phật là chỗ đến của Tăng, nhờ Pháp, khi đến rồi thì Pháp không còn dùng. Ấy vậy Pháp Có, Không, Trung là quý báu, của cải của chúng ta; không có nó, tâm ta chẳng bao giờ đầy đủ cứng già, muồi chín được. Cũng như cơm là món ăn của thân, Pháp là mùi vị ngon thơm của tâm. Ai ai sống đời cũng nhờ Pháp bảo, Pháp bảo là thầy của Phật, là thầy của Tăng và chúng sanh. Vậy nên chúng ta mau mở trí ra mà chứa đựng Pháp bảo.

Vì trong đời Pháp bảo là quý hơn hết.